Hai quyết định đúng đắn trên bàn mổ cứu sống em bé bị thủng tim phổi

Bé trai 4 tuổi được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) trong tình trạng “thập tử nhất sinh” vì 3 vết thương đâm thủng tim, phổi.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu thăm bệnh nhi chiều 28.10 (ảnh K.Q)

Mặc dù không có bác sĩ khoa nhi lẫn dụng cụ phẫu thuật phù hợp, song GS.BS Nguyễn Đức Công – Giám đốc Bệnh viện vẫn kiên quyết không để bệnh nhi chuyển viện, và phát đi báo động đỏ liên viện, nhờ bác sĩ nhi khoa đến hỗ trợ. Trong khi chờ bác sĩ nhi khoa đến, đội ngũ bác sĩ phải tận dụng những dụng cụ nhỏ nhất để phẫu thuật khẩn cấp cho bé.

Là người trực tiếp điều trị và chỉ đạo ca cấp cứu, GS.BS Nguyễn Đức Công kể lại, khoảng 20h đêm 26.10, cháu bé được đưa vào cấp cứu với hai vết thương sau lưng và một vết thương trước ngực. Người bê bết máu. Tiên lượng rất xấu. Người nhà cho biết, tối hôm đó, em bé bị ngã từ lầu 2 xuống và bị thanh sắt hàng rào đâm trúng ở tư thế nằm ngửa.

Kết quả siêu âm khẩn cấp cho thấy có dịch màng phổi bên phải. Bệnh nhi ngay lập tức được đẩy thẳng vào phòng phẫu thuật. Vốn là bệnh viện chuyên về điều trị người lớn, không có y cụ lẫn kinh nghiệm gây mê, phẫu thuật trẻ em nên các bác sĩ phòng mổ đề nghị chuyển bệnh nhân qua Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Tuy nhiên, BS Nguyễn Đức Công đã đưa ra một quyết định chắc nịch – không chuyển viện, bằng mọi giá phải cứu em bé ngay tại bệnh viện. Vì với tình trạng xấu như thế này, bệnh nhi có thể chết trên đường chuyển viện.

Vừa đưa ra quyết định, BS Đức Công khẩn cấp phát đi báo động đỏ liên viện, nhờ sự hỗ trợ của Th.S, BS Đào Trung Hiếu - Trưởng khoa Ngoại, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1. Trong lúc chờ bác sĩ nhi đến, 20 bác sĩ đến từ nhiều chuyên khoa của Bệnh viện Thống Nhất có mặt. Tận dụng những dụng cụ phẫu thuật cỡ nhỏ nhất, các y bác sĩ bắt đầu tiến hành gây mê và đặt nội khí quản. Ngân hàng máu được huy động vào cuộc vì bệnh nhân mất máu quá nhiều. Em bé được bơm máu 5 đơn vị máu trực tiếp vào cơ thể.

Trong quá trình dẫn lưu dịch màng phổi, bệnh nhi ngưng tim trên bàn mổ. Các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất đã tiến hành bóp tim, hồi sức cho tim đập lại. Khi BS Đào Trung Hiếu có mặt sau cuộc gọi chừng 10 phút, với kinh nghiệm ngoại nhi, ông nghi ngờ em bé bị thủng tim và đề nghị bỏ qua siêu âm tim mà tiến hành mở ngực ngay.

Đúng như chẩn đoán của BS Hiếu, kết quả mở ngực cho thấy ở vùng tâm nhĩ bên phải có vết rách khoảng 3cm, máu từ vết rách chảy ra rất nhiều. BS Hiếu phải dùng tay bịt lỗ thủng lấy của tim để cầm máu, giảm bớt lượng máu chảy. Sau đó dùng phương tiện phẫu thuật kẹp lại cầm máu, khâu vết thủng ở tim. Tiếp tục thám sát phổi, kíp mổ phát hiện có 2 vết rách ở phổi.

Gần 12 giờ, cuộc mổ hoàn tất. Sau khi khâu tất cả vết thủng tim, phổi, bệnh nhân qua được cơn nguy kịch nhưng các chỉ số sinh hiệu vẫn chưa ổn định. Lúc này, cháu bé được chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 1 – nơi có nhiều kinh nghiệm và trang thiết bị y tế cho trẻ em để tiếp tục hồi sức.

Kết quả kiểm tra chiều 28.10 cho thấy khoang lồng ngực sạch, không có máu tụ, tim hoạt động tốt, những chỗ khâu không có vấn đề. Tuy nhiên do chân bé hơi yếu, khảo sát thêm bằng phim X-quang ghi nhận gãy thân đốt sống ngực số 8, nghi ngờ dập tủy nên xuất hiện triệu chứng yếu hai chi. Ngoài ra, bệnh nhi còn gãy xương sườn số 9, 10 ở khung sau bên trái. Cháu bé được tiếp tục theo dõi sát để có những xử lý tiếp theo.

Nhìn lại sự kiện đêm 26.10, GS. Nguyễn Đức Công cho biết rất khâm phục BS. Đào Trung Hiếu khi kiên quyết bỏ qua giai đoạn chụp siêu âm, X-quang mà đề nghị mở ngực ngay để cứu bệnh nhi.

Khá khiêm tốn khi nói về quyết định quan trọng, góp phần giữ tính mạng bệnh nhi, BS. Đào Trung Hiếu cho rằng, thành công trong ca mổ này là nhờ quy trình báo động đỏ liên viện và sự quyết đoán của BS Công - quyết định không chuyển viện.

Khương Quỳnh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/y-duc-y-nghiep/hai-quyet-dinh-dung-dan-tren-ban-mo-cuu-song-em-be-bi-thung-tim-phoi-605485.bld