Hải Phòng: Cầu vòm thép đầu tiên đã hoàn thành và đưa vào sử dụng

Thành phố Hải Phòng vừa thông xe cầu Niệm 1. Đây là một việc có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thành phố Hải Phòng vừa thông xe cầu Niệm 1. Đây là một việc có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội: giảm ùn tắc giao thông; tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông thủy, giao thông bộ; kết nối phía khu vực nội thành Hải Phòng với các quận, huyện cửa ngõ phía Tây Nam thành phố. Cầu được kết cấu với kiểu dáng thanh mảnh mang nét kiến trúc độc đáo đã góp phần tạo mỹ quan khác biệt cho đô thị Hải Phòng.

Sau 18 tháng vất vả thi công, vừa qua tại thành phố Hải Phòng, hạng mục nâng cấp cầu Niệm thuộc gói thầu CW5A, Dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng đã hoàn thành và thông xe lúc 0 giờ ngày 17/10. Cầu Niệm nối Quận Kiến An (qua sông Lạch Tray) với Quận Lê Chân, đồng thời nối các huyện ngoại thành như An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo với trung tâm thành phố Hải Phòng, phục vụ hàng vạn người qua lại mỗi ngày.

Cầu Niệm 1, Hải Phòng

Cầu có chiều dài 228,5m, chiều rộng 15,5m; trong đó nhịp cầu giữa sông kết cấu dàn thép dài 63,1m sử dụng thanh treo Macalloy. Các nhịp biên dầm bê tông cốt thép dự ứng lực; trong đó có 24 dầm I24m, 08 dầm I33m. Bố trí sơ đồ nhịp: 33m + 2x24m + 63,1m + 3x24m. Chiều rộng cầu 15,5m trong đó: phần làn xe cơ giới rộng 2x3,5=7,0m; phần làn xe thô sơ rộng 2x2,5=5,0m; phần lề đi bộ rộng 2x1,5=3,0m; phần bên lan can biên rộng 2x0,25=0,5m.

Đại diện Ban quản lý dự án khu vực các công trình giao thông vận tải thuộc Sở Giao thông vận tải Hải Phòng cho biết: Theo Hồ sơ thiết kế kỹ thuật gói thầu CW5A được Sở Giao thông vận tải Hải Phòng phê duyệt tại Quyết định số 256/QĐ-SGTVT với tổng số vốn 210 tỷ đồng, vì cầu Niệm là cầu vòm thép nên việc thi công phải được tổ chức rất chặt chẽ.

Để đảm bảo an toàn và giảm chi phí xây dựng cầu Niệm 1, hai trụ cầu giữa sông đã được đơn vị thuê chuyên gia Nhật Bản kiểm định mất 6 tháng mới đưa ra quyết định phá dỡ toàn bộ cầu cũ, chỉ giữ lại 02 trụ giữa sông (trụ P4, P5). Việc này đã tiết kiệm được một nửa kinh phí xây dựng cầu.

Sau khi cải tạo, cầu Niệm được nâng cấp là cây cầu vĩnh cửu, đáp ứng được các phương tiện trọng tải lớn qua lại bởi kết cấu tổ hợp dầm thép, trên đổ bê tông và thảm nhựa át-phan. So với các loại cầu khác, cầu vòm thép này có hệ giàn treo, sử dụng thanh treo Macalloy, chịu lực chính không phải là dầm ở dưới cầu mà là vòm thép phía trên như gánh quang gánh.

Giàn thép có tác dụng giảm tỷ trọng bản thân của cầu, nâng cao tĩnh không - thông thuyền thêm khoảng 1,5m thành khoảng 7m nhằm giúp các loại tàu bè qua lại không bị vướng; giảm tối đa sự va chạm vào dầm cầu…Đặc trưng của cầu chính là tổ hợp dầm thép nặng hơn 160 tấn, được gác lên 2 trụ cầu. Nếu như theo cách xây cầu truyền thống, kết cấu bê tông tiến ra hai bên tính từ 2 trụ trên sông, khi chập nhau sẽ hợp long. Nhưng ở cầu Niệm 1, sau khi hoàn thiện 2 trụ cầu, một tổ hợp dầm thép sẽ gác lên. Sau khi gác xong cũng là hợp long.

Do đặc trưng của cầu Niệm có vòm kết hợp với các thanh giằng nên thời gian tính toán về độ an toàn phải mất nhiều ngày. Để đảm bảo tuyệt đối về an toàn, đơn vị thi công phải siêu âm các mối hàn, chỉnh nội lực của các thanh giằng cho chuẩn rồi mới bước vào giai đoạn nước rút hoàn thiện.

Là cây cầu vòm thép đầu tiên tại Hải Phòng, cây cầu thứ ba xây dựng theo kết cấu cầu vòm thép ở Việt Nam, sau cầu Đông Trù (Hà Nội), cầu Bình Lợi (TP Hồ Chí Minh), cầu Niệm 1 đã tạo điểm nhấn cho kiến trúc đô thị Hải Phòng, được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới đất nước ta trong giai đoạn hiện nay và mai sau.

Thành Long - My My/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/hai-phong-cau-vom-thep-dau-tien-da-hoan-thanh-va-dua-vao-su-dung-p42225.html