Halloween, mùa phim kinh dị

Cửa đã khóa chặt, cuộn tròn mình trong chiếc chăn dày che đến tận nửa mặt, hai tay bịt kín mắt và tai, một mình đối mặt với những hình ảnh quái dị, ghê rợn mà có thể khiến bạn mất ngủ mấy tuần sau hay kéo dài đến tận tháng trời. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi tột đỉnh vậy vẫn không ngừng thôi thúc bạn dừng xem phim kinh dị.

Cứ đến tháng 10 là bắt đầu mùa làm ăn của những bộ phim kinh dị. Cũng dễ hiểu, đây là tháng có Halloween, ngày mà người ta thường kể các câu chuyện xoay quanh những đề tài ma quỷ và phù thủy. Theo trang web thống kê số liệu The Numbers, tổng doanh thu gộp của các phim điện ảnh được xếp vào hạng mục kinh dị từ năm 1995 đến 2016 đạt tới 8 tỷ USD (chỉ xếp sau phim tình cảm hài lãng mạn) - một con số khá lớn so với các thể loại khác.

Ai cũng sợ nhưng ai cũng thích xem phim kinh dị.

Tràn ngập màn hình là bộ dạng kỳ dị người không ra người, quỷ không ra quỷ, nhân vật bệnh hoạn khủng bố, lẽ thường bộ não của chúng ta đều được lập trình tránh né xem phim kinh dị. Tuy nhiên, vẫn có hàng triệu người trên thế giới mê mẩn loại hình giải trí này.

“Tôi nghĩ bạn sẽ không bao giờ quên được tác phẩm kinh điển Halloween của đạo diễn John Carpenter”, Chris Nials - người sáng lập ra cộng đồng người thích xem phim kinh dị Xã hội Kinh dị London bày tỏ cảm xúc khi lần đầu tiên tiếp cận thể loại phim này năm 11 tuổi. Chris chia sẻ: “Trước mỗi lần xem, tôi đều có cảm giác lo sợ. Nhưng sau khi xem xong phim tôi cảm thấy thỏa mãn. Đối với bản thân mình, việc sợ hãi theo một cách có thể kiểm soát được chẳng khác gì lúc bạn chơi những trò cảm giác mạnh ở công viên như tàu lượn hay thể thao mạo hiểm”.

Việc đối mặt với nỗi sợ hãi được kiểm soát là chìa khóa cho thấy sự hấp dẫn của loại phim kinh dị. Khi một người cảm thấy sợ, hạch hạnh nhân (một cấu trúc tập hợp nơron hình quả hạnh nhân nằm ở tâm của não có chức năng xử lý các yếu tố gây cảm xúc ở con người) sẽ tạo ra phản ứng “chống hoặc bỏ chạy”, bàn tay túa ra mồ hôi, đồng tử mở rộng, và dễ dàng nhảy dựng người lên vì lượng dopamine và adrenaline tăng cao.

Cơ thể của ai cũng đều có những phản ứng tự nhiên như thế khi đối mặt với nỗi sợ hãi, song cảm giác thỏa mãn thì phụ thuộc vào nhận thức của mỗi cá nhân. Một nghiên cứu khoa học gần đây do Tiến sĩ David Zald - Giáo sư Tâm lý tại Đại học Vanderbilt ở Mỹ - thực hiện cho thấy bộ não của một số người thiếu mất “phanh” trong quá trình giải phóng dopamine. Điều này đồng nghĩa với việc họ bị hấp dẫn vào việc làm cho sợ hãi.

Theo tiến sĩ Bryan Roche - giảng viên ngành Tâm lý học tại Đại học Maynooth (Ireland), phản ứng tâm lý khi sợ hãi hay vui sướng là như nhau, bao gồm nhịp tim và nhịp thở nhanh, đồng tử co giãn, nổi da gà. Nếu chỉ dựa vào các số liệu khi đo những phản ứng này mà không nhìn tận mắt thì khó có thể đoán được người đó đang vui sướng hay sợ sệt.

Nhà tâm lý học chuyên ngành nghiên cứu nỗi sợ Margee Kerr nhận xét: “Việc tự làm mình sợ không phải là hiện tượng bây giờ mới có. Từ xa xưa, con người đã thích ngồi túm tụm một chỗ, bên lửa trại bập bùng giữa rừng núi hoang vu nghe chuyện kinh dị. Cảm giác đó kết nối mọi người, thúc đẩy cảm giác có sức mạnh, nâng cao sự tự tin cho con người có thể vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn. Con người thích trải nghiệm cảm giác mạnh tập thể, họ đến các chương trình ca nhạc lớn, tới thánh đường Vatican để nghe Giáo hoàng diễn thuyết... nhằm hòa cùng cảm xúc kết nối với những người lạ”.

Nhiều người nhầm tưởng xem phim kinh dị là một thú vui bệnh hoạn và vô văn hóa. Theo Giáo sư Glenn Sparks đang làm việc tại Học viện truyền thông Brian Lamb, sẽ có những cá nhân bị ám ảnh từ những hình thù quái đản, máu me bê bết từ các bộ phim kinh dị, và từ đó phát sinh một số vấn đề về tâm lý. Tuy nhiên đó chỉ là số ít.

Sự thật thì phim kinh dị không phải đơn giản chỉ chứa những hình ảnh gây sợ hãi, mà mỗi bộ phim luôn mang một thông điệp nào đó về tôn giáo, văn hóa và tâm linh con người. Các quốc gia đều thể hiện những bản sắc văn hóa riêng trong phim kinh dị. Cụ thể Australia có cá sấu ăn thịt người, Hong Kong có cương thi, Thái Lan có chuyện ếm bùa ngải... Bên cạnh đó, phim kinh dị còn có thông điệp văn hóa xã hội. Ví dụ như phim Exorcist nói về những mâu thuẫn trong gia đình, xã hội Mỹ, những phim về Zombie là ẩn dụ về một xã hội thác loạn, vô đạo đức và nhiều tệ nạn vào đầu thập niên 70 hay những bộ phim kinh dị Thái Lan, Hàn Quốc thường theo chủ đề “ác giả ác báo” khi nhân vật chính luôn tự mình bị ám ảnh gây ra cái chết cho người thân thương.

Hồng Hạnh

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-hoa/halloween-mua-phim-kinh-di-20161028220413156.htm