Hầm đường bộ qua Đèo Cả có chậm tiến độ?

Ông Lê Quỳnh Mai, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, hầm đường bộ qua Đèo Cả không chậm tiến độ như một số phương tiện truyền thông đăng tải.

Hầm Cổ Mã thuộc dự án hầm đường bộ Đèo Cả đã hoàn thành từ tháng 9/2016

Tiến độ công trình không chậm

Vừa qua, một số phương tiện truyền thông đăng tải kết luận của Kiểm toán Nhà nước cho rằng, tiến độ thi công một số gói thầu của dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả chậm so với quy định trong hợp đồng ban đầu. Trong đó, gói thầu số 5 chậm 3 tháng, gói thầu số 10 chậm 14 tháng, gói thầu số 11 chậm 24 tháng, gói thầu số 12 chậm 11,5 tháng. Thông tin cho biết thêm, theo Kiểm toán Nhà nước tiến độ của dự án hoàn thành vào quý II/2016, tuy nhiên đến thời điểm kiểm toán, dự án vẫn chưa hoàn thành.

Nguyên nhân chậm tiến độ được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra do trong quá trình triển khai thi công nhằm tối ưu hóa phương án thiết kế cũng như điều kiện thực tế phải điều chỉnh thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật theo các quyết định của Bộ GTVT ban hành năm 2014.

Bên cạnh đó, công tác GPMB tại hai địa phương Khánh Hòa và Phú Yên gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc bàn giao mặt bằng thi công chậm trễ, làm ảnh hưởng đến công tác triển khai các hạng mục tại dự án. Các hộ dân thường xuyên cản trở trong quá trình thi công làm chậm trễ đến việc triển khai các hạng mục tại dự án.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Quỳnh Mai, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, để xác định chuẩn xác giá trị thực tế triển khai nhằm quyết toán dự án trước khi thu phí, ngày 25/6/2016, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã chủ động làm Văn bản 526 báo cáo Bộ GTVT đề nghị Kiểm toán Nhà nước bổ sung kiểm toán toàn bộ dự án vào kế hoạch kiểm toán năm 2016. Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Quyết định 1630 ngày 29/09/2016 về kiểm toán bổ sung dự án vào kế hoạch năm 2016.

Theo ông Mai, Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc kiểm toán dự án từ ngày 3/10 - 1/12/2016 cho phần BT, chiếm khoảng 33% giá trị dự án và không nằm trên đường găng tiến độ của dự án. “Trong quá trình kiểm toán tại dự án, nhà đầu tư đã cung cấp hồ sơ tài liệu, giải trình và thống nhất các số liệu…” ông Mai nói.

Liên quan đến tiến độ của dự án, ông Mai cho biết, theo Văn bản 254 ngày 8/1/2014, Bộ GTVT chấp thuận tiến độ hoàn thành phần BT hoàn thành vào tháng 9/2016 và toàn bộ dự án hoàn thành vào tháng 7/2017. Tiếp đó, ngày 5/10/2016, Bộ GTVT ban hành Quyết định 3107 về việc phê duyệt tài chính, trong đó nêu rõ thời gian thu phí của dự án hầm Đèo Cả từ 1/1/2018.

“Do vậy, tôi khẳng định, tiến độ tổng thể của dự án đến nay không chậm. Hơn nữa, từ tháng 09/2016, hạng mục hầm Cổ Mã đã hoàn thành và được Bộ GTVT phê duyệt cho phép đưa vào khai thác. Đặc biệt, thời gian qua hạng mục này đã được vận hành để giảm ùn tắc giao thông rất lớn qua đèo Cả và đèo Cổ Mã do bị sạt lở đường đèo”, ông Mai nhấn mạnh.

Dự án tiết giảm hơn 4.225 tỷ đồng

Cũng theo ông Lê Quỳnh Mai, dự án hầm Đèo Cả được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT và BT với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu là 15.603 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 11/2012 và dự kiến hoàn thành tháng 7/2017. Ban đầu, dự án được phép thu xếp vốn nước ngoài với sự bảo lãnh của Chính phủ và thực hiện theo hình thức hợp đồng tổng thầu EPC với nhà thầu nước ngoài VINCI (Pháp).

Trong quá trình thực hiện, do việc thu xếp vốn nước ngoài theo dự kiến ban đầu không thực hiện được, với sự hỗ trợ của Bộ GTVT và đồng thuận cao của Chính Phủ, nhà đầu tư đã thực hiện hàng loạt giải pháp để đảm bảo sự thành công của dự án như: Thu xếp vốn trong nước để có nguồn tài chính từ trong nước cho toàn bộ dự án; điều chỉnh hình thức thực hiện dự án, từ hợp đồng EPC với tổng thầu nước ngoài sang hợp đồng xây lắp thông thường và nhà thầu trong nước.

Đồng thời, nhà đầu tư tiến hành lựa chọn nhà thầu thi công trong nước có đủ năng lực kết hợp với việc sử dụng nhà thầu tư vấn nước ngoài (Nippon Koei Nhật Bản) để tư vấn, hướng dẫn xử lý các hạng mục phức tạp về địa chất; tổ chức việc thực hiện thi công trên công trường đồng thời với điều chỉnh thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật; cắt giảm những hạng mục không cần thiết như sử dụng đường lâm sinh làm đường công vụ, điều chỉnh kết cấu cầu thép sang cầu bê tông,…

“Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, cùng với sự ủng hộ và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ GTVT, tổng mức đầu tư của dự án từ 15.603 tỷ đồng đã giảm xuống còn 11.378 tỷ đồng, tiết giảm hơn 4.200 tỷ đồng”, ông Mai cho biết.

Đình Quang

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/ham-duong-bo-qua-deo-ca-co-cham-tien-do-d187794.html