Hàm lượng arsen trong nước mắm được hiểu như thế nào

101/150 mẫu nước mắm được khảo sát có hàm lượng arsen (thạch tín) vượt ngưỡng quy định, là loại arsen hữu cơ thường gặp trong thủy hải sản.

Kết quả khảo sát mẫu nước mắm được Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố chiều 17/10, 125/150 mẫu nước mắm đóng chai có ít nhất một trong 5 chỉ tiêu của nhóm hóa học được khảo sát không đạt so với tiêu chuẩn hoặc công bố trên nhãn hàng. Trong đó, hàm lượng arsen còn gọi là thạch tín, ở phần lớn mẫu cao hơn nhiều so với quy định.

Theo quy định, hàm lượng arsen cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0 mg/l. Kết quả kiểm tra cho thấy 67% mẫu khảo sát (101/150 mẫu) có trên 1,0 mg và thậm chí 5 mg/l. "Các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, hàm lượng arsen càng tăng, cụ thể 95,65% số mẫu có độ đạm từ 40 đều có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng", báo cáo của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết.

Ảnh minh họa: L.N.

Phó Giáo sư, tiến sĩ Đặng Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết, arsen là kim loại nặng, có 2 dạng gồm arsen vô cơ và arsen hữu cơ. Xét về mức độ độc hại, arsen vô cơ độc hơn nhiều so với arsen hữu cơ. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị mức giới hạn của arsen vô cơ là 0,01 mg/L trong nước uống. Arsen vô cơ vào trong cơ thể cao hơn mức cho phép sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt gây bệnh thiếu máu bởi nó làm tan hồng cầu. Tùy thuộc vào nồng độ arsen trong cơ thể mà mức độ gây hại sẽ khác nhau, kể cả ung thư…

Arsen hữu cơ tồn tại ở nhiều dạng, mỗi dạng lại có độc tố khác nhau. Việc nghiên cứu, kết luận mức độ arsen hữu cơ ảnh hưởng đến sức khỏe rất phức tạp và hiện vẫn chưa có công bố cụ thể.Đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng cho biết đã chọn 20 trong số 101 mẫu nước mắm có hàm lượng arsen tổng vượt ngưỡng này gửi đến hai phòng thí nghiệm để khảo sát, kết quả cho thấy không có hàm lượng arsen vô cơ.

Theo tiến sĩ Côn, công bố hàm lượng arsen hữu cơ vượt ngưỡng của Hội chỉ là kết quả sơ bộ, cần nghiên cứu thêm.Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng cho rằngcần phải xem xét kỹ."Chế biến nước mắm bằng 3 nguyên liệu chính là nước, cá và muối. Nếu nước mắm có chứa thạch tín thì chính nguồn nước, nguồn muối hay nguồn cá này đã nhiễm arsen", Phó giáo sư Thịnh nói.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết sẽ kiểm tra xác minh kết quả khảo sát nước mắm trên và giải quyết nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Theo Vnexpress

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/suc-khoe/ham-luong-arsen-trong-nuoc-mam-duoc-hieu-nhu-the-nao/2016101805027342p1c784.htm