Hải Phòng: Xã Tú Sơn tiên phong phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn

Mới đây, tại xã Tú Sơn (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cùng HTX Môi trường và Dịch vụ thương mại Thành Vinh đã phối hợp tổ chức tuyên truyền tập huấn hướng dẫn phân loại rác tại nguồn với sự tham gia đông đảo của bà con nhân dân.

Cán bộ Cục Hạ tầng Kỹ thuật sẵn sàng tư vấn, trả lời các câu hỏi của bà con xã Tú Sơn về ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn.

Chương trình tuyên truyền là một trong những hoạt động nhằm khởi động dự án Xây dựng mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Tú Sơn.

2 bãi rác tạm đều đầy, nguy cơ phải đóng cửa

Tú Sơn là xã trọng điểm của huyện Kiến Thụy và TP Hải Phòng. Xã có diện tích tự nhiên 652,7ha, dân số 11.100 nhân khẩu. Nhân dân Tú Sơn chủ yếu sống, lao động bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt. Những năm gần đây, xã phát triển thêm một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ…

Cũng như nhiều vùng nông thôn khác trong cả nước, bên cạnh những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đạt được, những năm qua, ở Tú Sơn cũng đã xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi về môi trường. Tư tưởng coi trọng lợi ích kinh tế mà không chú ý bảo vệ môi trường ở các hộ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vẫn còn phổ biến. Hiện tượng suy thoái đất do lạm dụng thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học… đang là thách thức lớn đối với môi trường nông thôn. Nước thải sinh hoạt cũng có nguy cơ ô nhiễm cao… Những vấn đề này đang ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Chủ tịch UBND xã Tú Sơn, ông Bùi Văn Tiếp cho biết: Hiện nay, tính trung bình trên toàn địa bàn xã Tú Sơn, mỗi ngày, các hộ dân thải ra từ 3,5-4 tấn rác. Lượng rác thải này đang được thu gom, chôn lấp trên 2 bãi rác tạm của địa phương với tổng diện tích hơn 5.000m2. Tuy nhiên, cả 2 bãi rác đều đã đầy, gây nguy cơ ô nghiễm môi trường cao…

Theo chân cán bộ xã ra bãi rác nằm giữa Đồng Bạc Ủi, thuộc thôn 5, xã Tú Sơn, từ xa, chúng tôi dễ dàng nhận thấy, rác đang dần dần hình thành đồi rác, hứa hẹn không lâu nữa sẽ sớm thành núi rác.

Bãi rác ở Tú Sơn đã thành đồi, thành núi, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Cán bộ đưa chúng tôi ra hiện trường cho biết: Bãi rác này hình thành từ năm 2001. Ban đầu, bãi rãi rác được đào sâu xuống dưới so với mặt ruộng khoảng 5-7m. Thông thường, 2 ngày một lần, rác sẽ được vun và đốt (đối với những loại rác có thể đốt được). Đến một thời điểm nhất định, rác sẽ được san bằng, lấp đất, rồi tiếp tục đổ lớp rác mới…

Cứ như vậy, sau 16 năm, từ một hố rác, bãi rác Tú Sơn đã dần hình thành đồi rác. Trước nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, năm 2015, TP Hải Phòng đã yêu cầu đóng cửa 2 bãi rác của Tú Sơn nhưng do huyện Kiến Thụy chưa quy hoạch, bố trí được bãi rác mới nên cả 2 bãi rác của Tú Sơn vẫn hoạt động bình thường.

Ông Bùi Văn Tiếp bộc bạch: Quả thực, nếu không có dự án “Xây dựng mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt tại xã Tú Sơn”, chúng tôi chắc chắn sẽ vô cùng lo lắng vì không biết trong tương lai sẽ đổ rác ở đâu? Lo hơn nữa vì nguy cơ rác gây ô nhiễm môi trường…

Phân loại, thu gom, vận chuyện chất thải rắn đầu nguồn triệt để

Dự án “Xây dựng mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt tại xã Tú Sơn” có công suất 5-10 tấn/ngày, do HTX Môi trường và Dịch vụ thương mại Thành Vinh (HTX Thành Vinh) làm chủ đầu tư. Dự án được thực hiện trong năm 2016 này có tổng vốn đầu tư 5,5 tỷ đồng, trong đó Bộ Xây dựng hỗ trợ 36% kinh phí cho công tác tuyên truyền, tập huấn, truyền thông; mua sắm thiết bị phục vụ phân loại, sản xuất; chi phí áp dụng công nghệ mới; UBND TP Hải Phòng và UBND huyện Kiến Thụy hỗ trợ 45% kinh phí cho việc san lấp mặt bằng và hỗ trợ một phần việc xây dựng khu xử lý tập trung tổng hợp…

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Thành Vinh, bà Đoàn Thị Mơ cho biết: Mục tiêu của dự án là phân loại, thu gom, vận chuyển CTR đầu nguồn triệt để; quản lý CTR theo phương thức 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng) và xử lý tổng hợp CTR theo 2 nhóm công nghệ. Một là xử lý CTR hữu cơ công nghệ compost, thực hiện theo liên danh giữa HTX Thành Vinh với Cty Nishihara (Nhật Bản), theo Chương trình hợp tác giữa TP Hải Phòng và TP Kitakyushu. Hai là công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, thiêu đốt đối với CTR còn lại.

Người dân Tú Sơn sẽ là 1 trong ít xã nông thôn trong cả nước tiên phong phân loại rác tại nguồn.

Đề cập đến quy trình phân loại CTR đầu nguồn triệt để, bà Mơ cho biết: Dự án sẽ trang bị 3 thùng phân loại rác đến tận các hộ dân, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Trong đó 1 thùng chứa CTR có thể tái chế, tái sử dụng (gồm vỏ hộp, chai lọ, túi - chai nhựa, giấy báo…); 1 thùng chứa CTR hữu cơ (gồm rau, củ, quả, thức ăn thừa…) và 1 thùng chứa CTR vô cơ (thủy tinh, kim loại…). CTR hữu cơ sẽ được thu gom hàng ngày, trong khi các chất thải còn lại sẽ thu gom 2-3 lần/tuần. Rác sẽ được thu gom về điểm trung chuyển bằng xe thu gom. Nhân viên thu gom sẽ có nhiệm vụ phân loại rác sơ bộ, thu hồi các chất tái chế… Từ điểm trung chuyển, rác được vận chuyển đến khu xử lý bằng xe cơ giới. Tại khu xử lý, rác hữu cơ được xử lý thành phân compost, bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, không phát sinh nước thải. Rác thải vô cơ được chôn lấp hoặc thiêu đốt hợp vệ sinh, cũng không phát sinh nước rỉ rác. Nước thải sinh hoạt, nước thải khi thau rửa nguyên liệu, rửa dụng cụ xe… sẽ được đưa vào hố xử lý theo quy chuẩn kỹ thuật để khi đưa ra ngoài môi trường, ngoài khu xử lý bảo đảm là nước sạch…

Phân loại rác tại nguồn ở nông thôn có khả thi?

Về mặt lý thuyết, rõ ràng việc phân loại rác tại nguồn có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xử lý rác tại dự án. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu việc phân loại rác tại nguồn ở nông thôn có khả thi, khi mà ngay ở đô thị, nơi được coi là có dân trí cao hơn, người dân cũng chưa có ý thức, nhận thức về việc phân loại rác tại nguồn?

Tại buổi tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn ở xã Tú Sơn, chúng tôi ghi nhận được sự phản hồi khá khả quan.

Buổi tập huấn phân loại rác tại nguồn thu hút sự quan tâm của đông đảo bà con Tú Sơn.

Bà Bùi Thị Thảnh (ở thôn 4) cho biết bà không ngại khi nhà có đến 3 thùng rác thay vì chỉ 1 thùng rác. Bởi rác hữu cơ dễ phân hủy, gây mùi khó chịu thì đã được thu gom hàng ngày. Các loại rác còn lại, để 2-3 ngày được thu gom một lần cũng không sao. Hơn nữa, gia đình bà có ý thức hơn trong việc không bỏ đi lãng phí những loại rác tái sử dụng hoặc có thể bán lại cho cơ sở tái chế…

Ông Bùi Văn Bé (thôn 2 xã Tú Sơn) thì bày tỏ: Vì môi trường, cảnh quan của chính gia đình và làng quê mình, tôi sẽ gương mẫu thực hiện phân loại rác tại nguồn và vận động mọi người trong gia đình cùng bà con thôn xóm cùng thực hiện…

Với quan điểm việc phân loại rác tại nguồn sẽ giảm khối lượng CTR phải đem xử lý, sẽ giúp cho quá trình xử lý CTR hiệu quả hơn, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng: Điều quan trọng nhất để dự án thành công là tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân có ý thức trong phân loại rác đầu nguồn. Khi thấy rõ hiệu quả của dự án đối với đời sống hàng ngày, các hộ dân sẽ tự nguyện thực hiện như một quy định trong hương ước làng, cùng chung tay bảo vệ cuộc sống của chính gia đình và làng quê mình…

Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng: Điều quan trọng nhất để dự án thành công là tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân có ý thức trong phân loại rác đầu nguồn.

Ông Tuấn cũng cho rằng mô hình phân loại rác tại nguồn ở Tú Sơn sẽ thành công bởi khác với các mô hình khác, mô hình của dự án thống nhất một đơn vị thực hiện từ thu gom, vận chuyện đến xử lý, do vậy sẽ không có chuyện rác được phân loại đầu nguồn nhưng khi thu gom, vận chuyển lại bị trộn chung, làm giảm hiệu quả của hệ thống xử lý rác thải.

Chủ tịch UBND xã Tú Sơn Bùi Văn Tiếp cũng bày tỏ kỳ vọng: Với sự quyết tâm của các cấp, ngành, đoàn thể, sự hỗ trợ tích cực của các nhà khoa học trong nước và chuyên gia Nhật Bản, nhất là với sự đồng lòng, chung sức của mọi người dân trong xã, Tú Sơn sẽ thực hiện thắng lợi dự án phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đầu nguồn và bảo đảm tiêu chí môi trường, xử lý rác thải hiệu quả, vệ sinh. Dự án thành công sẽ giúp xã Tú Sơn đạt tiêu chí số 17 về môi trường trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới. Dự án đồng thời là điều kiện, cơ hội tốt nhất cho địa phương giải quyết những tồn tại, bức xúc về công tác môi trường, là tiền đề để nhân rộng, triển khai, hỗ trợ cho các đơn vị, địa phương khác trên địa bàn TP…

Quý Anh

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/hai-phong-xa-tu-son-tien-phong-phan-loai-rac-thai-sinh-hoat-tai-nguon.html