Hạn hán và ngập mặn đe dọa miền trung Tây Nguyên và khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Trong 2 tháng đầu năm 2016, mực nước trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên xuống dần và ở mức thấp. Lượng dòng chảy trên các sông chính liên tục thiếu hụt từ 20-70%, có nơi trên 90%. Từ đầu tháng 2.2016, do tác động của thủy triều và ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc mạnh trên biển Đông, độ mặn tại khu vực ĐBSCL đã tăng rất cao và xâm nhập sâu.

Hạn hán và ngập mặn trải dài trên diện rộng

Độ mặn Trên một số sông mực nước xuống thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ như sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 2,04m (19h ngày 13.2), sông Trà Khúc tại Trà Khúc: 0,2m (7h ngày 17.2); đặc biệt mực nước trên sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng: 3,13m (07h ngày 20.2) và sông ĐăkBla tại KonTum: 514,88m (7h ngày 15.2) đã xuống mức thấp nhất lịch sử.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, mùa khô năm 2016, độ mặn đã xâm nhập sớm, sâu hơn so với cùng thời kỳ năm 2015 và trung bình nhiều năm (TBNN). Theo số liệu thực đo trong tháng 1.2016 cho thấy, ranh mặn 4g/l tại khu vực cửa các sông Nam Bộ đã vào sâu trên 50km, có nơi trên 75km (trạm Tân An trên sông Vàm Cỏ Tây).

Có những nơi nằm sâu trong đất liền trước đây gần như không bị ảnh hưởng bởi mặn như ở Vĩnh Long, thì trong khoảng đầu tháng 2 cũng đã có những số liệu báo cáo về mặn, đặc biệt có những nơi trong tỉnh độ mặn lên tới 9g/l. Độ mặn lớn nhất trên một số sông đang ở mức báo động. Cụ thể, khu vực sông Vàm Cỏ: Độ mặn lớn nhất đạt 8,1-20,3g/l, cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 5,9-6,2g/l; phạm vi xâm nhập vào đất liền của độ mặn 4g/l (mức bắt đầu ảnh hưởng đến cây lúa) lớn nhất 90-93km, sâu hơn TBNN 10 -15km. Khu vực các cửa sông thuộc sông Tiền: Độ mặn lớn nhất đạt 14,6-31,2g/l, cao hơn TBNN từ 3,2-12,4g/l; phạm vi xâm nhập vào đất liền của độ mặn 4g/l lớn nhất 45- 65km, sâu hơn TBNN 20-25km. Khu vực các cửa sông thuộc sông Hậu: Độ mặn lớn nhất đạt 16,5-20,5g/l, cao hơn TBNN từ 5,9-9,3g/l; phạm vi xâm nhập vào đất liền của độ mặn 4g/l lớn nhất 55-60 km, sâu hơn TBNN 15-20km. Khu vực ven biển Tây (trên sông Cái Lớn): Độ mặn lớn nhất đạt 11,0- 23,8g/l, cao hơn TBNN từ 5,1- 8,4g/l; phạm vi xâm nhập vào đất liền của độ mặn 4g/l lớn nhất 60-65km, sâu hơn TBNN 5-10km. Hiện tại, độ mặn lớn nhất đo được tuần qua tại hầu hết các trạm ở mức cao hơn tuần trước, TBNN và năm 2015 cùng thời kỳ.

Theo tính toán thủy triều từ nay đến cuối tháng 5.2016, vùng ĐBSCL còn chịu tác động 2 đợt triều cường mạnh, trong đó đáng kể nhất là đợt triều cường từ ngày 11-13.3.2016 kết hợp với đợt gió mùa đông bắc, đỉnh triều vùng cửa sông có khả năng xấp xỉ và cao hơn đợt triều cường ngày 7-10.2.2016 vừa qua.

Như vậy, dòng chảy từ thượng lưu về vùng đồng bằng sông Cửu Long mùa khô 2016 dự kiến ở mức thấp, khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ tiếp tục sâu hơn và cao hơn cùng kỳ của mùa khô năm 2015. Đặc biệt từ ngày 11-13.3.2016, do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với đợt gió mùa đông bắc độ mặn tăng cao và vào sâu trong nội đồng, đây là đợt xâm nhập mặn cao (tương đương với đợt mặn đầu tháng 2.2016), ranh mặn 4g/l trên sông Vàm Cỏ xâm nhập sâu từ 100 - 120km tính từ cửa sông; trên sông Tiền, sông Hậu xâmnhập sâu nhất khoảng 60- 65km.

Đến giữa tháng 4.2016 độ mặn giảm dần và đến trung tuần tháng 4.2016 thiên tai xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL cơ bản sẽ giảm. Trong khi đó lượng mưa vẫn ở tình trạng thiếu hụt và đồng thời với sự xuất hiện nắng nóng nên đến tháng 5.2016, thiên tai hạn hán mới suy giảm ở Nam Bộ.

Độ xâm nhập mặn tại ĐBSCL. Nguồn: TTDBKTTV Trung ương

Hạn hán thiêu nẻ miền Trung và Tây Nguyên

Cũng theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, từ nay đến cuối tháng 6.2016, dòng chảy trên các sông Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm dần. Dòng chảy trên các sông ở Bắc Trung Bộ có khả năng thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 50- 70%; ở Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ thấp hơn từ 60-80%, một số nơi thiếu hụt nhiều hơn 80%; ở Tây Nguyên trong tháng 3-4.2016 thấp hơn khoảng 60-80% và khoảng 30-50% trong tháng 5-6.2016.

Mùa khô 2016 ở các tỉnh ven biển Trung Bộ sẽ kéo dài tới tháng 8-9.2015. Trên nhiều sông sẽ tiếp tục xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ và thấp nhất lịch sử. Do thiếu hụt dòng chảy trên các sông và hồ chứa ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên nên trong các tháng tiếp theo của mùa khô năm 2016 tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng sẽ xảy ra trên diện rộng và khốc liệt hơn so với năm 2015.

Theo Bộ NNPTNT, khu vực nam Trung Bộ là khu vực tiếp tục bị ảnh hưởng nặng của hạn hán. Ngay từ đầu mùa khô năm 2016, hạn hán đã xảy ra ngay từ vụ Đông Xuân ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa (Bình Thuận đang là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất trong khu vực) và sẽ xảy ra gay gắt, trên diện rộng ở vụ hè thu.

Hạn hán sẽ xảy ra ở những vùng có hồ chứa nhỏ phụ trách và vùng không có công trình thủy lợi. Hiện nay, diện tích được tưới trực tiếp từ công trình thủy lợi chỉ được 30% diện tích canh tác (cây trồng cạn được 21-25%, tùy theo địa phương và điều kiện nguồn nước của từng năm). Ở vụ đông xuân năm 2015-2016, tổng diện tích phải dừng sản xuất là 2.865ha (Gia Lai 2.650ha, Đắk Nông 215ha). Dự kiến, trong thời gian tới, diện tích bị hạn hán, thiếu nước gần 150.000ha (Đắk Lắk 70.000ha, Lâm Đồng 45.000ha, Đắk Nông 22.000ha, Kon Tum5.000 ha,...v.v.); trong đó, riêng cây càphê đã có tới 100.000ha bị hạn.

Về nước sinh hoạt, đã có gần 8.000 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt, gồm: Đắc Lắc 5.300 hộ, Gia Lai 1.600 hộ, Lâm Đồng 1.000 hộ; thời gian tới, có khoảng 34.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt, nặng nhất là Đắc Lắc 25.000 hộ, Đắc Nông 5.000 hộ, Lâm Đồng 4.000 hộ.

Về nguy cơ cháy rừng, hiện tại đang ở cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm và cấp cực kỳ nguy hiểm) và sẽ duy trì trong thời gian dài. Tập trung tại một số vùng trọng điểm, như: Huyện Buôn Đôn (VQG YokDon), M’Đrăk, Lăk, Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk); Huyện Tu Mơ Rông, Sa Thầy, Kon Rẫy, Đăk Hà, Kon Plông (tỉnh Kon Tum); Huyện Chư Prông, Chư Păh, Chư Pưh, Chư Sê, Ia Grai, Krông Pa (tỉnh Gia Lai); Huyện Di Linh, Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Lạc Dương, Bảo Lâm, Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng); Huyện Đăk Mil, Cư Jut, Đăk Glong, Krông Nô, Tuy Đức, Đăk Song (tỉnh Đăk Nông).

Trước tình trạng xâm nhập mặn và nguy cơ hạn hán khốc liệt trải dài trên miền Trung, Tây Nguyên và ĐBSCL, chiều ngày 15.3.2016, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị đối phó tình hình hạn, xâm nhập mặn khu vực ĐBSCL, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, do Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát và bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú Liên Hiệp quốc tại Việt Nam phối hợp chủ trì. Tại hội nghị này, hàng loạt giải pháp lâu dài và các đề nghị sẽ được các bên đưa ra. Trong đó, giải pháp lâu dài là rà soát quy hoạch thủy lợi, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp; đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng công trình, phi công trình phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; nâng cao nặng lực dự báo nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn... Bộ NNPTNT đề nghị UNDP điều phối thực hiện hỗ trợ từ các đối tác, nhà tài trợ quốc tế các nội dung như: Vốn ODS cho các công trình, hạng mục công trình cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn; hỗ trợ kỹ thuật về quản lý hạn hán; trang thiết bị cung cấp nước sinh hoạt... L.V

Tin bài liên quan

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-doanh/han-han-va-ngap-man-de-doa-mien-trung-tay-nguyen-va-khu-vuc-dong-bang-song-cuu-long-528813.bld