Hải Phòng chuẩn bị ứng phó siêu bão số 10

GiadinhNet – Trước diễn biến phức tạp và sức ảnh hưởng lớn từ cơn bão số 10, UBND TP.Hải Phòng đã gửi công điện yêu cầu các đơn vị tích cực, khẩn trương chỉ đạo phòng chống, ứng phó với siêu bão.

Bão số 10 (tên quốc tế Doksuri) được xác định là cơn bão mạnh, có sức ảnh hưởng lớn đến nhiều khu vực trong cả nước.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn TW, đến 4 giờ ngày 15/9 vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nghệ An - Quảng Trị khoảng 190 km về phía đông. Đến trưa, chiều ngày 15/9, trên đất liền ven biển các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quản Bình, Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 10-12, giật cấp 15; các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 (cấp cao nhất từ trước đến nay, chỉ sau cấp độ thảm họa thiên tai - cấp 5). Khu vực các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Tại Hải Phòng, Chủ tịch UBND Thành phố đã có công điện gửi các đơn vị trên địa bàn thành phố về việc phòng chống bão số 10. Theo đó, TP.Hải Phòng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, quận và thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ phòng chống bão.

Tính đến 5 giờ ngày 14/9, theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, toàn thành phố đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho 2.504 phương tiện, với trên 7.000 lao động đang hoạt động, neo đậu tại các bến để chủ động phòng tránh; trong đó có 238 phương tiện, với 1.245 lao động xa bờ; 570 phương tiện với 1.676 lao động ven bờ...

Ngoài ra, theo quan sát của Đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ, trạm Ra đa Hải quân, có 180 phương tiện đang hoạt động quanh đảo Bạch Long Vĩ, cách từ 7 đến 15 hải lý. Toàn thành phố đã huy động 48.585 người tham gia xung kích hộ đê, PCTT&TKCN; 1.198 xe ô tô các loại; 337 tàu, xuồng; 132 xe cẩu, xúc, xe thang; 169 máy phát điện; hàng nghìn m3 đất, cát, đá hộc; 806 tấn lương thực...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Phạm Văn Hà chỉ đạo công tác, phòng chống ứng phó cơn bão số 10.

Thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Bạch Long Vỹ, đến 18 giờ ngày 14.9, các tàu thuyền đã neo đậu an toàn tại âu cảng Bạch Long Vỹ, không còn phương tiện nào ngoài biển.

Còn tại quận Đồ Sơn, đến 15 giờ chiều 14/9, 249 tàu thuyền hoạt động tại vùng biển Đồ Sơn gồm 172 tàu của ngư dân Đồ Sơn và 77 tàu của ngư dân các địa phương khác về neo đậu an toàn tại bến cá Ngọc Hải, cống Họng và cống Cổ Tiểu. 4 tàu cá của quận neo đậu tại các bến cá khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. 10 chủ ao, đầm nuôi thủy sản, chòi nuôi ngao được khẩn trương di dời vào vị trí an toàn; UBND quận thực hiện lệnh cấm biển từ 15 giờ chiều. 7,9 km đê biển (cấp 2) được đầu tư xây dựng kết cấu bê tông, chất lượng đê điều được đánh giá tương đối tốt, có thể chịu được bão đổ bộ cấp 9, cấp 10.

Tại huyện Cát Hải, đến 17 giờ ngày 14/9, trên 1.198 tàu, thuyền (trong đó có du lịch, khai thác, dịch vụ thủy sản, vận tải hành khách) với 3.302 người vào nơi neo đậu, tránh trú an toàn. Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện tổ chức di dời 25 bè với 260 ô lồng tại khu vực vịnh Cát Bà về vị trí an toàn và yêu cầu các đơn vị liên quan sẵn sàng triển khai phương án di dời tại các vị trí xung yếu.

Huyện Cát Hải cũng chủ động phương án ứng cứu một số tuyến đê như: Văn Chấn - Hoàng Châu, Nghĩa Lộ, đê đất phía Nam xã Phù Long có cao trình đỉnh đê thấp, mặt đê nhỏ, mái bị bào mòn, có nguy cơ nước biển tràn qua khi có bão kết hợp với triều cường.

Công văn cũng yêu cầu UBND quận/huyện tăng cường các biện pháp thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bão, bảo vệ an toàn về người và tài sản. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố.

Khánh Hòa

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/hai-phong-chuan-bi-ung-pho-sieu-bao-so-10-20170914223034356.htm