Hàng chục tỷ USD kiều hối đang đổ vào đâu?

Nếu 12,25 tỷ USD kiều hối về Việt Nam vào năm 2015 và có xu hướng tăng trong thời gian tới đổ vào sản xuất - đầu tư, khoản thiếu hụt do sự giảm dần của nguồn vốn ODA sẽ được bù đắp.

Kiều hối đang đổ vào đâu?

Khoảng doãng quá lớn trong mục tiêu sử dụng kiều hối của năm 2015 và 1 năm trước đó trong nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã trở thành một cuộc tranh luận nhỏ tại Hội thảo “Mối quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư tại Việt Nam” do Trường đại học Kinh tế quốc dân và Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tổ chức cuối tuần trước.

Khảo sát của CIEM cho thấy, năm 2014, lượng kiều hối đổ vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh giảm đi khá rõ so với giai đoạn 3-5 năm trước đó, chỉ còn khoảng 16%, nhưng năm 2015, tỷ lệ này đột ngột tăng lên tới 70,6%.

.

TS. Nguyễn Thị Ái Liên, Trường đại học Kinh tế quốc dân đã gọi đây là biểu hiện cho mối quan hệ thuận giữa kiều hối và môi trường đầu tư của quốc gia nhận kiều hối.

“Nếu môi trường đầu tư tốt, nhiều cơ hội kinh doanh thì người Việt Nam định cư và lao động ở nước ngoài sẽ gửi kiều hối về để đồng tiền của họ sinh lời. Nếu môi trường đầu tư không thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh thì kiều hối chủ yếu phục vụ mục đích tiêu dùng và hỗ trợ thành viên trong gia đình”, TS. Ái Liên nói.

Ngay trong lĩnh vực bất động sản vốn được cho là điểm đến yêu thích của dòng vốn đặc biệt này, xu hướng dịch chuyển đang được thấy khá rõ. Thậm chí, trong giai đoạn 2011 - 2013, những doanh nghiệp có luồng kiều hối đã trở thành những doanh nghiệp bất động sản quan trọng trên thị trường.

“Tuy nhiên, các số liệu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM đến tháng 7/2016 cho thấy, 3/4 lượng kiều hối đang chảy vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Tỷ trọng đổ vào bất động sản giảm nhẹ. Có thể thị trường bất động sản suy giảm độ hấp dẫn, các chính sách mới về nhà ở với người Việt Nam ở nước ngoài dù hấp dẫn, có nhiều thay đổi tích cực nhưng chưa thực hiện đủ mạnh, chưa đầy đủ thông tin”, ông Trần Kim Chung, Phó viện trưởng CIEM phân tích và gọi đây là “dấu hiệu cần phải để tâm trong xây dựng chính sách thu hút dòng vốn này”.

Lý do là so với các nguồn vốn FDI, ODA, không phải toàn bộ dòng kiều hối đều là vốn đầu tư. Bởi vậy, con số 12,25 tỷ USD dù rất lớn, song lại chưa thể tính ngay vào các nguồn vốn đầu tư.

Vẫn khó nắn vào đầu tư

Ông Lê Thanh Bình, Trưởng đại diện cộng đồng Việt kiều Ba Lan tại Việt Nam, một trong những nhà đầu tư của Dự án Làng Việt kiều châu Âu (Hà Đông, Hà Nội) than phiền, dự án này được thực hiện bằng vốn của nhiều người Việt Nam ở Ba Lan, lúc đầu cũng thuận lợi, nhưng rồi bị chậm.

“Chúng tôi cũng muốn đầu tư về Việt Nam, nhưng thủ tục nhiều, khó khăn. Có dự án chúng tôi thực hiện giải phóng mặt bằng 10 năm chưa xong, người dân đã nhận tiền vẫn chưa giao nhà. Quan điểm của tôi là nếu muốn kêu gọi vốn đầu tư từ Việt kiều thì phải quan tâm, hỗ trợ ngay nguồn vốn này đang đầu tư trong nước”, ông Bình thẳng thắn.

Đặc biệt, ông Bình cho rằng, bất động sản không còn là mối quan tâm lớn nhất. Trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều ở châu Âu diễn ra vào giữa tháng 9/2016, xu hướng chuyển dịch khá rõ nét, đó là đầu tư sản xuất các sản phẩm tại Việt Nam để xuất khẩu sang châu Âu, tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU. “Chúng tôi đang quan tâm nhiều tới các dự án trồng trọt, chăn nuôi”, ông Bình nói.

Tuy nhiên, các cơ chế chính sách dành cho khu vực đầu tư này cũng đang là vấn đề lớn. Dù không có sự phân biệt nào, song sự khó tách bạch dòng vốn này đang làm khó cả các cơ quan quản lý và nhà đầu tư.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, trong giai đoạn 1991 - 2014, người Việt Nam ở nước ngoài đã đầu tư về nước khoảng 3.600 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 8,6 tỷ USD tại 51/63 tỉnh, thành phố. Nhưng GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bình luận, các con số này chưa phản ánh thực tế. Thứ nhất, một số dự án được tính vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) do Việt kiều chung vốn với nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư. Thứ hai, một số dự án lại được tính vào vốn trong nước khi đối tác với Việt kiều là nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước.

Thậm chí, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho biết, nhiều Việt kiều vẫn chưa có thông tin chính xác về môi trường đầu tư Việt Nam, dẫn đến tình trạng đầu tư dưới cái "mũ" của người khác.

“Nhà nước cần tạo ra một bước đột phá về chính sách đối với Việt kiều theo hướng bình đẳng thực sự, không phân biệt đối xử về tất cả mọi phương diện, lĩnh vực hoạt động đối với mọi người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Cần lập ra kênh thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước để cập nhật thông tin cho Việt kiều về tình hình đất nước, chính sách và luật pháp mới, cơ hội kinh doanh để ho có thêm sự lựa chọn khi quyết định gửi tiền về nước theo kiều hối hoặc đầu tư”, GS-TSKH. Nguyễn Mại khuyến nghị.

Khánh An

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/hang-chuc-ty-usd-kieu-hoi-dang-do-vao-dau-d52332.html