Hai tác phẩm tiếp nối series 'Viết cho những điều bé nhỏ'

Mở màn với tuyển tập năm cuốn của nhà báo Đoàn Công Lê Huy và nhà báo Ngô Thị Phú Bình, series sách 'Viết cho những điều bé nhỏ' đã chiếm được tình yêu mến của độc giả, Nhà xuất bản Kim Đồng tiếp tục cho ra mắt hai tập tản văn của tác giả Lê Thúy Hà.

Nếu như “Con trai những ngày mẹ vắng nhà” in đậm dấu ấn với những câu chuyện dí dỏm về gia đình, về hai cậu con trai đang ở cái tuổi thích triết lí, luôn đặt ra các câu hỏi “tại sao” “cái gì”… thì “Nhìn nhau trong nắng” lại gây ấn tượng với những bài viết giàu cảm xúc về tuổi thơ của một cô bé xứ Thanh, về cuộc sống lắm khi dở khóc dở cười của một công chức Hà thành, về những vẻ đẹp mong manh của làng quê xứ Bắc và về những chuyến chu du khắp thế giới của chị.

Trong những câu chuyện của mình, Lê Thúy Hà thể hiện những vấn đề của cuộc sống cá nhân, từ nỗi lo cơm áo gạo tiền rất đàn bà đến nỗi đau đáu của một trí thức về thế sự, nhưng đọc Lê Thúy Hà, đọng lại trong ta vẫn là cảm giác nhẹ nhõm, tích cực “nước chảy mây trôi, việc gì mà phải lăn tăn cho mệt”

Trong những câu chuyện của mình, Lê Thúy Hà thể hiện những vấn đề của cuộc sống cá nhân, từ nỗi lo cơm áo gạo tiền rất đàn bà đến nỗi đau đáu của một trí thức về thế sự, nhưng đọc Lê Thúy Hà, đọng lại trong ta vẫn là cảm giác nhẹ nhõm, tích cực “nước chảy mây trôi, việc gì mà phải lăn tăn cho mệt”

Vốn là “dân” chuyên Toán Lam Sơn, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, hiện tại là một kiến trúc sư, Lê Thúy Hà có nét tư duy logic sắc sảo khi nhìn mọi vấn đề của cuộc sống xung quanh. Thẳm sâu trong tâm hồn Lê Thúy Hà là một cá tính nghệ sĩ, lãng mạn, yêu văn chương. Đúng như nhà văn Lê Minh Khuê nhận xét: “Với phương châm sống hết mình cho hiện tại, con người học toán, giỏi toán này có tư duy chính xác, nhưng ẩn sau nó là cảm xúc lãng mạn của giới khoa học – vốn lãng mạn hơn giới văn chương nhiều”.

Người đọc bị cuốn hút với những bài viết của Lê Thúy Hà bởi kiến văn sâu rộng về nhiều vấn đề của cuộc sống qua trải nghiệm của một người đi nhiều, đọc nhiều, bằng lối viết đầy chất homour – hài hước, giễu nhại

Bạn đọc có thể hình dung tự họa của Lê Thúy Hà qua lời kể của cậu con trai: “Mẹ em là một người mẹ béo… mẹ đeo kính, hay mặc váy khi đi làm và mặc quần lửng hoa lúc ở nhà… Mẹ lúc nào cũng thơm thơm, mềm mềm, em thích rúc vào lòng mẹ, dụi đầu vào cái bụng béo của mẹ, cái bụng bố hay chê nhưng em yêu lắm vì nó mềm.” Hay “Mẹ vừa thông minh vừa hài hước vừa nhân hậu. Nhiều khi trong tâm hồn mẹ con thấy có một đứa trẻ.” (Con trai những ngày mẹ vắng nhà).

Nhân dịp này, NXB Kim Đồng tổ chức buổi giao lưu: “Lê Thúy Hà và những chuyện trà dư” trong khuôn khổ “Hội sách Mùa thu” vào ngày 30/10 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội

Lê Thúy Hà khéo léo dẫn dụ độc giả đắm chìm trong không gian “tuổi thơ tuyệt đẹp, tuyệt buồn, tuyệt trong sạch đến mức không có thật” của một cô bé xứ Thanh, trong “một căn nhà kiểu cổ, đem từ quê xuống theo thuyền sông Mã, toàn bằng gỗ và đá tảng, trên một khuôn viên trồng đầy rau để bán và hoa để chơi, chỗ nào cũng sạch như lau như li”. Tuổi thơ của cô bé ấy là những phút giây “tha sách đi đọc khắp nơi ngoài vườn trong nhà, sách văn học Pháp ngồi đọc đầu hè, sách Tàu đọc trên bàn đá nơi ông tôi uống trà, sách Nga đọc đâu đó tôi không nhớ…”.

An Khê

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/hau-truong/hai-tac-pham-tiep-noi-series-viet-cho-nhung-dieu-be-nho-d102049.html