Hải Phòng: Cực tăng trưởng kinh tế quan trọng

Thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa- hiện đại hóa”, bằng rất nhiều nỗ lực, ngành Công Thương Hải Phòng đã góp phần không nhỏ vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hải Phòng.

CôngThương - Tiếp đó đưa Hải Phòng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế động lực phía Bắc.

Công nghiệp liên tục tăng trưởng

TP. Hải Phòng là nơi có thể đầu tư phát triển hầu hết các ngành công nghiệp. Xét trên toàn khu vực đồng bằng sông Hồng, khu vực tuyến hành lang kinh tế thì Hải Phòng được coi như một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất hàng hóa. Đây là những điều kiện thuận lợi để số lượng doanh nghiệp (DN) công nghiệp của Hải Phòng tăng nhanh từ 572 DN năm 2003 lên 1.897 DN năm 2012, bình quân tăng thêm trên 132 DN/năm. Đã xuất hiện nhiều DN có quy mô vốn trên 500 tỷ đồng, đặc biệt có một số DN có quy mô vốn hàng nghìn tỷ đồng. Thu hút lao động tăng nhanh theo các năm, từ 150.499 người năm 2003 lên 224.545 người năm 2012, tính bình quân mỗi năm tăng thêm trên 7.400 người.

Giá trị sản xuất công nghiệp của Hải Phòng tăng trưởng liên tục, từ 15.580,6 tỷ đồng năm 2003 lên 50.456 tỷ đồng năm 2012- gấp 3,8 lần so với trước khi có Nghị quyết số 32-NQ/TW, đứng thứ 7 về giá trị sản xuất công nghiệp so với công nghiệp cả nước, đứng thứ 3 so với vùng kinh tế Bắc bộ và cả khu vực miền Bắc.

Những ngành, sản phẩm công nghiệp có vai trò đầu tàu, có tỷ trọng lớn trong vùng, cả nước phải kể đến: công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, sản xuất thép xây dựng, sản xuất xi măng, da giầy - dệt may. Trong đó, ngành đóng và sửa chữa tàu có giá trị sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 55-60% giá trị sản xuất công nghiệp của Tập đoàn CN Tàu thủy Việt Nam, đáp ứng được 40-45% nhu cầu tàu đóng mới tàu biển của cả nước, góp phần giúp Hải Phòng giữ vững vai trò là một trong ba Trung tâm đóng tàu lớn của cả nước.

Công ty CP Nhựa Tiền Phong hiện là DN sản xuất nhựa xây dựng và nhựa dân dụng lớn nhất Việt Nam, năng lực sản xuất khoảng 75.000 tấn sản phẩm các loại/năm, chiếm 25% thị phần ống nhựa cả nước và 65% thị phần khu vực phía Bắc.

Công ty CP Sơn Hải Phòng là nhà cung cấp hàng đầu về sơn tàu biển tại Việt Nam, năng lực sản xuất khoảng 15.000 tấn sản phẩm/năm, hiện chiếm hơn 70% thị trường sơn tàu biển và công trình biển tại Việt Nam. Tổng công suất thiết kế ngành thép xây dựng Hải Phòng khoảng 1,334 triệu tấn/năm, sản lượng sản xuất năm 2012 đạt 1,172 triệu tấn, chiếm 18,7% tỷ trọng sản phẩm thép cán của cả nước (cả nước sản xuất được 6,263 triệu tấn). Công ty xi măng Chinfon và Công ty xi măng Hải Phòng hiện đang là các DN đứng vào Top đầu các DN xi măng cả nước.

Hoạt động thương mại liên tục bứt phá

Với mục tiêu xây dựng “Hải Phòng là trung tâm thương mại lớn của cả nước”; là trung tâm dịch vụ của vùng duyên hải Bắc bộ”, 10 năm qua, Hải Phòng đã đầu tư cải tạo và xây dựng mới là 50 chợ với số vốn đầu tư: 330 tỷ đồng. Đến năm 2012, toàn thành phố có tổng số 143 chợ. Hệ thống chợ đã đóng vai trò là kênh phân phối hàng hóa quan trọng, phủ khắp các phường, xã, quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, các dự án đầu t­ư phát triển thư­ơng mại đã được đầu t­ư tương đối đồng đều trên địa bàn thành phố. Đến nay, thành phố đã hình thành hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đáp ứng cơ bản nhu cầu mua sắm của các tầng lớp dân cư gồm: 12 siêu thị, trong đó có 2 siêu thị loại 1 (siêu thị Big C Hải Phòng, siêu thị Metro Hồng Bàng), 7 trung tâm thương mại loại vừa và nhỏ, trong đó có 1 trung tâm thương mại cấp quốc gia là TD Plaza.

So với thời kỳ trước năm 2003, số lượng trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố tăng tương ứng là 3,5 và 3,6 lần, đặc biệt là số vốn đầu tư tăng gấp 3,75 lần, phần nào đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, mua sắm ngày càng cao của nhân dân thành phố và phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Cùng với đó, số lượng DN kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố năm 2012 khoảng 2.660 DN tăng 292% so với trước năm 2003, thu hút khoảng 31.630 lao động tăng 56% so với trước năm 2003. Nộp ngân sách của các DN thương mại năm 2012 khoảng 3.225 tỷ đồng tăng 575% so với trước năm 2003. Năm 2012, TP.Hải Phòng có 33 Hợp tác xã Thương mại – dịch vụ với số vốn góp trên 23,7 tỷ đồng, tăng 32% so với trước năm 2003.

Hoạt động của các DN kinh doanh thương mại và các HTX đã góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ Hải Phòng từ 7.707,2 tỷ đồng (năm 2003) - đứng thứ 4 vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 24 cả nước, tăng lên 51.371,8 tỷ đồng năm 2012 - đứng thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 6 cả nước.

Xuất nhập khẩu: Đứng thứ hai khu vực miền Bắc

Kim ngạch xuất khẩu (XK) của thành phố giai đoạn trước năm 2003 tương đối thấp (năm 1995 là 146,2 triệu USD, năm 2002 là 481,7 triệu USD), tốc độ tăng trưởng chỉ dao động quanh mức 2,1% - 2,9%/năm. Từ năm 2003 đến nay, XK của Hải Phòng tương đối phát triển, kim ngạch XK đạt trên 1 tỷ USD vào năm 2006 (đứng thứ 2 khu vực miền Bắc, chỉ sau Hà Nội, đứng thứ 5 toàn quốc) và 2,6 tỷ USD vào năm 2012. Tốc độ tăng trưởng bình quân của giai đoạn 2003 -2012 đạt 18,5%/năm, kim ngạch XK năm 2012 đứng thứ 3 miền Bắc (sau Hà Nội, Bắc Ninh) - đứng thứ 7 cả nước sau (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh).

Hiện tại, các nước và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và thị trường các nước thành viên APEC là các thị trường xuất khẩu chủ lực của Hải Phòng, chiếm tới 53,6% trong tỷ trọng kim ngạch XK của thành phố. Đến năm 2012, Hải Phòng đã hình thành 5 nhóm măt hàng chủ lực với 25-30 sản phẩm có kim ngạch XK cao, như: sửa chữa tàu biển, sản phẩm cơ khí siêu trư­ờng siêu trọng, sơn các loại, các chi tiết rô bốt, nhựa PVC các loại, giày cao cấp, sản phẩm dệt may, ắc qui các loại, giấy lụa, giấy đế, cao su kỹ thuật, thảm len, cáp điện, thủy sản đông lạnh, thịt lợn, linh kiện điện tử… nhiều mặt hàng đạt giá trị kim ngạch XK trên 100 triệu USD. Trong số đó, chỉ riêng mặt hàng giầy dép và dệt may đã đạt 917 triệu USD.

Từ 50 DN hoạt động XNK năm 2003, đến năm 2012 Hải Phòng đã có trên 1.300 DN thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động XNK. Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, từ 50 nước vào năm 2000 tăng lên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2006 và 82 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vào năm 2012.

Các chủ thể tham gia hoạt động XNK không ngừng được mở rộng, đa dạng hóa và tăng nhanh, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân và khu vực FDI. Khu vực FDI đã đạt tốc độ tăng trưởng cao trong XK, bình quân đạt trên 30%/năm, chiếm tỷ trọng lớn và là động lực quan trọng đối với tăng trưởng XK của thành phố.

Giai đoạn 2003 -2013, thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW, song song với hoạt động ngoại thương thì các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế - dịch vụ thu ngoại tệ (dịch vụ cảng biển, Logistic và dịch vụ cung ứng tầu biển; du lịch, tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng) đã có bước đột phá và phát triển mạnh, đặc biệt là dịch vụ Logistic… với mức tăng trưởng cao hàng năm (10-15%), góp phần đẩy nhanh quy mô và tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố và chuyển đổi cơ cấu trong GDP theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành kinh tế dịch vụ.

Thu Hoài

PHẢN HỒI

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/dia-phuong/46466/hai-phong-cuc-tang-truong-kinh-te-quan-trong.htm