Hạn chế rủi ro chứng khoán phái sinh

Đến thời điểm hiện nay, mọi công tác chuẩn bị cho sự ra đời của TTCK phái sinh đã gần như hoàn tất để có thể đưa vào vận hành từ quý I-2017. Tuy nhiên, làm sao hạn chế rủi ro trên TTCK phái sinh vẫn là vấn đề các cơ quan quản lý đang hết sức quan tâm.

Cần cơ chế quản lý rủi ro

Bà Nguyễn Hoàng Lan, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc HNX, cho biết những rủi ro đối với CK phái sinh có thể kể đến gồm: nguy cơ thao túng giá giao dịch và nguy cơ thao túng giá thanh toán (giá thanh toán hàng ngày và giá thanh toán cuối cùng). Bên cạnh yếu tố khách quan, CK phái sinh còn phải đối mặt với rủi ro chủ quan là rủi ro vận hành. Hiện tượng tác động đến quá trình vận hành thị trường sẽ dẫn tới việc tạm ngưng giao dịch trong thời gian ngắn hoặc đóng cửa thị trường, gây thiệt hại cho các thành viên tham gia thị trường. Thậm chí, theo ông Đặng Tài An Trang, Phó chánh Văn phòng UBCKNN, rủi ro trên TTCK phái sinh còn khó nhận diện hơn so với thị trường cơ sở.

So với CP và trái phiếu, các công cụ phái sinh có đòn bẩy cao hơn nhiều nên việc quản lý cần tập trung vào quản lý rủi ro trên thị trường và thanh khoản.

Thế nhưng, theo ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng giám đốc CTCK TPHCM (HSC), quy định hiện hành chỉ tập trung vào các công cụ phái sinh niêm yết cơ bản là hợp đồng phái sinh và quyền chọn. Trong khi thực tế, phạm vi quản lý của CTCK rộng hơn, bao gồm các hợp đồng kỳ hạn, repo trái phiếu. Chứng quyền có bảo đảm cũng là một công cụ phái sinh nhưng được giao dịch trên thị trường CP. Ngoài ra, các hợp đồng phái sinh có cấu trúc cũng nhận được nhu cầu từ thị trường, nhất là từ các khách hàng tổ chức như các công ty bảo hiểm và ngân hàng. Như vậy, quản trị rủi ro cần tập trung đáp ứng tất cả nhu cầu trên cả thị trường niêm yết với tất cả các sản phẩm phái sinh có thể có trên thị trường.

Do vậy, cần có cơ chế quản lý rủi ro nhằm bảo vệ NĐT, thị trường vận hành công bằng, hiệu quả, minh bạch và giảm thiểu rủi ro hệ thống. Bảo vệ NĐT bằng cách quản lý tách bạch tiền và CK, không thực hiện các nghĩa vụ thanh toán thành viên, giao dịch tự doanh tách bạch với giao dịch khách hàng, yêu cầu trình độ, đạo đức hành nghề của nhân viên, giảm thiểu khả năng đổ vỡ như yêu cầu về an toàn vốn, ký quỹ, chứng chỉ quỹ. Theo bà Lan, một trong các biện pháp của HNX trong quản trị rủi ro là lựa chọn tài sản cơ sở và thiết kế sản phẩm tránh thao túng giá.

Trong giai đoạn đầu của vận hành TTCK phái sinh sẽ có 2 sản phẩm là hợp đồng tương lai chỉ số CP (VN30, HNX30) và trái phiếu chính phủ. Với hợp đồng tương lai chỉ số CP, sản phẩm phải mang tính đại diện, phù hợp với thông lệ quốc tế, loại trừ ảnh hưởng CP lớn, tính toán và công bố thông tin phải chính xác, minh bạch, kịp thời, điều chỉnh và xem xét định kỳ để đảm bảo phản ánh xu hướng cập nhật. Với hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ sẽ do Kho bạc Nhà nước phát hành, kỳ hạn 5 năm, mệnh giá 100.000 đồng, lãi suất danh nghĩa 5%/năm, trả lãi định kỳ cuối kỳ 12 tháng/lần và trả gốc một lần khi đáo hạn.

Nhiều quy định mới cho CTCK

Theo Nghị định 42 về CK phái sinh và TTCK phái sinh cũng như Thông tư 11 hướng dẫn Nghị định 42, các CTCK phải hội đủ những quy định bắt buộc để được kinh doanh CK phái sinh. Các quy định này gồm: Môi giới CK phái sinh; tự doanh CK phái sinh, tư vấn CK phái sinh; quy định về đình chỉ, chấm dứt hoạt động kinh doanh CK phái sinh; quy định về hoạt động kinh doanh CK phái sinh.

Chẳng hạn đối với hoạt động môi giới CK phái sinh, CTCK phải được cấp phép đầy đủ về nghiệp vụ kinh doanh CK (Điều 60 Luật CK), được chấp thuận hoạt động tự doanh CK phái sinh. Bên cạnh đó, để kinh doanh CK phái sinh, CTCK còn phải hội đủ các điều kiện sau: Vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu từ 800 tỷ đồng trở lên; không lỗ trong 2 năm gần nhất; tỷ lệ vốn khả dụng tối thiểu 220% trong 12 tháng gần nhất; BCTC được kiểm toán chấp thuận; không ở trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản, kiểm toán, kiểm soát đặc biệt. Hoạt động tự doanh CK cũng giống các quy định tương tự nhưng điều kiện về vốn điều lệ chỉ cần từ 600 tỷ đồng.

Đối với hoạt động tư vấn đầu tư CK phái sinh, công ty quản lý quỹ hoặc CTCK được cấp phép đầy đủ nghiệp vụ kinh doanh CK (Điều 60 Luật CK). Vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn pháp định. Bên cạnh đó, cần đáp ứng điều kiện về tình hình tài chính, nhân sự, công nghệ; không ở trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản, kiểm toán, kiểm soát đặc biệt. Đối với quy định về đình chỉ, sẽ chấm dứt hoạt động kinh doanh CK phái sinh các trường hợp như: Tài liệu giả mạo, thông tin sai sự thật, kinh doanh sai mục đích, bị kiểm soát đặc biệt. Ngoài ra, còn có các trường hợp chấm dứt hoạt động kinh doanh CK phái sinh gồm: Tự nguyện và bắt buộc trong trường hợp không khắc phục sau khi bị đình chỉ, giải thể, phá sản.

Điểm đáng chú ý trong quy định về hoạt động kinh doanh CK phái sinh là các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có thể kinh doanh và đầu tư CK phái sinh sau khi được cơ quan quản lý nhà nước có quyết định chấp thuận.

Hải Hồ

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161112/han-che-rui-ro-chung-khoan-phai-sinh.aspx