Hàng gốc chưa sản xuất, Trung Quốc đã kịp rao bán

Các công ty Trung Quốc ngày càng chứng tỏ được “tài năng” làm hàng giả với tốc độ “ánh sáng”, khi sản phẩm gốc còn chưa được tung ra thị trường mà đã được họ copy và rao bán với giá rẻ hơn hẳn.

Doanh nhân người Israel, Yekutiel Sherman đã phát minh ra một sản phẩm dành cho những người yêu thích chụp ảnh tự sướng có tên Stikbox, một loại ốp điện thoại có khả năng biến thành gậy tự sướng. Sản phẩm này có sẵn dòng dành cho iPhone 6 và iPhone 6s với các màu xanh da trời, trắng, đen, đỏ, xanh lá cây, tím và hồng.

Với mong muốn sớm tung được sản phẩm này ra thị trường, anh Sherman đã tiến hành sản xuất hàng mẫu, tìm nguồn tài trợ, phát triển chiến dịch tiếp thị và tìm kiếm nguồn tài trợ trên các trang web gây quỹ cộng đồng.

Stikbox là ốp điện thoại có khả năng biến thành gậy tự sướng

Tuy nhiên, sau một thời gian dài nỗ lực, chỉ sau một tuần đăng tải thông tin về Stikbox trên trang web kêu gọi góp vốn Kickstarte, anh Sherman bất ngờ thấy sản phẩm do mình phát minh đã được một số nhà bán lẻ từ Trung Quốc bày bán công khai trên trang AliExpress. Doanh nhân Israel cho biết phía Trung Quốc đã copy nguyên mẫu phát minh của mình. Thậm chí, mức giá của hàng Trung Quốc chỉ là 8 USD (gần 180.000 đồng), bằng 1/6 giá sản phẩm gốc là 47,41 USD (hơn 1 triệu đồng).

Không chỉ bị ăn cắp sản phẩm, Sherman còn bị những người ủng hộ góp vốn ban đầu phản ứng dữ dội, cho rằng anh đã gian lận về mức giá của sản phẩm trong dự án đã gây được số tiền quỹ là 43.000 USD từ mục tiêu ban đầu là 40.600 USD. Nhiều lời bình luận với nội dung ác ý đưa ra nhằm vào Sherman, như: “Những gì anh nói chỉ là một lý lẽ vô nghĩa. Chắc chắn đây là một dự án lừa đảo. Chúng ta đều đã bị lừa dối. Tôi cầu mong dự án này sẽ thất bại thảm hại, cả tác giả của nó cũng vậy”. Nhiều người thậm chí nguyền rủa Sherman chết đi.

Hàng nhái Trung Quốc được bày bán trực tuyến

Mặc dù là nạn nhân, nhưng Sherman không hề nhận được sự thông cảm của cộng đồng. Anh còn bị mang tiếng là lừa đảo khi cố tình khai khống chi phí sản xuất dẫn đến giá thành sản phẩm bị đội cao lên nhiều lần so với thực tế.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về hàng giả. Một bài báo vào năm 2015 của Tân Hoa xã còn cho hay, cứ 10 sản phẩm của Trung Quốc được bán trực tuyến thì có đến 4 sản phẩm là hàng giả hoặc có “chất lượng kém”.

Lan Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/kinh-te-quoc-te/hang-goc-chua-san-xuat-trung-quoc-da-kip-rao-ban