Hạn chế phương tiện cá nhân là cần thiết

Số lượng phương tiện giao thông (PTGT) cá nhân gia tăng nhanh chóng, nếu không có biện pháp quản lý kịp thời, trong tương lai, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ở Hà Nội sẽ trở nên nghiêm trọng. Đây là ý kiến của đa số đại biểu HĐND TP Hà Nội khi thảo luận về Đề án tăng cường quản lý PTGT đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030 vào sáng 4-7.

Hạ tầng giao thông đang bị quá tải

Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho thấy, ở thời điểm hiện tại, số lượng xe cá nhân đang gây quá tải hạ tầng giao thông, gây ô nhiễm môi trường. Hiện thành phố có hơn 5,2 triệu xe gắn máy, nửa triệu ô tô (chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn). Với số lượng phương tiện trên, nếu tính hệ số đồng thời hoạt động là 60% số xe lưu thông thì diện tích chiếm dụng vượt quá 1,34 lần năng lực hệ thống đường phố (khu vực trung tâm là 3,72 lần). Vì vậy, ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô và các cửa ngõ ra, vào thành phố ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là giờ cao điểm và ngày lễ, Tết. Ngoài ra, hoạt động giao thông vận tải của PTGT đường bộ được xác định chiếm 70% các nguồn gây ô nhiễm môi trường.

Báo cáo của UBND TP Hà Nội cũng nêu rõ, dự báo đến năm 2030, Hà Nội sẽ có khoảng 2 triệu ô tô và 7,5 triệu xe gắn máy, trong khi quỹ đất cũng như nguồn vốn đầu tư cho mở rộng đường, xây đường mới rất eo hẹp. Như vậy, tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội sẽ ngày càng nghiêm trọng.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện báo cáo về đề án.

Triển khai theo lộ trình rõ ràng

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, để cải thiện tình hình trên, UBND TP Hà Nội sẽ tiến hành hàng loạt giải pháp như: Giải pháp quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông, quản lý phạm vi hoạt động của phương tiện, phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng, ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giao thông vận tải.

Đáng chú ý, các giải pháp này được thực hiện linh hoạt theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 2017-2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giao thông vận tải. Giai đoạn 2017-2020: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng. Giai đoạn 2017-2030: Từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe gắn máy trên địa bàn các quận. Xe ô tô cá nhân cũng sẽ phải chịu thêm những loại phí như trông giữ xe, phí môi trường... khi lưu thông trong nội đô.

Kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp

Đề án đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại hội trường. Theo nhiều đại biểu, đây là đề án có tính đột phá và thể hiện sự quyết tâm của TP Hà Nội về quản lý PTGT và xây dựng hệ thống giao thông hiện đại. Tuy nhiên, đây là đề án có tác động lớn tới người dân, do đó cần làm từng bước để không ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân.

Hạ tầng giao thông của Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải.

Đánh giá về tính khả thi của đề án, đại biểu Nguyễn Tiến Minh (tổ Thường Tín) cho biết, từ nay đến năm 2030 là khoảng thời gian khá dài, Hà Nội sẽ làm được rất nhiều việc theo đề án đã nêu. "Khi đó, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải sẽ phát triển. Tuy nhiên, thành phố phải bảo đảm được rằng, nếu di chuyển ở vị trí nào người dân cũng được tiếp cận các điểm dừng, đỗ xe buýt, các ga đường sắt thì đa số người dân sẽ chọn phương thức vận tải hành khách công cộng và không cần thiết phải đi xe gắn máy”-đại biểu Nguyễn Tiến Minh yêu cầu.

Đồng tình với ý kiến trên, tuy nhiên, đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ Hoàng Mai) đề xuất, Hà Nội nên miễn phí đi xe buýt. “Bởi nếu so sánh những thiệt hại do tắc đường, ô nhiễm môi trường thì chi phí đầu tư cho phương tiện công cộng là cần thiết. Từ đó, tạo thói quen cho người dân Thủ đô đi phương tiện công cộng. Đồng thời, việc điều chỉnh giờ làm, giờ học cũng rất cần thiết, đây là giải pháp ngắn hạn hiệu quả giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường”-đại biểu Phạm Đình Đoàn phân tích. Bổ sung vào ý kiến trên, đại biểu Hoàng Huy Được (tổ Ba Vì) cho rằng, bên cạnh phát triển hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ thì nhiệm vụ quan trọng của đề án cần chú trọng nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Giải đáp băn khoăn của các đại biểu, ông Vũ Văn Viện cho biết, một trong những điều kiện để dừng hoạt động đối với xe gắn máy tại khu vực nội đô là vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng được nhu cầu của đa số người dân. Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng, bảo đảm tới năm 2020 đạt 30%-35% tổng nhu cầu đi lại, năm 2030 khoảng 50%-55%; các đô thị vệ tinh đến năm 2020 đạt 15%, năm 2030 khoảng 40%. Hà Nội cũng đang phấn đấu ở khu vực nội đô, 80% người dân khi dừng xe gắn máy có thể tiếp cận các điểm dừng phương tiện công cộng với quãng đường dưới 500m; 20% còn lại, người dân có thể phải đi bộ dài hơn, hoặc đi bằng xe đạp, nhưng không quá 1km.

Sau khi lắng nghe ý kiến giải trình từ đại diện UBND thành phố, HĐND TP Hà Nội đã thông qua dự thảo nghị quyết với sự tán thành của 91,35% tổng số đại biểu. Ngày hôm nay (5-7), HĐND thành phố sẽ dành một ngày để các đại biểu thực hiện chất vấn, tái chất vấn nhiều vấn đề “nóng” của Thủ đô.

Bài và ảnh:VŨ DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/han-che-phuong-tien-ca-nhan-la-can-thiet-511534