Hàn Quốc quyết liệt với Trung Quốc vụ đâm chìm tàu

Ngày 13-10, Hàn Quốc một lần nữa triệu tập tổng lãnh sự Trung Quốc tại Seoul để phản đối vụ tàu cá Trung Quốc cố tình va chạm, sau đó đâm chìm một tàu tuần duyên của nước này hồi tuần trước.

Ngoại trưởng Yun Byung-se thông báo tại một phiên kiểm toán của Quốc hội: “Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu tập tổng lãnh sự Trung Quốc tại Seoul để truyền tải thông điệp phản đối của chính phủ. Chúng tôi yêu cầu điều tra, bắt giữ và trừng phạt những người liên quan”.

Đây là lần thứ 3 Hàn Quốc triệu tập một nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc để kháng nghị vụ đâm chìm tàu . Trước đó, ngày 9-10, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu tổng lãnh sự Trung Quốc tới để giải thích vụ việc. Sau đó 2 ngày, Bộ tiếp tục triệu đại sứ Trung Quốc Qiu Guohong tới để phản đối hành động hung hăng của tàu cá Trung Quốc .

“Chúng tôi sẽ cân nhắc các biện pháp khác do cảnh sát biển và Bộ ngoại giao đề xuất một cách toàn diện sau khi xem Trung Quốc phản ứng như thế nào” - Ngoại trưởng Yun nói với hãng tin Yonhap.

Ngoại trưởng Yun Byung-se. Ảnh: YONHAP

Theo lực lượng tuần duyên Hàn Quốc, sự cố xảy ra hôm 7-10. Khi đó, nhân viên thuộc lực lượng này tìm cách ngăn chặn khoảng 40 tàu cá Trung Quốc nghi đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc (EEZ) ở vùng biển Hoàng Hải.

Bất ngờ, 2 tàu cá Trung Quốc lao thẳng vào tàu của họ trong khi một cảnh sát biển đang có mặt trên khoang. Người này vội nhảy xuống nước và được đồng nghiệp kéo lên. Không có thương vong về người.

Tàu tuần duyên bị đánh chìm nặng 4,5 tấn trong khi tàu cá Trung Quốc liên quan có tải trọng khoảng 100 tấn. Sự cố khiến căng thẳng ngoại giao giữa 2 nước thêm trầm trọng. Bắc Kinh một mặt không xin lỗi, mặt khác chỉ trích kế hoạch trấn áp tàu cá Trung Quốc của chính phủ Hàn Quốc .

Sau sự cố nói trên, đảng Saenuri cầm quyền của Hàn Quốc tuyên bố Seoul cần xem xét những hành động nghiêm khắc hơn để xử lý các tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc cản trở hoạt động tư pháp trên lãnh hải nước này. Đảng này nhấn mạnh những phương án được cân nhắc có thể bao gồm sử dụng vũ lực và vũ khí cầm tay.

P.Nghĩa (Theo Yonhap)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/han-quoc-quyet-liet-voi-trung-quoc-vu-dam-chim-tau-20161014081033987.htm