Hải Phòng: Nguy cơ cháy, nổ các chợ rất cao

Hải Phòng hiện có 154 chợ lớn nhỏ, hầu hết cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, nhất là 3 chợ lớn (Ga, Tam Bạc, An Dương) các tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trước đây đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay.

Cổng chợ An Dương bị lấn chiếm bán hàng. Ảnh: Kim Thành

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, các quận, huyện đã tổ chức rà soát, đánh giá theo 20 tiêu chí chợ kiểu mẫu. Khu vực nội thành có 52 chợ, ngoại thành có 102 chợ, trong đó 3 chợ lớn của TP (chợ Ga, chợ Tam Bạc, chợ An Dương) đều có khối lượng hàng hóa giao dịch rất lớn, đa dạng về chủng loại, giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tập trung phân bố đều trên toàn bộ mặt bằng trong chợ nhưng cơ sở hạ tầng đã xuống cấp nghiêm trọng, lối đi chính bị lấn chiếm bày bán các loại hàng hóa, gây cản trở lối thoát nạn, làm gia tăng khả năng cháy lan nhanh khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Hầu hết các chợ trên địa bàn TP đều chưa được đầu tư lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, chữa cháy tự động, các phương tiện chữa cháy xách tay còn thiếu theo quy định của pháp luật hiện hành. Các chế độ bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy chưa theo quy định, chưa tổ chức kiểm tra chất lượng theo định kỳ, nhất là về đêm, việc tổ chức, bố trí lực lượng chữa cháy tại chỗ còn mỏng.

Nhiều chợ hệ thống điện chiếu sáng, điện kinh doanh và điện cho hệ thống PCCC đấu chung, không tách riêng biệt theo quy định do được thiết kế, lắp đặt, sử dụng đã lâu, ít được đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa nên đã xuống cấp, thiếu đồng bộ. Tình trạng các hộ kinh doanh tự ý đấu mắc điện không theo thiết kế ban đầu đã làm tăng phụ tải dẫn đến quá tải, nguy cơ cháy, nổ rất cao. Ngoài ra, các vị trí chuyển hướng, các chợ còn chưa trang bị đèn chiếu sáng chỉ dẫn thoát nạn.

Năm 2016, mỗi quận, huyện được cấp kinh phí cho hoạt động PCCC từ 150 đến 200 triệu đồng; mỗi phường, xã được cấp kinh phí cho hoạt động PCCC là 20 triệu đồng (năm 2015 cấp xã được cấp 10 triệu/xã, phường). Nhiều quận, huyện, phường, xã được cấp kinh phí song phân bổ đầu tư dàn trải, không tập trung cho việc xây dựng chợ kiểu mẫu đạt chuẩn về PCCC.

Để thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn về PCCC bảo vệ tính mạng, tài sản của các hộ kinh doanh, ban quản lý các chợ đã huy động nguồn kinh phí xã hội hóa. Tuy nhiên, nguồn lực ít, công tác đầu tư cải tạo sửa chữa chắp vá không đáng kể nên không đáp ứng được yêu cầu mỹ quan và an toàn về PCCC.

Việc hướng dẫn chuyển đổi mô hình đầu tư quản lý phát triển chợ chưa kịp thời để các địa phương tự thực hiện. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp ngại đầu tư trong lĩnh vực này vì khai thác kinh doanh không hiệu quả do chưa có cơ chế chính sách phù hợp.

Bà Vũ Thị Hà, chủ quầy tại chợ Ga nói: Các chợ được hình thành từ thập niên 60, 70 của thế kỷ trước với quy mô, mật độ nhu cầu còn thấp. Đến nay nhu cầu mua sắm tăng, hàng hóa ngày càng đa dạng, nhiều chủng loại, người tham gia mua, bán ngày càng đông nhưng cơ sở vật chất của chợ không được nâng cấp, cải tạo đáp ứng điều kiện thực tế nên các hộ kinh doanh tự ý cơi nới, lấn chiếm lòng đường, tự làm chống nóng, chống dột bằng vật liệu dễ cháy và tự đấu mắc thêm các thiết bị tiêu thụ điện dẫn đến nhiều sai phạm không đảm bảo yêu cầu, mất mỹ quan.Tình trạng “chợ hóa” các tuyến đường xung quanh chợ gây khó khăn rất lớn cho xe chữa cháy di chuyển khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Sau 2 năm xây dựng chợ kiểu mẫu đạt chuẩn về PCCC, Hải Phòng đã có 5 chợ đạt đủ 20 tiêu chí. Hầu hết các chợ còn lại trên địa bàn đã có chuyển biến tích cực, nâng số tiêu chí an toàn PCCC từ 0 lên 7, 8; một số chợ nâng đến 16, 17 tiêu chí an toàn. Tuy nhiên, nhiều kiến nghị của cảnh sát PCCC đến các cấp quản lý chợ chưa đượckhắc phục nên nguy cơ mất an toàn, chưa đảm bảo yêu cầu về PCCC theo quy định dẫn đến cháy, nổ ở các chợ rất cao.

Kim Thành

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/hai-phong-nguy-co-chay-no-cac-cho-rat-cao_t114c1159n111233