Hàn Quốc: Chìm nổi sách giáo khoa

Chính phủ Hàn Quốc đầu tuần này cho biết xem xét lại kế hoạch buộc các trường chỉ sử dụng sách giáo khoa lịch sử do nhà nước biên soạn – đây là dấu hiệu thay đổi lớn trong chính sách khi mà Tổng thống Park Geun-hye, 'cha đẻ' của dự án SGK lịch sử mới – đối mặt với bê bối tham nhũng và phong trào biểu tình phản đối bà lan rộng trong nước.

Thêm lựa chọn sử dụng SGK

Đầu tuần này, Bộ Giáo dục công bố dự thảo SGK mới và mời gọi xã hội đóng góp ý kiến. Nhưng rõ ràng là có sự dao động với quyết định trước đó yêu cầu toàn bộ các trường THCS và THPT sử dụng duy nhất SGK do chính phủ phát hành kể từ năm tới.

Quyết định trên đã làm dấy lên chỉ trích rằng chính phủ bảo thủ của bà Park đã đưa giáo dục trở lại thời quá khứ độc tài của đất nước. Dưới thời kì độc tài của cha bà, Tổng thống Park Chung-hee, chính phủ đã viết SGK lịch sử và sử dụng chúng để biện minh cho cuộc đảo chính quân sự năm 1961 cùng với 18 năm điều hành đất nước.

Nay, khi những đám đông tới hàng triệu người xuống đường đòi bà Park từ chức vì bê bối tham nhũng và khi mà tỉ lệ tín nhiệm bà rơi xuống mức cực thấp, chính phủ rõ ràng khó mà thực hiện quyết định đó.

Bộ trưởng Giáo dục, Lee Joon-sik, xác nhận rằng Bộ Giáo dục đang xem xét những lựa chọn khác và sẽ sớm thông tin tới truyền thông – những lựa chọn bao gồm cho phép các trường học chọn giữa SGK do chính phủ viết và những SGK do tư nhân biên soạn.

Nhưng ông Lee cũng nói rằng không có kế hoạch loại bỏ hoàn toàn SGK mà chính phủ đang biên soạn – như đòi hỏi của phe đối lập chính trị và những người chỉ trích khác.

“Chúng ta phải giải quyết xung đột và đạt được sự thống nhất quốc gia” – Bộ trưởng Lee nói trên truyền hình quốc gia, đề cập tới tranh luận kéo dài về việc nên dạy lịch sử cho trẻ thế nào.

SGK mới trắc trở từ khi thai nghén

Từ năm 2010, các trường học đã được tự do lựa chọn SGK do tư nhân xuất bản, mặc dù vẫn phải qua phê duyệt của Bộ Giáo dục. Tháng 10 năm ngoái, chính phủ của bà Park công bố rằng sẽ viết lại SGK lịch sử, và gọi SGK do tư nhân biên soạn mang “tư tưởng thành kiến”.

Một số SGK lịch sử do tư nhân biên soạn đi sâu vào những góc khuất của lịch sử đương đại, đó là thời kì đô hộ, chiến tranh và độc tài, cũng như phong trào ủng hộ dân chủ và tăng trưởng kinh tế nhanh.

Những cuốn sách này dạy học sinh về những người Hàn Quốc hợp tác với thực dân Nhật, những vụ thảm sát dân thường trong Chiến tranh liên Triều từ 1950 đến 1953…

Theo Bộ trưởng Giáo dục Lee thì những cuốn SGK mới được chính phủ biên soạn dựa trên thực tế, cân bằng và nhằm để sinh viên “tự hào” về lịch sử quốc gia.

Nhưng phe đối lập và nhiều lãnh đạo ngành GD địa phương chỉ trích dự thảo SGK mới được công bố. Theo họ thì nội dung ca ngợi những thành tựu của bố bà Park trong khi giới thiệu lướt qua chế độc tài của ông.

Dự thảo SGK dành cho cấp THPT không đề cập tới các vụ thảm sát thường dân thời chiến tranh, trong khi dự thảo SGK cấp THCS chỉ đề cập tới trong đúng 1 câu.

SGK mới đã gây tranh cãi từ khi bắt đầu khâu thai nghén. Những nhà sử học nổi tiếng từ chối tham gia viết sách. Những người phản đối Tổng thống Park nói rằng họ lo ngại bà sẽ sử dụng SGK để định hướng thế hệ trẻ có cái nhìn thân thiện hơn với những lãnh tụ theo đường lối bảo thủ.

Bộ Giáo dục Hàn Quốc hôm 28/11 công bố nội dung sách giáo khoa lịch sử do cơ quan này xúc tiến biên soạn từ tháng 1 năm nay. Cơ quan này cũng đã công bố danh sách đội ngũ ban biên soạn gồm 46 người, với 35 giáo sư, 4 chuyên gia lịch sử, 7 giáo viên đang giảng dạy bộ môn Lịch sử ở các trường.

Thanh Anh

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/han-quoc-chim-noi-sach-giao-khoa-2649927-b.html