Hàng chục người nhập viện vì bị bọ xít hút máu đốt

(VTC News) - PGS, TS Nguyễn Văn Châu (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương) cho biết, từ đầu tháng 7 đến nay, Viện này đã tiếp nhận khoảng 40 trường hợp bị bọ xít đốt. Người dân thường bị đốt vào ban đêm.

- Thưa ông loài bọ xít hút máu xuất hiện tại Việt Nam từ bao giờ? PGS – TS Nguyễn Văn Châu: Cách đây 10 năm chúng tôi đã bắt được bọ xít hút máu tại một gia đình trong khu tập thể Viện Sốt rét - Ký sinh trung - Côn trùng Trung ương tại đường Lương Thế Vinh (Hà Nội). Đến năm 2005, một người dân tại ngõ Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội) đã gọi điện báo cho chúng tôi rằng: Ông bị bọ xít đốt và đã bắt được "hung thủ". Chúng tôi xem xét kỹ vết đốt và lấy con bọ xít hút máu đó đó về phục vụ công tác nghiên cứu. Sau đó một thời gian, chúng tôi không nhận được bất kỳ thông tin nào về loài bọ xít này. Thời gian gần đây, qua tiếp cận thông tin báo chí nhiều người dân đã đem đến cho chúng tôi rất nhiều con bọ xít. Người bị đốt có biểu hiện sưng tấy, phù nề ở vết đốt, thậm chí bị sốt… - Ông quan tâm đến vấn đề gì khi nhận trực tiếp các mẫu bọ xít hút máu từ người dân? PGS – TS Nguyễn Văn Châu: Có thể thấy người dân rất quan tâm đến sức khỏe của mình, vì vậy họ đã kịp thời báo với cơ quan chức năng khi phát hiện loài bọ xít hút máu. Bước đầu chúng tôi nhận định loài bọ xít hút máu (tên khoa học là Triatoma rubrofasciata) xuất hiện trên phạm vi khá rộng, không riêng gì Hà Nội. Thời gian gần đây, loài bọ xít này đã được phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và một số địa phương ven biển miền Trung. Số lượng mẫu bọ xít hút máu từ nguồn người dân cung cấp cũng như do chúng tôi tự thu thập được ngày càng tăng. Nhưng không phải vì loài này có tốc độ sinh sản nhanh mà nguyên nhân chính là qua các phương tiện thông tin đại chúng, người dân quan tâm hơn nên phát hiện ra. Thực tế nó đã tồn tại ở các địa phương đó từ nhiều năm nay. - Số bệnh nhân bị bọ xít đốt đến Viện có đông không, thưa ông? PGS – TS Nguyễn Văn Châu: Từ đầu tháng 7 đến nay chúng tôi tiếp nhận khoảng 40 trường hợp bị bọ xít đốt. Họ bị đốt trong các hoàn cảnh và thời gian khác nhau, nhưng chủ yếu bị đốt vào ban đêm. Khác với muỗi hay những loài côn trùng khác khi đốt gây đau ngay lập tức, bọ xít hút máu thường đốt khi con người đang ngủ say và không gây đau ngay nên không phát hiện được khi đang bị đốt. Chỉ khi người dân ngủ dậy, thấy các vết đốt trên mình mới biết là do côn trùng đốt. Một số người phát hiện ra bọ xít bám đầy ở màn, giường, tủ, tường từ tầng một đến tầng năm. - Khi bị đốt, người dân nên làm cách nào? PGS – TS Nguyễn Văn Châu: Qua theo dõi thì chưa thấy vấn đề gì lớn gây ra cho con người ngoài những triệu chứng như sưng tấy hay sốt nhẹ. Thường những triệu chứng trên đều khỏi sau khoảng 1 tuần và không để lại dấu vết gì trên da và không thấy bất kỳ biến chứng nào. Sau khi bị bọ xít hút máu đốt, mọi người có thể dùng những biện pháp dân gian để trung hòa axít do bọ xít tiết ra như bôi vôi, kem đánh răng hay rửa sạch vết đốt bằng xà phòng. Lưu ý, người bị bọ xít hút máu đốt không nên gãi nhiều làm xây xát da gây bội nhiễm. Nếu các vết do bọ xít đốt sưng to hay bị sốt cao, người dân cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị. Hiện nay, nhiều người dân đang lo lắng trước thông tin bọ hút máu người đã gây chết người ở Trung Quốc? PGS – TS Nguyễn Văn Châu: Qua những thông tin mà chúng tôi có thì loài “bọ” gây chết người ở Trung Quốc thời gian vừa qua là loài ve thuộc họ ve cứng (Ixodidae), bộ ve bét (Acarina), lớp hình nhện (Arachnida), không phải loài côn trùng. Loài ve cứng này chưa hề phát hiện được ở Việt Nam. Xin nói thêm rằng: Trong bộ sưu tập về ve (Ixodidae) Việt Nam, chúng tôi đã có gần 80 loài ve cứng, nhưng không thấy loài nào giống như loài ve truyền bệnh nguy hiểm như ở Trung Quốc. Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục thu thập bọ xít, xét nghiệm máu cho những người bị bọ xít đốt và theo dõi tác hại do bọ xít hút máu khi đốt người để thông tin cho nhân dân. Người dân hoàn toàn yên tâm và không nên lo lắng quá mức về loài bọ xít hút máu mà thực tế chúng ta cần quan tâm đến một số căn bệnh khác đang có nguy cơ lan rộng do một số côn trùng khác gây nên như sốt xuất huyết, sốt rét do muỗi gây ra… - Thưa ông làm gì để ngăn chặn được bọ xít hút máu xâm nhập vào nhà để tấn công gia chủ? PSG – TS Nguyễn Văn Châu: Trước hết người dân cần vệ sinh trong nhà, ngoài vườn; phát hiện những dấu vết của bọ xít hút máu qua phân, trứng, ấu trùng, tìm bọ xít ẩn nấp ở những khu vực ẩm thấp như gầm giường, tủ quần áo, tủ sách, khu bếp, nhà vệ sinh, sau cuốn lịch treo tường và che chắn các cửa sổ, cửa ra vào bằng mành. Đặc biệt, người dân cần thu dọn các đống phế liệu như cây củi, gạch… quanh nhà, phá ổ chuột nếu có… vì bọ xít hút máu thường ở quanh khu vực có động vật sinh sống để hút máu. Trọng Nghĩa Print Email | Xem tiếp...

Nguồn VTC: http://vtc.vn/2-262634/xa-hoi/hang-chuc-nguoi-nhap-vien-vi-bi-bo-xit-hut-mau-dot.htm