Hạn sử dụng của thực phẩm

Hạn sử dụng của thực phẩm cho biết thời hạn mà chất lượng sản phẩm được bảo quản trong điều kiện bảo quản bình thường. Trong thời gian sử dụng, nhà sản xuất có trách nhiệm về mặt chất lượng của sản phẩm và người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng chúng.

Các loại thực phẩm khác nhau có thời hạn sử dụng cũng khác nhau, nguyên nhân là do mỗi loại sản phẩm có một đặc trưng và đồng thời cũng do hình thức đóng gói sản phẩm và công nghệ chế biến sản phẩm quyết định.

Nguyên nhân gây biến chất thực phẩm

Để biết chính xác thời hạn bảo quản, trước hết cần làm rõ nguyên nhân vì sao sản phẩm sẽ bị biến đổi chất lượng. Sự biến đổi chất lượng sản phẩm chủ yếu do sự phát sinh tác dụng của các loại nhân tố chủ yếu từ các loại vi sinh vật và loại thực phẩm thường bị biến chất đó là các loại cá, thịt, trái cây và rau cải. Biểu hiện của sự biến đổi chất là bản thân thực phẩm mất đi màu sắc, mùi vị ban đầu của chúng và kéo theo sự giảm sút về giá trị dinh dưỡng trong thực phẩm. Những nguyên nhân gây biến chất thực phẩm:

Khi chọn mua thực phẩm nên chú ý đến môi trường sử dụng xem chúng có phù hợp với điều kiện sử dụng ghi trên bao bì hay không. Ảnh nguồn internet

Thứ nhất là do sự phát triển của vi sinh vật gây ra sự thối rữa thực phẩm. Thực phẩm trong quá trình chế biến, gia công, vận chuyển, bảo quản và tiêu thụ rất dễ bị nhiễm các loại vi sinh vật. Chỉ cần nhiệt độ thích hợp, vi sinh vật rất dễ sinh sôi nảy nở, chúng sẽ phân giải các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm để đáp ứng cho nhu cầu dinh dưỡng của bản thân. Lúc này protein trong thực phẩm bị phá hủy, thực phẩm sẽ xuất hiện mùi thối và vị chua; làm mất đi tính đàn hồi và kết cấu vốn có của nó, màu sắc của thực phẩm cũng dễ bị thay đổi. Ngoài ra, vi sinh vật trong quá trình phát triển và sinh sôi cũng có khả năng sinh ra độc tố có hại đối với cơ thể con người.

Thứ hai là do tác dụng của các men sinh vật. Trong thực phẩm có rất nhiều các loại men, dưới tác dụng của men thì các chất dinh dưỡng trong thực phẩm sẽ bị phân giải thành các sinh vật cấp thấp, các loại sinh vật này sẽ phá hủy thành phần của thực phẩm. Một ví dụ: khi cơm bị ôi thiu và trái cây bị thối chính là do hydrat cacbon đã bị men sau khi phân giải mà lên men gây ra.

Thứ ba là do thực phẩm có xảy ra quá trình phản ứng hóa học. Thường thấy nhất là tác dụng của oxy có trong không khí gây ra quá trình oxy hóa một vài thành phần của thực phẩm gây biến chất thực phẩm, như chất béo sau khi bị oxy hóa sẽ có mùi rất khó chịu, mỡ từ màu trắng sẽ dần biến thành màu vàng là đều do phản ứng hóa học gây ra…

Thứ tư là do sự xâm nhập của các loại côn trùng và chúng có vai trò gián tiếp hay trực tiếp dẫn truyền các loại vi sinh vật có hại xâm nhập vào thực phẩm, làm cho thực phẩm bị thối rữa.Ví dụ như kiến, gián là những loại côn trùng sẽ là thủ phạm dẫn truyền các vi sinh vật xâm nhập vào thực phẩm làm cho thực phẩm bị biến chất.

Điều kiện bảo quản

Việc bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ thấp, bảo quản trong môi trường chân không, dùng muối ngâm có tác dụng hạn chế sự sinh sôi nảy nở của vi sinh vật. Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ thấp có thể làm giảm khả năng hoạt động của vi sinh vật, làm chậm quá trình trao đổi chất; hoặc bảo quản trong môi trường chân không sẽ làm vi sinh vật không cách nào sống sót được, đồng thời cũng cách ly vi sinh vật bên ngoài không cho tiếp xúc với thực phẩm; dùng muối pha thành dung dịch nước muối có áp lực thẩm thấu cao có thể làm các vi sinh vật bị mất nước và chết đi.

Chúng ta khi chọn mua thực phẩm nên chú ý đến môi trường sử dụng xem chúng có phù hợp với điều kiện sử dụng ghi trên bao bì hay không.Ví dụ như bảo quản lạnh, tránh ánh nắng, thoáng mát và khô ráo... và chúng ta cần phải bảo quản thực phẩm theo yêu cầu ghi trên nhãn sản phẩm, từ đó hạn sử dụng ghi trên bao bì mới có thể thể hiện giá trị thực tế của mình. Nếu như bảo quản không đúng theo quy định ghi trên nhãn thì cho dù sản phẩm vẫn chưa qua thời hạn sử dụng cũng có thể bị biến chất.

Có nhiều khi chúng ta mở bao bì nhưng chưa thể sử dụng hết ngay, lúc này đòi hỏi chúng ta phải chú ý nhiều hơn nữa phương pháp và thời gian bảo quản. Bởi vì thực phẩm đã được mở bao bì có nguy cơ tiếp xúc với các vi sinh vật bên ngoài rất cao, và khả năng biến chất của thực phẩm sẽ tăng lên rất nhiều và từ đó thời hạn sử dụng thực phẩm sẽ bị rút ngắn hơn. Thông thường, trên nhãn của thực phẩm có ghi chú về điều kiện bảo quản và thời hạn bảo quản khi thực phẩm đã mở bao bì và người tiêu dùng nên đọc kỹ và tuân thủ theo đúng sự chỉ dẫn của nhà sản xuất.

Trên thị trường hiện nay còn có rất nhiều loại thực phẩm được bán trong bao bì rời, không được đóng gói theo quy chuẩn, từ đó làm cho khả năng tiếp xúc của thực phẩm với môi trường bên ngoài rất cao, rất dễ bị những sinh vật có hại từ bên ngoài xâm nhập. đồng thời, do bao bì không được đóng gói một cách hoàn chỉnh, do đó thời hạn để bảo quản loại thực phẩm này cũng bị hạn chế theo và nếu các nhà sản xuất không cung cấp đầy đủ những yêu cầu về bảo quản một cách thỏa đáng thì người tiêu dùng tốt nhất nên hết sức thận trọng khi mua các loại sản phẩm này.

Lê Thị Phúc Hậu

Để xác định chất lượng thực phẩm tốt hay không là một vấn đề có liên quan đến phương diện kỹ thuật chuyên môn của sản phẩm mà không phải ai trong chúng ta đều có thể phán định một cách chính xác. Nhưng có một biện pháp có thể giúp cho người tiêu dùng bình thường cũng có thể yên tâm phần nào khi sử dụng đó là xác định được thời hạn sử dụng của thực phẩm. Tuy nhiên, không phải lúc nào thực phẩm đang trong thời hạn sử dụng đều an toàn tuyệt đối 100% bởi vì chất lượng của thực phẩm còn bị biến đổi do điều kiện bảo quản. Hơn nữa, cho dù cùng một loại sản phẩm nhưng khâu gia công, đóng gói và điều kiện bảo quản không giống nhau thì thời hạn sử dụng của chúng cũng khác nhau rất nhiều

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20120406112734530p0c44/han-su-dung-cua-thuc-pham.htm