Hầm biogas - giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả

Những năm gần đây, hầu hết các hộ chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn thành phố đều xây dựng các hầm khí sinh học (biogas) để xử lý chất thải, hạn chế ô nhiễm môi trường. Không những vậy, các hầm biogas còn giúp hàng nghìn hộ nông dân tiết kiệm chi phí chất đốt, điện, phân bón hữu cơ. Hầm biogas thực sự là một giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả.

Xây dựng hầm biogas ở xã Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ).

Nói về hiệu quả của hầm biogas, ông Đặng Đình Tới, thôn Hưng Thịnh, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ cho hay: Cuối năm 2014, gia đình đầu tư 20 triệu đồng xây dựng hầm biogas nhằm xử lý được phân và nước thải của 40 con lợn. Lúc đó, gia đình tôi được Dự án khí sinh học do ngành chăn nuôi Việt Nam hỗ trợ thi công và tặng bếp, đồng hồ đo ga… Kể từ đó đến nay, gia đình được dùng gas "miễn phí" thay vì phải trả tiền mua chất đốt như trước. Chất thải sau quá trình ủ biogas là phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng, gia đình tận dụng để bón cho vườn bưởi. “Nhà tôi có 6 người, khoảng 2 tháng dùng hết một bình gas, tính ra mỗi năm chi khoảng 2 triệu đồng cho gas và 15-16 triệu đồng tiền mua phân bón hữu cơ cho 300 cây bưởi Diễn. Mới đây, tôi đã lắp thêm thiết bị đun bình nóng - lạnh bằng gas thay bình sử dụng điện, nhờ đó lại tiết kiệm được một khoản. Từ ngày có biogas, mỗi năm, gia đình tiết kiệm thêm được 17-18 triệu đồng" - ông Đặng Đình Tới cho biết.

Việc xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải từ chăn nuôi mang lại tác dụng rất lớn. Nguồn phân hữu cơ sau khi đưa vào bể chứa được phân hủy hết làm giảm mùi hôi, ruồi, muỗi và ký sinh trùng hầu như bị tiêu diệt hết trong bể chứa này. Bên cạnh đó, sử dụng hầm biogas còn có thể tái tạo được nguồn năng lượng sạch từ phế thải chăn nuôi tạo ra khí CH4 phục vụ việc đun nấu, thắp sáng; tiết kiệm được tiền mua chất đốt. Để xây dựng hầm biogas đúng quy chuẩn, những người thợ xây đã được Dự án khí sinh học do ngành chăn nuôi Việt Nam đào tạo, cấp chứng chỉ xây hầm biogas. Ông Hồ Văn Hán là một trong số những người được đào tạo và chuyên đi xây hầm cho biết, 80% các công trình biogas của người dân trên địa bàn huyện Chương Mỹ là đều do thợ của ông xây dựng. Trung bình mỗi năm, nhóm của ông xây dựng khoảng 100 hầm ở khắp các xã: Thụy Hương, Lam Điền, Phụng Châu, Trần Phú,… Theo ông Hán, các hộ chăn nuôi ở Hà Nội thường xây bể gạch, quy mô các bể theo nhu cầu của từng hộ dân. Thợ xây phải tính toán giúp các hộ chọn kích cỡ hầm phù hợp với quy mô chăn nuôi. Không chỉ giải quyết ô nhiễm môi trường, biogas còn tạo ra nguồn năng lượng dồi dào, bà con nông dân rất phấn khởi.

Cũng như gia đình ông Đặng Đình Tới, gia đình anh Lê Văn Công, thôn Ứng Hòa, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ cũng xây dựng hầm biogas 2 năm nay. Anh cho biết, xây hầm biogas vừa giúp có nhiên liệu để đun nấu, lại sử dụng được bã thải biogas để nuôi cá mà không mất vệ sinh. “Trước đây, khi chưa có hầm biogas, phân, chất thải chăn nuôi được đổ trực tiếp xuống ao, nguồn nước bị ô nhiễm, có lần cá chết, thiệt hại nặng”. Hiện nay, chuồng nuôi của gia đình anh Công đang có 10 con lợn nái, anh cho biết sắp tới sẽ mở rộng quy mô, phát triển đàn lợn thịt.

Sau dồn điền đổi thửa, xã Lam Điền đẩy mạnh các mô hình chuyển đổi từ trồng trọt sang chăn nuôi. Cả xã có 59 trang trại chăn nuôi gà đẻ và gà công nghiệp, quy mô 5.000 con trở lên; 18 trại lợn với quy mô 1.000 con lợn trở lên. “Hầu hết các hộ chăn nuôi lớn, nhỏ trong xã đều xây dựng hầm biogas nên bảo đảm môi trường sạch sẽ. Điều quan trọng là mô hình này rất hiệu quả, nên người dân phát triển rất nhanh, không chờ chính quyền vận động, hỗ trợ” - Chủ tịch UBND xã Lam Điền Đặng Đình Dũng cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội), toàn thành phố có hơn 235.000 hộ có chuồng trại chăn nuôi, trong đó có hơn 166.000 hộ chăn nuôi hợp vệ sinh. Tuy vậy, do chăn nuôi phát triển nhanh, ở nhiều nơi chưa hình thành vùng chăn nuôi riêng, xa khu dân cư nên ô nhiễm môi trường vẫn còn, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Để khắc phục tình trạng này, các trang trại, cơ sở chăn nuôi lợn có điều kiện đã và đang ứng dụng quy trình xử lý chất thải từ chăn nuôi bằng hầm biogas và bước đầu đã mang lại một số hiệu quả nhất định về bảo vệ môi trường. Đây được xem như giải pháp quan trọng trong việc làm sạch môi trường chăn nuôi nói riêng và môi trường nông thôn nói chung.

Minh Phú

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/853624/ham-biogas---giai-phap-bao-ve-moi-truong-hieu-qua-