Hai thi sĩ, hai nhà phản chiến

Bob Dylan nhận giải Nobel văn chương làm người yêu sách và nhạc nhớ đến sự kiện nhân ngày giỗ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn năm 2013, Nhà xuất bản Trẻ xuất bản cuốn sách “Trịnh Công Sơn, Bob Dylan – như trăng và nguyệt” của tác giả John C. Schafer. Cuốn sách nói về hai nhạc sĩ của hai góc trời Đông – Tây, nhưng có nhiều điểm chung.

Hai nhà thơ

Nói như GS Cao Huy Thuần trong phần giới thiệu cuốn sách: “…họ còn giống nhau ở chỗ này nữa, rất đặc biệt trong âm nhạc Việt nam: chưa ai viết lời ca thơ như vậy, bay bổng lên trời, như Trịnh Công Sơn…Mà Dylan, bài hát nào của ông lại chẳng là thơ”.

Cuốn sách của GS Cao Huy Thuần về hai nhạc sĩ tài danh

Nếu như nước Mỹ gọi Bob Dylan là “Lãng tử du ca” thì người Việt Nam gọi Trịnh Công Sơn là “Người tình lãng du của nhiều thế hệ”.

Giải Nobel văn chương 2016 thuộc về Bob Dylan, và theo lời tuyên bố của Viện Hàn lâm Thụy Điển “vì đã tạo nên những biểu đạt đầy chất thơ trong truyền thống âm nhạc vĩ đại của nước Mỹ”. Còn bà Sara Danius, Thư ký thường trực của Ủy ban Nobel nhận xét: “Ông ấy là một nhà thơ vĩ đại trong nền văn học Anh ngữ”. Sẽ không lạ lùng khi ai đó nói Bob Dylan là nhà thơ, bởi vì Bob từng tuyên ngôn: “ Tôi tự xem mình trước hết là thi sĩ, sau đó mới là nhạc sĩ. Tôi sống như một thi sĩ và tôi sẽ chết như một thi sĩ”. Thơ trong nhạc, và không phải tầm thường, thơ được giải Nobel, lần đầu tiên trong lịch sử Nobel văn chương người được trao là một nhạc sĩ. Hãy đọc đôi dòng của bài Blowin’ in the wind:
“Bao nhiêu đường một người phải đi.Trước khi được gọi là con người? Đúng thế, và bao nhiêu biển bồ câu phải bay. Trước khi đậu ngủ trên cát. Bao nhiêu năm biển kia có thể tồn tại. Trước khi chìm vào đại dương? Đúng thế, và bao nhiêu năm dân tộc kia có thể tồn tại. Trước khi được phép tự do?
Hoặc bài A Hard Rain’s a Gonna’s Fall: “Nghe mười ngàn tiếng thì thầm mà chẳng ai lắng tai. Nghe một người chết đói, nghe nhiều người cười. Nghe lời ca của một thi sĩ chết trong hầm mộ. Nghe âm thanh của một chàng hề đang khóc giữa đường”.
Còn Trịnh Công Sơn, là nhạc sĩ phổ thơ của chính mình, nếu bỏ nhạc để đọc lời, sẽ nhận ra một thi sĩ Trịnh Công Sơn với những bài thơ tuyệt hay, như bài thơ 8 chữ: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt. Rọi suốt trăm năm một cõi đi về” (Một cõi đi về) . Hay bài thơ tình 5 chữ : “Ru em đầu con gió. Em hong tóc bên hồ. Khi sen hồng mới nở, Nụ đời ôi thơm quá” (Ru tình). Nếu như nhạc Bob Dylan “đầy chất thơ trong truyền thống âm nhạc Mỹ”, thì Trịnh Công Sơn làm thơ lục bát truyền thống của Việt Nam hay thấm thía: “Con chim ở trọ cành tre. Con cá ở trọ trong khe nước nguồn…Tôi nay ở trọ trần gian. Trăm năm về chốn xa xăm cũng gần. Mây kia ở đậu tầng không. Mưa nắng ở đậu bên trong mắt người” (Ở trọ).
Hai nhà phản chiến
Xin dẫn ra một bài phản chiến tiêu biểu của Bob Dylan đó là With God On Our Side: “…Kỵ binh tấn công. Da đỏ ngã gục. Kỵ binh tấn công. Da đỏ chết. Ồ, xứ sở này lúc ấy trẻ lắm. Và có thượng đế cùng một phe…Ồ, thế chiến thứ nhất, ông bạn ơi. Đã kết liễu số phận rồi. Lý do gì mà đánh nhau. Tôi chẳng bao giờ rõ…”
Còn Trịnh Công Sơn, có nhiều tuyển tập nhạc phản chiến, và xin lưu ý, đọc những bài thơ đó hay vô cùng, như bài thơ 7 chữ: “Xin cho tôi yên ngủ một ngày. Xin cho đêm không có đạn bay. Xin cho chim góp nhạc về trời. Xin cho tôi làm kiếp của mây…Xin cho tôi nguyên vẹn hình hài. Cho tôi nghe lời hát cỏ cây. Xin cho tôi quên phận tù đày” (Xin cho tôi). Hay bài thơ 4 chữ: “Đại bác đêm đêm. Dội về thành phố. Người phu quét đường. Dừng chổi đứng nghe. Đại bác qua đây. Đánh thức mẹ dậy. Đại bác qua đây. Con thơ buồn tủi. Nửa đêm sáng chói. Hỏa châu trên núi” (Đại bác ru đêm).
Công bằng mà nói, Trịnh Công Sơn viết nhiều bài phản chiến hơn Bob Dylan, bởi lẽ, bom đạn rơi xuống trên quê hương Việt Nam nhiều hơn bất cứ nơi đâu: “Mẹ vỗ tay reo mừng xác con. Mẹ vỗ tay hoan hô hòa bình” (Hát trên những xác người), Bob Dylan có những câu thơ điên loạn trước chiến tranh, nhưng Bob không có được trải nghiệm dữ dội như Trịnh Công Sơn.

Thơ, nhạc của thi sĩ – nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất hay, có ảnh hưởng đến nhiều thế hệ người Việt Nam từ thập niên 60 của thế kỷ trước cho đến hôm nay. Có điều, các tác phẩm văn chương cho dù hay đến mấy nhưng chỉ có ấn bản tiếng Việt thì sức ảnh hưởng bị hạn chế rất nhiều, không vượt được biên giới để đến với công chúng khắp nơi như Bob Dylan.

Lê Thanh Phong

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa-giai-tri/hai-thi-si-hai-nha-phan-chien-601446.bld