Hàng không Quốc gia sẽ tối ưu hóa lợi ích đối với các máy bay 'siêu sang'

Vào năm 2017, Hãng hàng không Vietnam Airlines sẽ tiếp nhận 5 máy bay, trong đó gồm 4 chiếc A350 và 1 chiếc Boeing 787-9. Ngoài 1 chiếc A350 dự kiến giao trong tháng 1-2017 đã được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương bán và thuê lại (sale and leaseback), Vietnam Airlines sẽ phải thu xếp vốn cho 4 máy bay còn lại với tổng số tiền huy động dự kiến lên tới 544 triệu USD.

Theo Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh, mặc dù các dự án đầu tư máy bay B787-9 và A350 của Tổng công ty (TCT) đều đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư và vay bảo lãnh, nhưng do tình hình thực tế và trước áp lực lớn của vấn đề nợ công quốc gia, Chính phủ và Bộ Tài chính thường xuyên yêu cầu TCT phải tích cực rà soát kế hoạch phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh 2015-2020 theo hướng dẫn tiến độ đầu tư để đảm bảo cân đối dòng tiền và tăng khả năng trả nợ, đồng thời rà soát phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn, ưu tiên bố trí nguồn vốn trả nợ các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh; có các giải pháp để giảm tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu, đánh giá các chương trình ưu tiên đầu tư theo hướng giảm dần sự hỗ trợ của Chính phủ sau khi cổ phần hóa.

Cũng theo ông Minh, lựa chọn phương án bán và cho thuê lại sẽ giúp Vietnam Airlines tối ưu hóa các lợi ích và thực hiện đồng bộ giải pháp về mặt tài chính. Thực tế, việc đầu tư nâng cấp đội máy bay thời gian qua đã giúp Vietnam Airlines có sự phát triển nhanh chóng, góp phần nâng cao giá trị, chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn và hiệu quả khai thác cũng như nâng tầm hình ảnh, thương hiệu của Vietnam Airlines. Tuy nhiên, do vốn đầu tư phụ thuộc vào vốn vay là chủ yếu nên đã làm gia tăng hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này. Được biết, dự kiến đến 31-12-2016, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines là 4 lần.

Nếu áp dụng phương pháp bán và thuê lại, dự kiến hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines sẽ giảm từ 4 lần tại thời điểm 31-12-2016 xuống còn khoảng 3,2 lần tại thời điểm 31-12-2017 và tiến tới sẽ giảm xuống dưới 3 lần vào cuối năm 2018”- ông Minh cho biết thêm.

Cần phải nói thêm rằng, ngoài phương pháp bán và thuê lại, vẫn còn 3 phương án huy động vốn mua máy bay khác mà các doanh nghiệp có thể thực hiện gồm vay tín dụng xuất khẩu, vay thương mại và phát hành trái phiếu.

Đối với phương án vay tín dụng xuất khẩu, đầu tháng 4-2016, vì một số nguyên nhân, Cơ quan bảo lãnh tín dụng xuất khẩu Vương Quốc Anh đã quyết định tạm dừng bảo lãnh cho các giao dịch xuất khẩu máy bay nên Airbus khuyến nghị Vietnam Airlines cần chủ động tìm kiếm giải pháp tài chính khác thay thế.

Trước đó, vào tháng 4-2016, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) đã xin ý kiến cổ đông chấp thuận chủ trương bán 2 máy bay Boeing 777 - 200 ER sở hữu, bán và cho thuê lại 3 máy bay Airbus 350 (A350) mà hãng này sẽ được bàn giao trong giai đoạn 2016 - 2017.

Thực tế, dịch vụ cho thuê máy bay (aircraft leasing company) là mô hình khá phổ biến trên thế giới. Việc thuê lại máy bay giúp các hãng hàng không giảm được gánh nặng lớn về chi phí mua máy bay, đặc biệt là đối với các hãng hàng không tư nhân quy mô nhỏ.

Đặng Nhật

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/hang-khong-quoc-gia-se-toi-uu-hoa-loi-ich-doi-voi-cac-may-bay-sieu-sang-418490/