Hải Phòng: Nhiều hộ dân bức xúc trước bất cập của Dự án công viên cây xanh Thành phố

Dự án đầu tư xây dựng công viên cây xanh từ bến xe Tam Bạc (cũ) đến chân cầu đường bộ Tam Bạc (giai đoạn 2) đang gặp phải bức xúc từ các hộ dân Tổ 15-17 phường Cát Dài, quận Lê Chân, TP Hải Phòng về những bất cập chưa được làm rõ của Dự án này.

Báo PLVN điện tử nhận được nhiều đơn thư phản ánh của bạn đọc liên quan tới Quyết định số 1924/QĐ-UBND được UBND TP Hải Phòng phê duyệt ngày 19/09/2016 về việc di dời toàn bộ diện tích đất của 250 hộ dân, 8 cơ sở y tế và 1 trường mầm non của Quận nằm trong diện bị giải tỏa để triển khai Dự án đầu tư xây dựng công viên cây xanh từ bến xe Tam Bạc (cũ) đến chân cầu đường bộ Tam Bạc (giai đoạn 2).

Theo phản ánh của người dân thuộc khu vực này, quá trình triển khai dự án đã và đang xảy ra nhiều bất cập khi UBND TP quyết định phê duyệt và triển khai dự án khi chưa lấy ý kiến của người dân.

“Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến các cấp chính quyền tuy nhiên không được giải quyết thỏa đáng. Lẽ ra, sau chỉnh trang điều kiện sống của người dân phải được cao hơn trước nhưng việc bố trí tái định cư trong dự án lần này lại buộc chúng tôi phải chuyển từ trung tâm thành phố ra nơi hoang vu đồng ruộng, hạ tầng kỹ thuật còn chưa có, điều kiện sinh sống rất khó khăn” – một hộ dân thuộc diện giải tỏa cho biết.

Công viên cây xanh Tam Bạc, Hải Phòng (Ảnh : Internet)

Công viên cây xanh Tam Bạc, Hải Phòng (Ảnh : Internet)

Ông N.Đ.S – một người dân khác đang sinh sống tại khu phố Nguyễn Đức Cảnh cũng bức xúc chia sẻ: “Việc triển khai dự án công viên cây xanh đã gây nhiều bức xúc trong nhân dân, chính quyền đã không lắng nghe nguyện vọng của người dân, vội vàng triển khai dự án trong khi chưa bố trí chỗ ở tái định cư hợp lý, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các cơ sở y tế, giáo dục. Tai sao chính quyền không xây dựng cơ sở y tế, giáo dục trước rồi mới giải tỏa xây dựng công viên?”

Được biết, dự án triển khai khi bệnh viện mới chưa được xây dựng, các cơ sở y tế buộc phải di chuyển tạm đến địa điểm khác, cơ sở giáo dục mầm non đang phải thuê tạm nhà dân với diện tích khoảng 100 m2, không có sân chơi, lớp học nhỏ hẹp, điều này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng khám chữa bệnh của người dân mà còn khiến chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, giá đền bù cũng khiến người dân nơi đây bức xúc. “Với giá đền bù như hiện nay người dân chúng tôi khó chấp nhận, vì giá đất tại mặt đường thực tế hiện nay rất cao, chính quyền cần xem xét đến nguyện vọng chính đáng của người dân. Chúng tôi đang sinh sống tại trung tâm thành phố nên khi tái định cư cũng phải nơi gần trung tâm với những điều kiện sống cần thiết chứ không phải nơi hoang vu như khu tái định cư mà thành phố đang sắp xếp”- bà V.T.H, người dân khu phố NĐC cho biết thêm.

Báo PLVN đề nghị UBND TP. Hải Phòng vào cuộc giải quyết những khiếu nại để đảm bảo những quyền lợi hợp pháp cho người dân.

Theo Điều 20, 21, Mục 2, Luật quy hoạch đô thị:

Điều 20. Trách nhiệm lấy ý kiến về quy hoạch đô thị

1. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng quy định tại khoản 7 Điều 19 của Luật này có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị.

Ủy ban nhân dân có liên quan, tổ chức tư vấn lập quy hoạch có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng quy định tại khoản 7 Điều 19 của Luật này trong việc lấy ý kiến.

2. Đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến các bộ, cơ quan, tổ chức khác ở trung ương có liên quan; Ủy ban nhân dân có liên quan có trách nhiệm lấy ý kiến theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Tổ chức tư vấn lập quy hoạch có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về đồ án quy hoạch đô thị.

4. Các ý kiến đóng góp phải được tổng hợp đầy đủ, có giải trình, tiếp thu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi quyết định phê duyệt.

Điều 21. Hình thức, thời gian lấy ý kiến

1. Việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được thực hiện bằng hình thức gửi hồ sơ, tài liệu hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.

2. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung được thực hiện thông qua lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư bằng hình thức phát phiếu điều tra, phỏng vấn. Đại diện cộng đồng dân cư có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

3. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết được thực hiện bằng phiếu góp ý thông qua hình thức trưng bày công khai hoặc giới thiệu phương án quy hoạch trên phương tiện thông tin đại chúng.

4. Thời gian lấy ý kiến ít nhất là 15 ngày đối với cơ quan, 30 ngày đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư.

Hải Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/hai-phong-nhieu-ho-dan-buc-xuc-truoc-bat-cap-cua-du-an-cong-vien-cay-xanh-thanh-pho-307901.html