“Hàng không: Chắp cánh tăng trưởng kinh tế và kết nối Việt Nam với thế giới”

QĐND Online – Đây là chủ đề chính của hội thảo do Hiệp hội vận tải Hàng không quốc tế (IATA) phối hợp cùng Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tổ chức ngày 27-8 tại Hà Nội nhằm thảo luận về những cơ hội, thách thức đối với sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam. Hội thảo có sự tham dự của hơn 140 đại biểu là đại diện của Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhà chức trách hàng không, đại diện của các hãng hàng không và các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Các nội dung thảo luận tại hội thảo tập trung vào : vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng, an toàn hàng không và yêu cầu ưu tiên của các hãng hàng không đối với các sân bay. Ngoài ra, hội thảo có hai tham luận lớn là: C hính sách hàng không, cơ sở hạ tầng, dịch vụ nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam và xu hướng toàn cầu, sự hội nhập của Việt Nam với thế giới.

Phát biểu tại hội thảo, ông Tony Tyler, Tổng Giám đốc IATA nhận định: “Việt Nam là thị trường hàng không năng động và phát triển nhanh chóng. Sự phát triển mạnh mẽ của hàng không sẽ mang lại lợi nhuận rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, lĩnh vực hàng không cần được coi trọng như một ngành kinh tế chiến lược và cần được quan tâm đúng đắn” . Theo ông Tony Tyler, n gành hàng không hiện đóng góp 6 tỷ USD cho GPD Việt Nam và tạo ra hơn 230.000 việc làm cho người dân. Trong giai đoạn 2008-2013, lượng khách đi lại bằng đường hàng không của Việt Nam đã tăng thêm 96%.

Ông Tony Tyler, Tổng Giám đốc IATA phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trường Giang.

Ông Tyler khuyến khích Việt Nam nên ưu tiên thực hiện 6 sáng kiến Du lịch nhanh bao gồm: chương trình làm thủ tục, tự gắn thẻ hành lý, kiểm tra tài liệu, đặt chỗ lại, tự lên máy bay và khôi phục hành lý. “Theo kết quả điều tra hành khách toàn cầu của IATA, hành khách mong muốn có thể được tự làm nhiều thủ tục hơn. Khi Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng sân bay, đó cũng là cơ hội để đáp ứng những kỳ vọng tự phục vụ của khách du lịch” – ông Tyler nói. Ông cũng khuyến nghị Việt Nam nên xem xét, nới lỏng các yêu cầu về thị thực nhập cảnh bởi “du lịch là một ngành quan trọng đối với Việt Nam ”. Theo ông Tyler , mỗi một du khách quyết định lựa chọn đi du lịch tới các nước láng giềng do khó khăn khi xin thị thực ở Việt Nam đồng nghĩa với việc một cơ hội kinh doanh bị mất đi. Như vậy, việc nới lỏng các yêu cầu thị thực sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.

Theo dự báo của IATA về ngành hàng không trong giai đoạn từ 2003 đến 2007, Việt Nam xếp thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới với tỷ lệ vận chuyển hành khách quốc tế đạt 6,9%; vận chuyển hàng hóa quốc tế đạt 6,6%. Cùng sự tự do hóa vận tải hàng không trong ASEAN, nhu cầu đi lại được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng từ năm 2015.

Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines thì cho rằng : Đ ối với các hãng hàng không Việt Nam, điều quan trọng nhất để phát triển bền vững là đảm bảo an toàn bay tuyệt đối và hoàn thiện chất lượng dịch vụ tới khách hàng, đặc biệt là nâng cao các chỉ số khai thác, đảm bảo đúng giờ. Các hãng cần nhanh chóng đưa vào ứng dụng các chương trình quản lý an toàn của IATA và đạt chứng chỉ công nhận phù hợp với các tiêu chuẩn đánh giá về an toàn khai thác (IOSA). “ Vietnam Airlines đã được cấp chứng chỉ IOSA từ năm 2006, liên tục được đánh giá định kỳ để gia hạn như là một phần quan trọng trong chương trình quản lý an toàn của hãng. Để hội nhập quốc tế, Vietnam Airlines đã tích cực gia nhập các tổ chức, liên minh hàng không có uy tín trên thế giới như: thành viên của IATA từ năm 2006 , thành viên của Liên minh Hàng không toàn cầu SkyTeam từ năm 2010 ”, ông Minh chia sẻ.

Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines (thứ hai từ phải sang) tại hội thảo. Ảnh: Trường Giang.

T hông tin tại hội thảo, ông Minh cũng cho biết, t rong những năm qua, bất chấp các biến động do các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị, ảnh hưởng của nhiều thảm họa thiên tai trên thế giới, ngành hàng không Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng, với tốc độ tăng trưởng về sản lượng vận chuyển hành khách gần gấp đôi trong vòng 5 năm từ 2008 đến 2013. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, tổng thị trường vận chuyển hành khách đạt 16,3 triệu khách, tăng 13% và vận chuyển hàng hóa đạt 372 nghìn tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2013. Vận tải hàng không đã mang lại những lợi ích không nhỏ, góp phần thúc đẩy phát triển các mối quan hệ giao lưu kinh tế, chính trị, văn hóa và du lịch giữa các địa phương và giữa Việt Nam với thế giới, tạo hàng trăm nghìn công ăn việc làm mỗi năm và đóng góp nguồn thu ngày một tăng cho ngân sách quốc gia.

Hội thảo được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngành hàng không thương mại thế giới. Ngày 1 - 1 -1914 , ngành hàng không bắt đầu được hình thành với 1 chiếc máy bay, vận chuyển 1 hành khách trên 1 đường bay. Đến nay, ngành hàng không đã vận chuyển được 3 , 3 tỷ hành khách và 52 triệu tấn hàng hóa an toàn, cung cấp việc làm cho 58 triệu người trên thế giới .

PHÚC THẮNG

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/kinh-te-xa-hoi/hang-khong-chap-canh-tang-truong-kinh-te-va-ket-noi-viet-nam-voi-the-gioi/318816.html