Hạn chế tình trạng bán quyền khai thác mỏ để trục lợi

(baodautu.vn) Tình trạng khai thác tài nguyên tràn lan, mua bán mỏ diễn ra khắp nơi gây ra thất thoát, lãng phí tài nguyên quốc gia, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân cũng như tình hình kinh tế - xã hội tại những nơi có mỏ tài nguyên khiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức băn khoăn trước việc có cho phép doanh nghiệp chuyển nhượng quyền khai thác mỏ hay không.

Theo Dự thảo Luật khoáng sản (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 7 tới đây thì tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản đã hoàn thành công tác xây dựng cơ bản mỏ theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ và đã đưa mỏ vào khai thác thì được chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản. Việc chuyển nhượng quyền khai thác phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép chấp thuận. “Khi tham gia quyền đấu giá khai thác, doanh nghiệp nào cũng chứng minh mình có đủ năng lực tài chính, thiết bị, máy móc, kinh nghiệm, nhân lực… để bằng mọi cách trúng đấu giá, nhưng sau 1 thời gian lại chứng minh ngược lại để được “bán mỏ” kiếm lời. Để chấn chỉnh tình trạng bán quyền khai thác tài nguyên quốc gia như bán hàng hóa thông thường cần cấm hoặc ít nhất là xiết chặt việc cho phép chuyển nhượng quyền khai thác mỏ”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Thuận phát biểu. Theo ông Thuận, Luật khoáng sản nên quy định chỉ cho phép chuyển nhượng quyền khai thác mỏ trong trường hợp doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở hạ tầng, đang tổ chức khai thác nhưng gặp vấn đề về tài chính, đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản hoặc gặp nguyên nhân khách quan bất khả kháng, không thể tiếp tục khai thác mới được quyền chuyển nhượng quyền khai thác. Cùng quan điểm này, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, Luật khoáng sản phải quy định cụ thể, chi tiết những điều kiện nào mới được phép chuyển nhượng quyền khai thác mỏ. “Căn cứ theo những điều kiện được luật hóa, doanh nghiệp nào đạt “tiêu chuẩn” thì đương nhiên được quyền chuyển nhượng và phải quy định cụ thể thời gian cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận cho doanh nghiệp chuyển nhượng”, ông Vượng nêu quan điểm. Ông Vượng cho rằng, chỉ có quy định cụ thể, chi tiết điều kiện và thời gian chuyển nhượng trong Luật khoáng sản mới tránh được tình trạng tiêu cực, xin - cho của cơ quan quản lý nhà nước và hạn chế được tình trạng “bán mỏ như bán mớ rau, con cá”. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho biết, việc chuyển nhượng mỏ quá dễ dàng như hiện nay đã tạo điều kiện hình thành nên một đội ngũ doanh nghiệp có đủ tiềm lực tài chính, năng lực, kinh nghiệm… “chuyên” đi đấu giá quyền thăm dò (và sau đó đương nhiên được quyền khai thác) nhưng sau đó không khai thác mà bán lại mỏ để kiếm lời đã gây không ít bức xúc trong xã hội, đặc biệt tại những địa phương có tài nguyên quốc gia. “Muốn giảm được tình trạng mua bán mỏ đang diến ra tràn lan thì Nhà nước phải thể hiện vai trò của mình trong việc chuyển nhượng. Cụ thể, nếu doanh nghiệp không thể tiếp tục khai thác thì cho phép chuyển nhượng, nhưng không phải anh bán cho ai cũng được mà anh chỉ được bán cho những doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện và cam kết thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ với địa phương, người dân nơi có mỏ do cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn”, ông Thi gợi ý. Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba lại cho rằng, nếu Luật khoáng sản quy định quá ngặt nghèo về điều kiện chuyển nhượng quyền khai thác mỏ thì: “Chỉ có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước (do không quản lý được thì cấm hoặc đưa ra các điều kiện rất ngặt nghèo) nhưng gây thiệt hại cho doanh nghiệp”. “Doanh nghiệp sau khi trúng đấu giá quyền khai thác, tính toán lại thấy khai thác không có lợi, nếu tiếp tục khai thác có thể dẫn tới phá sản mà không cho phép họ chuyển nhượng thì sẽ nảy sinh nhiều bất lợi như Nhà nước không thu được thuế, không tạo thêm được việc làm cho người lao động trong khi nhiều doanh nghiệp khác muốn khai thác lại không được quyền khai thác”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lo ngại. Là người đã từng có kinh nghiệm hơn 20 năm với “nghiệp” khai thác mỏ và đã từng “lăn lộn” tại rất nhiều mỏ tài nguyên quốc gia trên hầu hết các địa phương trên cả nước, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam (nguyên Tổng giám đốc Viglacera) thừa nhận, tình trạng mua bán mỏ đã và đang diễn ra tràn lan và cần phải có “thiết chế” để hạn chế tình trạng này. Nhưng nếu Luật khoáng sản cho phép doanh nghiệp được quyền chuyển nhượng khi đã hoàn thành công tác xây dựng cơ bản và đã đưa mỏ vào khai thác thì sẽ bị “lách luật” ngay lập tức. “Doanh nghiệp chỉ cần đưa vài máy xúc, máy ủi, san ủi mặt bằng, múc vài khối đất tại nơi khai thác là đã đáp ứng được điều kiện “đã đưa mỏ vào khai thác” là họ đủ điều kiện chuyển nhượng”, ông Nam phát biểu. Tuy nhiên, theo ông Nam: “Chúng ta đang xây dựng cơ chế thị trường, đang cố gắng để thế giới công nhận Việt Nam có cơ chế thị trường và trên thực tế chúng ta đã cho phép chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng doanh nghiệp… mà cấm hoặc đặt ra các điều kiện quá ngặt nghèo trong trường hợp chuyển nhượng quyền khai thác mỏ là không phù hợp”. “Nên cho doanh nghiệp chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản đồng thời với việc cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động này. Ngoài ra, doanh nghiệp nhận chuyển nhượng phải đáp ứng tất cả các điều kiện để được khai thác mỏ như phải có dự án đầu tư trong đó làm rõ phương án sử dụng nhân lực chuyên ngành, thiết bị, công nghệ, phương pháp khai thác tiên tiến phù hợp; có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường; có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án…

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietdoanhnghiep/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/doanhnghiep/moitruongkinhdoanh/75bb27877f000001003674f9f07d911d