Hàng chục hécta bưởi da xanh bị thối rễ, vàng lá

Theo thống kê của Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu (vùng chuyên canh bưởi da xanh lớn nhất tỉnh), có khoảng 50 - 60 hécta bưởi bị nhiễm bệnh thối rễ, vàng lá. Trong đó, 2 - 3 hécta bị nhiễm bệnh nặng, lại gặp mưa lớn liên tiếp dẫn đến bị chết.

Vườn bưởi của gia đình anh Nguyễn Minh Thắng, ấp Phước Bình, xã Sông Xoài, huyện Tân Thành với 2 ha đã trồng được hơn 2 năm và trong số đó có một phần diện tích đã cho thu hoạch trái. Thế nhưng, hiện nay vườn bưởi của anh có đến 40% diện tích đã bị nhiễm bệnh thối rễ, vàng lá.

Anh Thắng cho biết, ban đầu cây có hiện tượng vàng lá, lá nhỏ, xoắn lá, khiến cây không phát triển được. Khi đào đất kiểm tra thì thấy bộ rễ của cây bưởi không thể phát triển được và thối.

Người dân phải chặt bỏ cây bưởi nhiễm bệnh nặng. Ảnh: nld.com.vn

“Mọi năm vụ Tết Nguyên đán vườn bưởi của gia đình tôi thu về từ 5-6 tấn quả, thế nhưng năm nay sản lượng bưởi Tết của gia đình chắc chắn sẽ bị sụt giảm mạnh, những cây bị bệnh nặng còn không cho một trái nào”, anh Thắng buồn rầu cho biết thêm.

Vườn bưởi của gia đình anh Nguyễn Hoàng Ân, ngụ ấp Sông Xoài I, xã Sông Xoài cũng bị bệnh tương tự. Với diện tích gần 2 hécta đã trồng được 3 năm, nếu vườn bưởi của anh phát triển bình thường thì đã bắt đầu cho trái. Thế nhưng, hơn một năm nay vườn bưởi của anh chưa cho trái nào, cây rất còi cọc, rễ thì thối hết, khiến cho lá vàng vọt. Anh đã "đổ" hơn 20 triệu đồng vào để “cứu” vườn bưởi nhưng cũng không khả quan hơn. Cho đến thời điểm này, anh đã bắt đầu cưa gốc và trồng thay thế dần diện tích bưởi bị nhiễm bệnh.

Hầu hết các hộ trồng bưởi đều cho rằng nguyên nhân là do cây giống đã bị nhiễm bệnh, cộng với nấm bệnh và việc không kiểm soát, xử lý kịp thời được bệnh khi mới xuất hiện nên bệnh lây lan nhanh khiến cho các vườn bưởi đều bị nhiễm.

Các hộ trồng bưởi cũng cho biết, cách đây khoảng ba năm rộ lên phong trào người người trồng bưởi, nhà nhà trồng bưởi, người dân đổ xô tìm mua cây giống khiến cho thị trường cây giống bưởi da xanh khan hiếm, không có cơ hội lựa chọn kỹ dẫn đến mua phải cây mang mầm bệnh.

Ông Hồ Hoàng Kha, Phó Giám đốc Hợp tác xã Bưởi da xanh Sông Xoài (xã Sông Xoài, huyện Tân Thành) cũng khẳng định, nguyên nhân dẫn đến bưởi nhiễm bệnh một phần là do nguồn giống không bảo đảm chất lượng, trôi nổi, dẫn đến cây không phát triển, sức đề kháng yếu dễ bị nấm bệnh tấn công rồi nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, nhiều hộ trồng bưởi chưa nắm được kỹ thuật chăm sóc, canh tác cây bưởi da xanh.

Để phòng trị bệnh vàng lá thối rễ, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người trồng bưởi cần chú ý thoát nước tốt trong mùa mưa tránh vườn bị ngập úng cục bộ. Hàng năm bón bổ sung vôi cho vườn cây với liều lượng 1-2 kg/gốc; bón phân đầy đủ, cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh. Đặc biệt, nên kết hợp với chế phẩm sinh học nhằm giúp cây khỏe và tăng khả năng đề kháng.

Người trồng cần thường xuyên tỉa cành, tạo tán cho cây, loại bỏ những cành già yếu, sâu bệnh… để cây thông thoáng và thúc đẩy chồi mới hình thành, phát triển mạnh. Bên cạnh đó, khi bệnh mới xuất hiện cần cắt bỏ phần rễ bị bệnh, trồng lại các giống mới có chất lượng, tránh bị lây lan sang các vườn khác.

Hoàng Nhị (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/hang-chuc-hecta-buoi-da-xanh-bi-thoi-re-vang-la-20161108100822502.htm