Hạn chế những quy định cản trở quyền lập hội

Theo Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh, cần phải hạn chế được những quy định cản trở quyền tự do lập hội, quyền của những công dân muốn tham gia hội. Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh mong muốn Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu tiếp thu các ý kiến trên tinh thần cởi mở để quyền tự do lập hội của công dân được đảm bảo, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quang cảnh Hội nghị.

Sáng 14/10, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật về Hội. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh chủ trì Hội nghị.

Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, đại diện Lãnh đạo 5 tổ chức chính trị - xã hội, các vị trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và thành viên các Hội đồng tư vấn.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, đến nay dự thảo đã được lấy ý kiến nhiều lần. Theo dự thảo, Luật về Hội sẽ không áp dụng với MTTQ Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Điều này là phù hợp với lịch sử phát triển và vai trò đặc biệt quan trọng của các tổ chức nói trên, phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam.

Vấn đề tài chính đối với hội, Thứ trưởng Tuấn thông tin, đối với các hội do Đảng, Nhà nước có nhu cầu, chỉ đạo thành lập và giao các nhiệm vụ, thì nhà nước tiếp tục cấp kinh phí; đối với hội đã được giao biên chế, kinh phí hoạt động giữ ổn định đến hết năm 2016; từ năm 2017 đến 2020, từng bước thực hiện khoán kinh phí hoạt động theo lộ trình phù hợp. Đối với các hội hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải kinh phí hoạt động, Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí hoạt động gắn với nhiệm vụ được giao.

Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam (HTX) cho rằng: Liên minh HTX cần phải được coi là “hội đặc thù” vì có Luật HTX và HTX cũng thực hiện những chức năng đặc thù. Đồng thời, ông Cự cũng cho rằng: kinh phí hỗ trợ của nhà nước đối với các hội không thể cào bằng mà phải tùy thuộc vào quy mô và hoạt động của hội.

Trao đổi điều này, Thứ trưởng Tuấn trích điều 57, 58 Luật HTX và nói rằng: luật đã quy định Liên minh HTX phải hoạt động theo quy định của pháp luật về Hội. Thứ trưởng Tuấn cũng đề nghị, nếu muốn thay đổi, LMHTX Việt Nam phải xác định rõ Liên minh HTX là gì. “Nếu là tổ chức phi lợi nhuận thì Liên minh HTX là hội, còn nếu là tổ chức kinh tế, thì Liên minh HTX phải là Tập đoàn, hoạt động theo luật Doanh nghiệp”, Thứ trưởng Tuấn khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, trước đây theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, thì tính đặc thù là rất cao. “Nhưng trong tình hình hiện nay, ta có nên giữ tư duy bao cấp cho các hội nữa không? Nếu tiếp tục bao cấp thì tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí có cần nữa không?”, Thứ trưởng Tuấn đặt vấn đề và khẳng định, dự thảo vẫn quy định khi nhà nước giao nhiệm vụ, thì đương nhiên sẽ có kinh phí cho các hội thực hiện nhiệm vụ đó.

Điều 25 Hiến pháp 2013 đã minh định: công dân có quyền tự do lập hội. Khẳng định lại điều này, Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim cho rằng, Luật về Hội cũng phải đảm bảo được quyền tự do ấy.

Theo GS Trần Ngọc Đường, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật, UB Trung ương MTTQ Việt Nam, Luật về Hội cần đảm bảo được tính tự chủ, tự do của các hội và nên đề cập thật sâu. “Quyền của hội phải được quy định cụ thể để phát huy nhân tố con người và vai trò các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc tăng cường giám sát xã hội.”, GS Đường nói.

Đối với quy định hội phải có cơ cấu tổ chức, trụ sở và được cấp phát ngân sách, GS Đường nhận xét: nếu như thế thì đâu còn là hội với đầy đủ tính chất dân sự của nó.

Dự thảo Luật cũng quy định những hội do Thủ tướng, Bộ Nội vụ và UBND các cấp ra quyết định thành lập. GS Đường đặt câu hỏi: “Dựa vào đâu để quy định Hội Luật gia thì do Thủ tướng thành lập, còn các hội khác do Bộ Nội vụ, UBND các cấp thành lập? Điều này là không nên vì nó tạo ra ấn tượng bất bình đẳng giữa các hội”.

Thực tế này được ông Cao Văn Thành, Hội người mù Việt Nam làm rõ hơn. “Hội người mù có 4 cấp, từ trung ương đến địa phương. Nhưng quan hệ với các địa phương rất khó. Yêu cầu hội phải có trụ sở, tài sản hợp pháp… sẽ làm khó các hội. Đôi khi có hội phải giả vờ mượn nhà người khác làm trụ sở cho đủ hồ sơ để thành lập hội”, ông Thành nói.

Phó chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh nhận định: các ý kiến phát biểu, đóng góp cho dự thảo Luật về Hội thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao.

“Các ý kiến cơ bản thấy cần thiết ban hành luật về hội càng sớm càng tốt. Có nhiều ý kiến mong muốn điều chỉnh, bổ sung nhằm phát huy được quyền của các tổ chức hội cũng như các hội viên để tham gia đóng góp nhiều hơn nữa vào khối đại đoàn kết, xây dựng đất nước, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của dân cũng như cần tăng hơn nữa quyền lập hội”, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh, cần phải hạn chế được những quy định cản trở quyền tự do lập hội, quyền của những công dân muốn tham gia hội. Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh mong muốn Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu tiếp thu các ý kiến trên tinh thần cởi mở để quyền tự do lập hội của công dân được đảm bảo, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hà Ngân
Ảnh:Văn Dân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cong-tac-mat-tran/han-che-nhung-quy-dinh-can-tro-quyen-lap-hoi/127764