Hạn chế việc loạn khen

Thời điểm này, các trường tiểu học cơ bản đã hoàn tất việc kiểm tra học kỳ I và giáo viên đang tổng kết đánh giá và nhận xét học sinh tiểu học theo Thông tư 22.

Trao đổi với PV, nhiều giáo viên tiểu học của quận Ba Đình, Đống Đa cho biết, việc thực hiện nhận xét, đánh giá kết quả học tập học kỳ 1 năm học 2016 - 2017 theo Thông tư 22 mới đỡ áp lực sổ sách hơn hẳn so với việc phải thực hiện theo Thông tư 30 trước đó. Cô Nguyễn Minh Châu (giáo viên lớp 1 của một trường TH thuộc quận Đống Đa) cho biết, quy định về hồ sơ đánh giá theo Thông tư 22 có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, thay vì có 5 loại như trước đây thì nay chỉ gồm có học bạ và bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp.

Đồng thời, theo ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDĐT việc ghi chép của giáo viên cũng đã được điều chỉnh theo hướng: thay vì “hàng tháng, giáo viên ghi vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục” như trước đây, nay ngoài việc dùng lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa, khi cần thiết giáo viên viết nhận xét hay những lưu ý đối với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội trong học tập và rèn luyện. Cách này giúp giáo viên có điều kiện được quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ học sinh trong quá trình học…

Đặc biệt, theo nhiều giáo viên tiểu học, việc nhận xét theo hướng dẫn của Thông tư 22 đã hạn chế được việc loạn khen cũng như việc đánh giá học sinh không bị cào bằng. Cụ thể, nếu như Thông tư 30 trước đây chỉ có hướng dẫn 2 mức khen thưởng là: Đạt và chưa đạt thì Thông tư 22 khắc phục với 3 mức: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. “Với kết quả đánh giá như thế, sẽ khuyến khích được sự nỗ lực phấn đấu của học sinh, chính các bậc phụ huynh cũng nắm rõ được năng lực học tập thực sự của con mình để giúp các em ngày một tiến bộ”- cô giáo Minh Châu cho hay…

Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội khẳng định, giáo viên chỉ thực hiện đánh giá học sinh vào một bản tổng hợp kết quả duy nhất cho tất cả các môn nên thực tế đã giảm khá nhiều gánh nặng sổ sách cho giáo viên trong học kỳ này. Ngoài ra, việc áp dụng, triển khai sổ liên lạc điện tử của Hà Nội cũng giảm thiểu cho giáo viên tiểu học trên địa bàn Hà Nội rất nhiều trong việc ghi chép vì đều có bản lưu điện tử.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mới tích cực trên, vẫn còn điểm quy định trong Thông tư 22 khiến một số giáo viên còn băn khoăn, như quy định: “Đối với lớp 4, lớp 5, có thêm bài kiểm tra định kì môn Tiếng Việt, môn Toán vào giữa học kì I và giữa học kì II”. Như vậy, trong suốt thời gian học, các em chỉ quen với những lời nhận xét, nhưng giữa hai kì lại tổ chức kiểm tra lấy điểm mà điểm số cũng chẳng liên quan gì đến việc đánh giá xếp loại học lực của các em, vậy có ích gì cho những học sinh lớp này?...

H. Thành

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/han-che-viec-loan-khen-47191.html