Hải Phòng: Hành lang đê 'là' đất công ích?

Cuối năm 2015, UBND xã Đồng Thái, huyện An Dương đã ký lại hàng loạt hợp đồng giao đất công ích, bao gồm cả một phần đất thuộc hàng lang đê điều cho nhiều hộ dân. Do công tác quản lý yếu kém nên chính quyền nơi đây “đã để” người dân xây dựng nhà ở, công trình kiên cố, làm biến dạng đê, gây ô nhiễm môi trường. .. Biết rõ sai phạm nhưng chính quyền sở tại đã không xử lý dứt điểm vì “coi trọng” mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm… Không những vậy, lãnh đạo xã còn khẳng định “chắc chắn như đinh đóng cột” rằng “hành lang đê là đất công ích”?.

Dọc theo đê tả sông Lạch Tray, đoạn KM 18+ 000, thuộc địa bàn thôn Hoàng Mai, xã Đồng Thái, huyện An Dương hiện có khoảng hơn 20 hộ đang trồng cấy, chăn nuôi, xây dựng nhà ở kiên cố...theo hợp đồng thuê đất mới được ký kết vào tháng 12/ 2015.

Theo tìm hiểu, trong phần diện tích đất công ích giao cho người dân sử dụng bao gồm cả phần đất hành lang bảo vệ đê điều nhưng chính quyền đã “tự công nhận” là đất công ích (5%).

Một ngôi nhà được xây dựng sát bờ đê

Theo ông Nguyễn Văn Thùy, Chủ tịch UBND xã xác nhận: “đây là thực trạng tồn tại từ trước đến nay, từ đời lãnh đạo này sang đời lãnh đạo khác, khi hết thời hạn hợp đồng, chúng tôi ký kết lại để không làm gián đoạn sản xuất của bà con”.

Anh Nguyễn Văn Nam, một trong những người may mắn được “ra đê” nuôi lợn, cá, trồng cây từ năm 2007 cho biết: “Khi ấy, thủ tục đơn giản hơn vì chỉ cần đơn viết tay và ký hợp đồng thuê đất với thôn là yên tâm sản xuất. Cuối năm 2015, cũng với diện tích hơn 01 mẫu, tôi được mời lên xã ký hợp đồng mới. Tôi đã xây nhà và cùng với gia đình sinh sống tại đây từ đó đến nay”.

Cũng nhờ vào sự “ưu ái” của chính quyền xã từ năm 2006, nên “Hàng xóm” của anh Nam là hộ gia đình anh Nguyễn Văn Hiệp cũng được “sở hữu” 04 sào đất để xây dựng trang trại.

Gặp PV, chị Hà (vợ anh Hiệp) phấn khởi khoe hợp đồng “mới tinh” vừa được ông Chủ tịch xã “trao”. Ngay tại thời điểm được giao đất, gia đình anh Hiệp đã xây dựng chuồng trại. Không những vậy, hiện nay, anh Hiệp đang tiếp tục xây thêm ngôi nhà kiên cố, rộng khoảng hơn100m2, chờ ngày lành, tháng tốt để đổ mái và có ý định sẽ xây thêm tầng 2.

Ngôi nhà đang được gia đình anh Hiệp xây dựng

Chị Hà thật thà kể: “từ các ô, chuồng nuôi gà, lợn, nguồn nước thải được xả trực tiếp xuống kênh nội đồng nên thi thoảng bị cơ quan Thanh tra thủy lợi đến kiểm tra, lập biên bản và xử phạt hành chính”.

Trao đổi về việc anh Hiệp xây dựng nhà ở trái phép trên đất hành lang đê, ông Thùy khẳng định: “anh Hiệp đã làm đơn xin xây dựng thêm lán trại để tăng gia sản xuất, nhưng thực tế họ xây dựng nhà ở kiên cố là sai quy định. Chúng tôi đã kiểm tra, mời anh Hiệp lên xã xử phạt hànhchính”.

Ông Thùy cũng khẳng định thêm: “tất cả có khoảng trên 20 hợp đồng mới được ký kết và đã giao cho người dân giữ 01 bản. Mục địch cho thuê đất thể hiện rõ trong hợp đồng, với thời hạn 05 năm. Trong quá trình sản xuất, chăn nuôi, người dân đã tự ý chuyển đổi mục địch sử dụng và xả thải trực tiếp ra môi trường đều đã bị xã kiểm tra, nhắc nhở, thậm chí đã xử phạt hành chính song đâu lại vào đó”.

Rác thải trên mặt đê

Như vậy, hiện nay nhà ở kiên cố, “nơi sinh hoạt của hộ gia đình” không còn là hình ảnh xa lạ trên đê tả sông Lạch Tray, đoạn qua địa bàn xã Hồng Thái. Chỉ cần có hợp đồng thuê đất ký với UBND xã, người dân liền “ngầm bảo nhau” xây nhà ở, lán trại kiên cố mà không hề bị chính quyền “tuýt còi”.

Được biết, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến cử tri đã thẳng thắn, đề nghị chính quyền sở tại kiên quyết xử lý nghiêm túc hành vi vi phạm nói trên nhưng đều không mang lại kết quả. Điều này, đang gây bức xúc cho dư luận.

Lý do vì sao khó xử lý,ông Thùy biện minh: “ngoài việc tuyên truyền,nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về bảo vệ hành lang đê điều, chính quyền xã có đủ thẩm quyền, kiên quyết xử lý và chấm dứt vi phạm ngay từ những viên gạch đầu tiên, nhưng khó vì trong cái lý còn có cái tình, chúng tôi không dám xem thường tình làng, nghĩa xóm”

Làm rõ thêm về ranh giới giữa đất 5% và đất hàng lang đê điều, ông Mai Thanh Tuấn (Phó Chủ tịch xã) khẳng định: “đất trong và ngoài hành lang đê gọi chung là đất 5% , từ rất lâu đã chongười dân thuê để phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong quá trình sử dụng, họ đã tự ý chuyển đổi mục đích, việc này chính quyền biết nhưng khó xử lý sai phạm vì người dân cố tình”

Trao đổi với ông Phạm Văn Sinh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện An Dương, được biết: “xã Đồng Thái có đủ thẩm quyền cho thuê đất 5%, phần đất hành lang đê tuy có nằm trong hợp đồng cũng chỉ sử dụng làm lối đi nhỏ, tuyệt đối không được phép sử dụng vào việc NTTS, xây dựng nhà ở, lán, trại chăn nuôi. Tới đây,huyện sẽ rà soát lại tính pháp lý của các hợp đồng và kiên quyết xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm Luật đê điều”.

Theo ghi nhận của PV, hiện nay, dọc theo tuyến đê tả sông Lạch Tray thuộc địa phận xã Đồng Thái đã thành nơi sinh sống, làm ăn khá “ổn định” của gần 30 hộ dân. Không những vậy, hàng ngày, hàng giờ bờ đê phải “oằn mình” chống lại sức ép bởi xe trọng tải, xe chuyên chở vật liệu xây dựng, khiến mặt đê lồi lõm, thành các ổ voi, ổ gà...việc đi lại ngày càng khó khăn hơn, nguy hiểm hơn.

Dư luận đặt ra câu hỏi chính quyền sở tại đang ở đâu, làm gì trong khi đê, hành lang đê đang bị xâm phạm nghiêm trọng?

Phương Thảo

Nguồn Tầm Nhìn: http://tamnhin.net/hai-phong-hanh-lang-de-la-dat-cong-ich-144047.html