Hàn - Mỹ diễn tập ám sát ông Kim Jong-un

Ám sát nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên và phá hủy vũ khí hạt nhân là những nội dung của cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Hình ảnh về lần xuất hiện trước công chúng gần nhất của ông Kim Jong-un, công bố ngày 7.10

Các cuộc tập trận Hàn - Mỹ đang diễn ra tại Hoàng Hải và vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, với sự tham gia của nhóm tác chiến tàu sâu bay Mỹ USS Ronald Reagan.

Mục tiêu tối thượng

Theo tờ The Korea Times ngày 12.10, một nội dung được đặc biệt xoáy mạnh trong khuôn khổ cuộc tập trận “Invincible Spirit” (Tinh thần bất bại) là cả hai quân đội đồng thời diễn tập các chiến lược tiêu diệt giới lãnh đạo Triều Tiên một khi xác định Bình Nhưỡng chuẩn bị giáng đòn tấn công hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Hãng thông tấn Yonhap ngày 12.10 đưa tin nội dung diễn tập trong ngày đầu tiên của tuần lễ tập trận chung Hàn - Mỹ là tấn công bằng tên lửa dẫn đường với độ chính xác cao. Lực lượng hai nước đã sử dụng các tên lửa tấn công mục tiêu trên bộ từ tàu mặt nước và tàu ngầm với tầm bắn trung bình 1.000 km.

Trong khi đó, thông báo của hải quân Mỹ vào ngày 11.10 cho hay các cuộc tập trận còn bao gồm diễn tập chống ngầm và đối hạm, cũng như thao diễn phòng không, rà thủy lôi, phối hợp liên lạc, trinh sát trong điều kiện chiến trường...

Đồng thời hải quân hai quốc gia đồng minh đang áp dụng khái niệm “Trả đũa và trừng phạt mạnh mẽ Triều Tiên (KMPR)”, theo Yonhap dẫn lời các đại diện của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc. Khái niệm KMPR bao gồm các đợt dội bom tấn công phủ đầu nhằm vào ông Kim Jong-un, cũng như các nhân vật cộm cán trong Bộ Quốc phòng và một số cơ sở đầu não tại Bình Nhưỡng, trong trường hợp nhận được thông tin tình báo rằng miền Bắc đang chuẩn bị giáng đòn tấn công hạt nhân.

“Invincible Spirit tập trung nhiều hơn vào việc phá hủy các căn cứ hạt nhân và tên lửa chủ chốt của CHDCND Triều Tiên. Đây là nội dung đã được điều chỉnh sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử thiết bị hạt nhân lần thứ 5 vào tháng trước”, theo một quan chức không nêu tên.

Một cuộc tập trận chung của quân đội Mỹ - Hàn

Cùng ngày, tờ The Korea Times dẫn thông tin từ quân đội Hàn Quốc nhấn mạnh quyết tâm tăng cường năng lực của các lực lượng đặc nhiệm nước này để đảm bảo các sứ mệnh tấn công những cơ quan chủ chốt của CHDCND Triều Tiên và trừ khử lãnh đạo cấp cao trong trường hợp nổ ra xung đột hạt nhân. Trong một cuộc điều trần, lục quân Hàn Quốc cho hay đang tìm cách triển khai các chiến dịch đặc biệt chống lại sự khiêu khích từ miền bắc, với kế hoạch mua sắm các vũ khí hiện đại như trực thăng tấn công MH-47, vũ khí hạng nhẹ nhưng tối tân.

Nghị sĩ Hàn Quốc kêu gọi phát triển vũ khí hạt nhân

Ngày càng có nhiều nghị sĩ của đảng Saenuri cầm quyền tại Hàn Quốc gây sức ép buộc chính quyền Seoul phát triển vũ khí hạt nhân riêng của nước này để xử lý nguy cơ đến từ Bình Nhưỡng. “Chúng ta không thể ngồi yên khi Bình Nhưỡng đang có những hành động khiêu khích về hạt nhân và tên lửa. Chúng ta cần tìm ra những biện pháp mới để giải quyết vấn đề này”, theo Yonhap dẫn lời nghị sĩ Won Yoo-chul. Chuyên gia Cheong Seong-chang của Viện Sejong cũng ủng hộ quan điểm của các nghị sĩ Saenuri, cho rằng chương trình vũ khí hạt nhân của miền nam sẽ giảm chi phí quốc phòng cho cả Seoul lẫn Washington, đồng thời góp phần bảo vệ an ninh của quốc gia đồng minh trước các dòng tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, phe đối lập lên tiếng phản đối mạnh mẽ quan điểm trên, cho rằng Hàn Quốc cần tôn trọng Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như mối quan hệ đồng minh với Mỹ.

“Lục quân muốn sở hữu các đội đặc nhiệm đủ sức xâm nhập lãnh thổ địch, hoàn tất sứ mệnh được giao và quay về căn cứ an toàn”, theo Tham mưu trưởng lục quân Jang Jun-kyu trình bày trong cuộc điều trần được tổ chức tại tổng hành dinh quân đội Kyeryongdae gần Daejeon, cách Seoul khoảng 164 km về hướng nam.

Trực thăng MH-47, một phiên bản của trực thăng Chinook đã được quân đội Hàn - Mỹ đưa vào sử dụng và được thiết kế thích hợp cho các chiến dịch đặc biệt. Dòng trực thăng này được trang bị thiết bị tiếp nhiên liệu trên không và hệ thống radar có thể phát hiện địa hình, chở được tối đa 40 lính đặc nhiệm và có khả năng thọc sâu đến 600 km trong lòng địch, theo lục quân Hàn Quốc.

Về thời gian triển khai, nghị sĩ Baek Seung-joo của đảng Saenuri cầm quyền yêu cầu phải nhanh chóng triển khai các vũ khí và khí tài trên để kịp thời đối phó nguy cơ hạt nhân và tên lửa từ miền bắc. Hiện quân đội miền nam cam đoan sẽ có thể tiến hành các sứ mệnh đặc biệt vào năm 2018. Và tất nhiên, nhiệm vụ của các đội đặc nhiệm cũng bao gồm mục tiêu trừ khử nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Ông Kim Jong-un “cố thủ” ở Bình Nhưỡng

Trong khi Hàn Quốc liên tục đưa tin về các chiến dịch loại bỏ giới lãnh đạo chóp bu của miền bắc, trang tin NKNews dẫn nguồn thạo tin tiết lộ rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un không muốn đặt chân đến nhiều nơi trên lãnh thổ CHDCND Triều Tiên vì sợ bị ám sát. Nguồn tin cho hay nhà lãnh đạo cố ý hạn chế các chuyến thăm căn cứ quân sự, kể cả trong trường hợp thử tên lửa và thiết bị hạt nhân, cũng như các nông trường và nhà máy ở phạm vi gần thủ đô. Và mọi chuyến đi đều được lên kế hoạch đảm bảo an ninh cẩn mật. Ông Kim Jong-un không bao giờ đi đâu mà thiếu đoàn binh sĩ hộ tống và di chuyển trên một đoàn xe quân sự. “Ông ấy cảm thấy không an toàn”, theo nghị sĩ Ha Tae-keung, thành viên quốc hội Hàn Quốc.

Đó cũng được cho là lý do khiến nhà lãnh đạo tối cao của Bình Nhưỡng không về thăm quê hương của bà nội tại Hoeryong sau khi nơi này bị lũ lụt nghiêm trọng. Đây là thành phố nằm bên bờ sông Đồ Môn, biên giới tự nhiên giữa CHDCND Triều Tiên với Trung Quốc, lâu nay vẫn là “hiểm địa” đối với Kim Jong-un và các chính khách khác của nước này. Nhà lãnh đạo cũng chưa từng thăm Chongjin, thành phố lớn thứ ba của Triều Tiên, cùng thuộc tỉnh Bắc Hamgyong như Hoeryong.

Hiện dư luận cũng đang chú ý đến sự vắng mặt của ông Kim Jong-un trong một số sự kiện quan trọng tại Bình Nhưỡng. Cụ thể là nhà lãnh đạo không xuất hiện trong đoàn quan chức đến viếng Cung kỷ niệm Kumsusan, hay còn gọi là Lăng Kim Nhật Thành, theo trang tin Newsis ngày 11.10.

Đưa tin về vụ việc, tờ Rodong Sinmun cho hay các nhà lãnh đạo cấp cao khác, bao gồm Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội nghị nhân dân tối cao Kim Yong-nam, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Triều Tiên Hwang Pyong-so, Thủ tướng Pak Pong-ju và Phó chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Choe Ryong-hae, đều có mặt.

Tuy nhiên, tên của ông Kim Jong-un không xuất hiện trong danh sách, làm dấy lên nghi ngờ về nguyên nhân đằng sau sự vắng mặt bất thường trên. Nhà lãnh đạo cũng không tham gia các sự kiện hội hè khác, bao gồm buổi nhạc hội kỷ niệm 71 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên.

Tình hình chính trị ở Triều Tiên được cho là đang trở nên bất ổn trong những tuần gần đây, và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đang kêu gọi công dân miền bắc đào tẩu và vượt biên giới để định cư tại miền nam. Trong diễn biến mới nhất, Hãng Yonhap hôm qua dẫn các nguồn tin cho hay một quan chức cấp cao của Bộ An ninh quốc gia CHDCND Triều Tiên đã đào tẩu sang Hàn Quốc vào năm ngoái.

Thụy Miên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/han-my-dien-tap-am-sat-ong-kim-jongun-754480.html