Cuộc đời tươi đẹp này, con hãy sống hộ cả phần của mẹ!

Họ chấp nhận cái chết để hoàn thành thiên chức người mẹ. Mong con sống khỏe mạnh với cuộc đời tươi đẹp này.

Hai người mẹ đánh đổi tính mạng để sinh con

Hình ảnh Trâm tươi trẻ, năng động đời thường khiến nhiều người không khỏi xót xa

Hình ảnh Trâm tươi trẻ, năng động đời thường khiến nhiều người không khỏi xót xa

Những ngày này, nhiều giọt nước mắt đã rơi thay cho lời chào tạm biệt người mẹ, người chiến sĩ dũng cảm Đậu Thị Huyền Trâm. Ngày biết tin mình được làm mẹ, cũng là lúc người phụ nữ 25 tuổi nhận hung tin mắc căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối... Người mẹ từ chối mọi biện pháp điều trị để bảo vệ tính mạng con.

Đậu Thị Huyền Trâm mồ côi cha, một mình mẹ nuôi cô khôn lớn. Trâm từng chia sẻ: "Từ bé con lớn lên trong truyền thống gia đình là Công an, dù luôn nghĩ rằng mình không vào được đâu, nhưng mỗi lần nhìn vào bộ đồ của bố mẹ treo ở tủ cạnh bàn thờ bố, con càng ao ước được học trường bố học, mặc màu áo bố mặc, kiểu như để an ủi mình mình cũng có kỷ niệm về bố dù khi bố mất con còn đỏ hỏn. Mất 2 lần để thực hiện một giấc mơ, nỗi đau khi thất bại không là gì khi đến được thành công".

Chị Trâm lạc quan trong bệnh viện.

Khi mang thai con đầu lòng được 5 tháng, Đậu Thị Huyền Trâm phát hiện mình mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Cô từng nghẹn ngào hồi tưởng lại: "Thế rồi ra trường, đi làm được mấy tháng, quen, yêu rồi lấy chồng. Tính ra cuộc đời mình chưa làm được gì, chưa biết gì. Mình lấy về có bầu liền, cả nội ngoại vui trông thấy, được một cu cậu, mình lại thấy cái hạnh phúc, tự hào đó ở mọi người. Đáng lẽ cuốn sách chỉ nên dừng ở đó và happy ending. Nhưng mình phát hiện ra tế bào ung thư khi mang thai tháng thứ 5, ung thư giai đoạn cuối. Sức khỏe mình, mình biết chứ, nhưng nhiều người thương mình cố giấu. Rồi sau tất cả, chấp nhận và cùng bên mình chữa trị".

Lúc này, các tế bào ung thư đã tràn ra khắp cơ thể, di căn vào gan, tim. Tuy nhiên, để bảo vệ tính mạng con, Trâm từ chối mọi phương pháp điều trị. Chị nhập viện vào cuối tháng 6, khi thai kỳ đang ở tuần thứ 25, tình trạng của Trâm đã rất nguy kịch. Hạch dày đặc quanh cổ, tràn dịch màng phổi. Các bác sĩ tại bệnh viện K đã chuyển chị đến khoa Gây mê hồi sức và cho bệnh nhân thở oxy. 4 tuần sau, sức khỏe của Trâm có dấu hiệu sụt giảm trầm trọng, suy hô hấp tăng dần, các bác sĩ của Bệnh viện K và Bệnh viện Phụ sản đã quyết định phối hợp và thực hiện mổ lấy thai, nhằm tránh trường hợp rủi ro nhất xảy ra với cả hai mẹ con.

Chị Trâm gặp mặt con lần đầu cũng là lần cuối.

Ca mổ được thực hiện vào ngày 10/7. Bé Gấu sau khi sinh được chuyển đến Bệnh viện Phụ sản chăm sóc. Bé nặng 1,2 kg. Trước khi mất, Trâm được các bác sĩ cho san Bệnh viện Phụ sản để gặp con trong một tiếng rưỡi.

"Đã có mẹ đây rồi, con phải mạnh mẽ nghe chưa. Mạnh mẽ, đồng hành cùng mẹ nghe con. Dù mẹ không ở gần... nhưng mẹ con ta vẫn có thần giao cách cảm từ hồi em ở trong bụng mẹ đó!", đó là lời thủ thỉ của chị Trâm với bé Gấu khi được nhìn thấy con khiến nhiều người không cầm được nước mắt.

Vượt qua bao nhiêu khó khăn, những đau đớn của bệnh tật cùng sự hi sinh lớn lao của người mẹ, bé Gấu đã chào đời khi thai nhi ở tuần 28. Thiếu úy Trâm ra đi khi Gấu mới tròn 25 ngày tuổi. Tất cả những ước muốn dở dang, những điều chị muốn thực hiện cho gia đình cho con trai bé bỏng của mình vẫn đang còn để ngỏ.

Khác với Trâm có gia đình và chồng bên cạnh, Thủy sinh ra trong một gia đình nghèo ở Cái Răng (Cần Thơ). 22 tuổi, cô tin và yêu một người đàn ông ở gần nhà nhưng bị phụ tình. Ngày Thủy báo tin cô mang thai cũng là lúc anh ta quay lưng bỏ đi. Gia đình Thủy buộc phải rời quê lên Sài Gòn kiếm sống để tránh xóm làng dị nghị.

Trong lúc mang thai, Thủy đi khám và được thông báo, cô mắc bệnh hở van tim ba lá và một số bệnh lý tim mạch khác. Bác sĩ tư vấn "hoặc bỏ thai, hoặc nếu sinh con thì dễ bị biến chứng có thể dẫn đến tử vong". Thủy suy nghĩ và tâm sự với mẹ, cuối cùng cô quyết định "có chết cũng giữ con".

Người khỏe mạnh bình thường mang bầu đã vất vả, Thủy vật vã ốm nghén, khi khoảng cô lại lên cơn tức ngực do bệnh tim. Cô mong chờ từng ngày đến lúc con chào đời để yên tâm "nhắm mắt xuôi tay". Tháng thứ 8, Thủy thấy cơ thể mệt mỏi, toàn thân phù nề. Nhận thấy tình trạng bệnh nhân nguy kịch, các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ quyết định mổ bắt con.

Bà ngoại sẽ thay mẹ Thủy nuôi bé Như Ý lớn khôn.

Bé Như Ý chào đời, do sinh non nên chỉ nặng 1,2 kg. Thủy cố gắng cho con bú như bao người mẹ khác. Nhưng sức khỏe của cô ngày càng yếu dần đi. Thủy ở bên con được đúng một tháng 10 ngày. Một ngày cuối tháng 6, Thủy kiệt sức và hôn mê. Khi được đưa đến bệnh viện, Thủy được chẩn đoán biến chứng tim khiến tràn dịch màng tim, dẫn đến suy hô hấp nặng. Cô được thở ô xy và qua đời một ngày sau đó.

Bé Như Ý, con của Thủy, hiện được bà ngoại chăm sóc. Chồng của bà Lê, mẹ Thủy, ngày ngày đi bán keo dính côn trùng ở chợ. Bé Như Ý đã được hơn 2 tháng tuổi, nặng hơn 3 kg. Bà kể, các bác sĩ nói tai và mắt con bé rất tốt, không bị tim giống mẹ. Gia cảnh túng thiếu, nhưng vợ chồng bà quyết tâm "dù nghèo cũng phải cố cho cháu tươm tất".

Bé Như ý tròn 2 tháng tuổi.

Vợ chồng bà chọn cái tên Đặng Thị Như Ý cho cháu ngoại bởi sự ra đời của cô bé là tâm nguyện cuối cùng của Thủy. Để hoàn thành đươc nó, Thủy đã phải đánh đổi cả mạng sống của mình. Bà hy vọng, cô bé lớn lên sẽ khắc ghi sự hy sinh trời biển của mẹ và sống thật tốt để xứng đáng với điều đó.

Con hãy sống thay cả phần của mẹ, con nhé!

Cuộc gặp gỡ đặc biệt của mẹ con thiếu úy Huyền Trâm

Vậy là bé Gấu của Huyền Trâm đã đến với cuộc sống thật an lành. Con chưa thể tự thở và tự ăn, nhưng sức khỏe đã khá lên từng ngày. Trước khi qua đời, mẹ bé được đến thăm và trò chuyện cùng con. Dường như có sợi dây kết nối của tình mẫu tử, khi nghe thấy tiếng mẹ, đứa bé vẫn đang phải nằm trong lồng kính đã tỉnh dậy, òa khóc.

Trong những ngày nằm viện, bác sĩ nhiều lần "chuẩn bị tư tưởng" cho Trâm và gia đình, nhưng người phụ nữ vẫn quả quyết: "Nếu con em sinh ra khỏe mạnh, nó sẽ tự 'chiến đấu' với đời".

Mạnh mẽ vậy, nhưng với Trâm, chị vẫn chưa sẵn sàng cho chuyến đi này. "Nghĩ xem, quan trọng gì sống bao lâu, sống thế nào mới đúng. Nhưng nếu có phép màu, cho mình thêm 5 năm, hoặc 1, 2 năm nữa khỏe mạnh chút, mình chuẩn bị một vài thứ cho những người mình thương yêu, chứ đừng để ốm đau mãi rồi đi", đó là những lời tâm sự cuối cùng của thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm trước khi ra đi.

Những dòng tâm sự cuối đời của người mẹ trẻ Đậu Thị Huyền Trâm khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Số phận trớ trêu đã bắt chị phải lìa cõi đời khi tuổi còn quá trẻ nhưng đã cho chị một thiên chức lớn lao và cao cả hơn là được trở thành mẹ.

"Chị đã ra đi nhưng con người, tình yêu cao cả và sự hy sinh của chị không ai có thể quên được. Mong gia đình chị sớm vượt qua nỗi đau này để nuôi bé Gấu lớn lên khỏe mạnh, ngoan ngoãn và trở thành một người tốt", một độc giả nghẹn ngào.

Trong khi đó, con gái của Nguyễn Thị Bé Thủy đang ở với ông bà ngoại, được đặt tên Như Ý. Thay con gái nuôi cháu, bà Lệ (mẹ chị Bé Thủy) cố gắng bù lại cho đứa cháu mồ côi bằng cách "dù nghèo cũng phải cố cho cháu tươm tất". "Trời thương, dù sinh non tháng và chỉ nặng ngoài một ký nhưng trong những lần khám gần đây, bác sĩ nói mắt và tai của con bé rất tốt, nó cũng không bị tim giống mẹ.", bà Lệ nói.

Dù cha bỏ rơi, mẹ lại mất sớm nhưng sự có mặt của cô bé trên cõi đời này được cả nhà bà Lệ xem như một nghĩa cử hoàn hảo nên đã đặt tên cho bé là Đặng Thị Như Ý. Nói như lời những người hàng xóm, "rồi đây khi lớn lên, nghe kể lại câu chuyện cổ tích của đời mình, nó sẽ phải sống thật tốt để đền bù lại phần nào sự hy sinh như biển rộng mà mẹ nó đã gánh chịu".

K.N(th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/hai-nguoi-me-danh-doi-tinh-mang-de-sinh-con-khien-cong-dong-cam-phuc-2016072910134891.htm