Hạn chế tác động thuốc chữa đái tháo đường với bệnh thận

Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao bị biến chứng dẫn đến giảm chức năng thận (suy thận) là một thực tế thường được nhắc đến.

Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao bị biến chứng dẫn đến giảm chức năng thận (suy thận) là một thực tế thường được nhắc đến. Vì vậy, một vấn đề rất quan trọng là việc điều chỉnh thuốc hạ đường huyết và liều lượng một khi bệnh nhân có hiện tượng suy giảm chức năng thận. Hiểu biết và tiên lượng được vấn đề này sẽ giúp hạn chế nguy cơ biến chứng của thuốc cho bệnh nhân đang điều trị bệnh đái tháo đường.

Dùng các thuốc trị đái tháo đường cần chú ý tới chức năng của thận.

Mặc dù được phát hiện và điều trị tích cực để hạ đường huyết, hiện nay, người bệnh đái tháo đường vẫn bị suy thận tăng gấp 2,6 lần và khả năng tử vong do suy thận cũng tăng lên 3,6 lần ở những bệnh nhân này. Ở đại bộ phận bệnh nhân đái tháo đường, đến một thời điểm nào đó sẽ bị giảm chức năng thận. Khi chỉ số lọc máu của cầu thận giảm xuống dưới 60ml/phút thì việc sử dụng các thuốc hạ đường huyết cần phải được xem xét và điều chỉnh lại. Một số thuốc điều trị bệnh đái tháo đường cần dừng sử dụng (chống chỉ định), một số khác phải được giảm liều. Mặc dù đã có những cảnh báo, nhưng việc điều chỉnh thuốc điều trị bệnh đái tháo đường ở người bệnh bị suy giảm chức năng của thận rất ít khi được thực hiện. Hạ đường huyết là một trong bốn biến chứng phổ biến gây nguy hiểm đến tính mạng và làm tổn thương đến các cơ quan như: não, tim mạch của người bệnh và những biến chứng này có khả năng xảy ra thường xuyên hơn ở người bệnh bị suy giảm chức năng thận.

Hiện nay, bệnh đái tháo đường được phát hiện và điều trị rất tích cực ở các nước phát triển với kinh phí rất lớn nhưng các bệnh thận do tiểu đường gây nên ngày càng tăng và trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Nghiên cứu gần đây của các bác sỹ Thụy Sỹ cho thấy, đã có sự tăng vọt các trường hợp bệnh nhân bị tiểu đường phải lọc thận trong 8 năm gần đây (Nguồn: Colaus và cộng sự).

Cũng tương tự như ở Mỹ kể từ những năm 1990 đến nay, mặc dù chiến lược điều trị hạ đường huyết và hạ huyết áp được tăng cường ở bệnh nhân bị đái tháo đường, nhưng theo các nhà dịch tễ học thuộc Viện HNANES thì tỷ lệ bệnh nhân bị suy thận do đái tháo đường không hề giảm, thậm chí còn có chiều hướng tăng lên (Nguồn: De Boer và cộng sự).

Các thuốc điều trị bệnh đái tháo đường hiệu quả phải là thuốc thay đổi được nền tảng bệnh lý chuyển hóa đường và mỡ ở bệnh này chứ không phải chỉ đơn thuần là thuốc có tác dụng hạ đường huyết. Hiện nay, nhóm thuốc phổ biến nhất để điều trị bệnh đái tháo đường typ 2 là sulfonylurea và glinides. Một điều rất đáng tiếc là các thuốc này đều có thể gây biến chứng không mong muốn ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận dẫn đến khả năng làm cho bệnh nhân phải đi cấp cứu nếu ở mức độ nặng và làm suy giảm chức năng của toàn bộ các cơ quan quan trọng của cơ thể như: não, thận, gan, tim mạch nếu ở mức độ thấp hơn và kéo dài. Khi dùng kết hợp với insulin thì nguy cơ gây hạ đường huyết của nhóm thuốc kể trên tăng lên gấp 14 lần.

Với kết quả đáng ngạc nhiên này, các chuyên gia y khoa trên thế giới đã nêu ra vấn đề cấp bách trong điều trị bệnh đái tháo đường hiện nay là phải tìm các hướng mới và phương pháp điều trị hiệu quả hơn để ngăn chặn cũng như phục hồi sự suy giảm chức năng thận cho bệnh nhân đái tháo đường. Điều này rất quan trọng nếu chúng ta muốn giảm được tỷ lệ tử vong cũng như để nâng cao chất lượng cho bệnh nhân.

TS.BS. Hoàng Xuân Ba

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/han-che-tac-dong-thuoc-chua-dai-thao-duong-voi-benh-than-n58351.html