Hai năm triển khai trả lương qua tài khoản

Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 20 đã tạo thói quen trong các tầng lớp dân cư tại tất cả 63 tỉnh thành phố, đặc biệt là các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước sử dụng tài khoản ngân hàng để giao dịch thanh toán; đồng thời đã tạo cú hích quan trọng thúc đẩy các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (TCCUDVTT) đầu tư cơ sở hạ tầng và thúc đẩy thị trường thẻ Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và tiện ích thanh toán đi kèm thẻ, qua đó người dân đã từng bước tiếp cận với công nghệ thanh toán hiện đại và làm quen với một số tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt của thẻ và một số phương tiện thanh toán khác. Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 20 (năm 2008 và 2009), so với cuối năm 2007,số đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã trả lương qua tài khoản đạt 31.643 đơn vị tăng 26.462 đơn vị - tương đương tăng hơn 5 lần (đạt khoảng 42% trong tổng số đơn vị hưởng lương ngân sách nhà nước trên toàn quốc), số người hưởng lương ngân sách nhà nước đã thực hiện trả lương qua tài khoản đạt 1.555.634 người - tăng hơn 4 lần.

Ngay từ giai đoạn 1, UBND của 63 tỉnh, thành phố là đơn vị chỉ đạo trên địa bàn cũng đã nghiêm túc triển khai thực hiện trả lương qua tài khoản tại đơn vị mình. Trong đó có 24 địa bàn tỷ lệ số đơn vị hưởng lương ngân sách nhà nước đã thực hiện trả lương qua tài khoản tại thành phố, thị xã đạt trên 90%; có 5 địa bàn tỷ lệ số đơn vị hưởng lương ngân sách nhà nước đã thực hiện trả lương qua tài khoản tại các huyện đạt trên 50%. Theo số liệu thống kê tính đến tháng 12/2009 so với cuối năm 2007, số đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã trả lương qua ngân hàng tại Hà Nội (không kể các cơ quan trung ương trên địa bàn) là 2.097 đơn vị - tăng hơn 5 lần; tại thành phố Hồ Chí Minh là 2.715 đơn vị - tăng hơn 12 lần và chiếm khoảng 91,1% tổng số đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước trên địa bàn. Trong tổng số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh có 157.789 người nhận lương qua tài khoản, chiếm 95,3% và tăng 7,7% so với 31/12/2008. Đây là một kết quả đáng khích lệ trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 20. Đa số các Bộ, ngành đã triển khai thực hiện Chỉ thị 20 đạt trên 99% tại trụ sở chính và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, ví dụ như Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Tư Pháp, Bộ Ngoại Giao, Đài Tiếng nói Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Bộ Xây dựng đạt 93%, Bộ Giao thông Vận tải đạt 95,32%, Bộ Y Tế đạt 92,31% đã thực hiện trả lương qua tài khoản tại trụ sở chính và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Nhìn chung việc triển khai thực hiện Chỉ thị 20 đã nhận được sự đồng thuận cũng như thống nhất trong chỉ đạo giữa các Bộ, ngành, đơn vị liên quan cùng với sự hưởng ứng của các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt của nhóm đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, cũng như sự nắm bắt nhanh nhạy của các ngân hàng đã tạo nên sự khả thi trong việc thực hiện Chỉ thị 20, qua đó thấy được những lợi ích mang lại từ việc trả lương qua tài khoản, dần dần thay đổi thói quen dùng tiền mặt để hình thành thói quen giao dịch qua tài khoản ngân hàng. Cụ thể: - Về mặt xã hội: Ý nghĩa đạt được lớn nhất của Chỉ thị 20 là đã và đang thay đổi dần thói quen tâm lý sử dụng tiền mặt trong dân chúng theo hướng tiếp cận và sử dụng tài khoản ngân hàng để giao dịch thanh toán; trên cơ sở đó giúp gia tăng tính minh bạch trong hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời hỗ trợ tăng cường ổn định an ninh xã hội, tiết kiệm một phần chi phí đầu tư xã hội trong giao dịch, vận chuyển và quản lý tiền mặt... - Đối với việc thực hiện chính sách của Nhà nước (như Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Quản lý thuế…): việc thực hiện trả lương qua tài khoản đã góp phần minh bạch hóa một phần thu nhập của cán bộ công chức là tiền đề để triển khai dần thực hiện các khoản chi khác của đối tượng hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước qua tài khoản trong thời gian tới; qua đó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý thuế tăng dần việc quản lý nguồn thu thuế từ cá nhân, tổ chức. - Đối với đơn vị hưởng lương Ngân sách Nhà nước: Giúp tiết kiệm được chi phí, thời gian, nhân lực trong quản lý ngân quỹ và chi trả lương một cách an toàn và hiệu quả. - Đối với người nhận lương qua tài khoản: Các tiện lợi và lợi ích của việc sử dụng tài khoản cá nhân và thẻ thanh toán về các khía cạnh tiết kiệm thời gian, công sức và đặc biệt là đảm bảo an toàn cá nhân; đồng thời giúp thay đổi dần dần thói quen sử dụng tiền mặt bằng văn hóa giao dịch qua ngân hàng hoặc tự động điện tử. - Đối với ngân hàng cung ứng dịch vụ trả lương qua tài khoản: Chỉ thị 20 đã tạo điều kiện cho các ngân hàng mở rộng tiếp cận khách hàng, gia tăng thị phần khách hàng; gia tăng số lượng thẻ phát hành nhằm đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán thẻ, sử dụng vốn nhàn rỗi, phát triển mở rộng sản phẩm dịch vụ giúp tăng doanh thu, phân tán rủi ro kinh doanh. - Đối với hệ thống Kho bạc Nhà nước: Thúc đẩy hệ thống kho bạc hiện đại hóa công nghệ thanh toán, giảm bớt chi phí vận chuyển, kiểm đếm, cất giữ tiền mặt. Trong từng giai đoạn triển khai thực hiện Chỉ thị 20, trên cơ sở báo cáo định kỳ của Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo và nhắc nhở các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 20 (Công văn số 5977/VPCP-KTTH ngày 11/9/2008 và Công văn số 6754/VPCP-KTTH ngày 07/9/2009). Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, trong đó có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 961/QĐ-TTg ngày 03/7/2009 về chương trình hành động của Chính phủ về phát triển dịch vụ giai đoạn 2009-2011 trong đó có nội dung hoàn thiện hệ thống chính sách về thuế giao cho Bộ Tài chính thực hiện; cụ thể trong Công văn 6754/VPCP-KTTH Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện các nhiệm vụ trong Quyết định trên đó là ban hành các chính sách thuế, phí trong lĩnh vực thanh toán nhằm thúc đẩy và khuyến khích hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Trong 2 năm qua, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố đã làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban ngành triển khai thực hiện Chỉ thị 20 trên các địa bàn đạt kết quả tốt và khả quan: tại nhiều địa bàn UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện Chỉ thị 20 tại địa bàn mình cũng như thành lập Ban chỉ đạo trên địa bàn nhằm chỉ đạo một cách quyết liệt quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị. Cụ thể đã chỉ đạo UBND các thị xã, quận huyện yêu cầu các đơn vị hưởng lương Ngân sách Nhà nước đóng trên địa bàn thực hiện trả lương qua tài khoản và tạo điều kiện cho các ngân hàng có địa điểm đặt ATM thuận lợi; chỉ đạo các ngành điện lực, truyền thông ưu tiên cung cấp điện và đường truyền dần dần cũng đã ổn định, chỉ đạo làm tốt công tác an ninh bảo vệ tại các máy ATM. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai Chỉ thị 20, điều này thể hiện rất rõ ở những khâu: chuyển danh sách lương từ Kho bạc sang ngân hàng, báo cáo tình hình số liệu về các đơn vị, số người nhận lương từ ngân sách kịp thời v.v… Tuy nhiên, vẫn còn ở một số địa bàn công tác tham mưu cũng như chỉ đạo chưa được quan tâm, cụ thể như: việc triển khai vội vã theo phong trào trong khi hạ tầng trang thiết bị chưa đáp ứng, đến giai đoạn 2 tình hình này đã được khắc phục nhiều; tại một số địa bàn chưa có sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành dẫn đến thiếu tính đồng bộ trong triển khai; công tác chỉ đạo chưa quyết liệt, chỉ dừng lại ở mức độ động viên, chưa có biện pháp xử lý cụ thể đối với những đơn vị không thực hiện (có một số đơn vị hưởng lương Ngân sách Nhà nước đã mở tài khoản tại các ngân hàng nhưng chưa thực hiện trả lương qua tài khoản); một số huyện còn chưa nhận được văn bản hướng dẫn của UBND huyện, cơ quan chủ quản dẫn đến không triển khai được. Công tác thông tin tuyên truyền việc thực hiện trả lương qua tài khoản trên một số địa bàn đã được chú trọng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn nhưng tại một số địa bàn các biện pháp tuyên truyền quảng bá còn hạn chế, ít có các bài viết, phóng sự với thời lượng dài. Ngay trong giai đoạn đầu mới triển khai, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động làm việc với một số Bộ, ngành để phối hợp, thống nhất các biện pháp triển khai thực hiện Chỉ thị 20 đạt chất lượng. Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước) đã hợp tác chặt chẽ ngay từ trước khi ban hành Chỉ thị cho đến suốt quá trình 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị một cách hiệu quả, cụ thể: Kho bạc Nhà nước đã ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị hưởng lương Ngân sách Nhà nước tại một số địa phương triển khai thực hiện: (i) Công văn số 979/KBNN-KHTH ngày 17/5/2007 về thanh toán tiền lương qua tài khoản tiền gửi thanh toán cá nhân, (ii) Công văn số 16675/BTC-KBNN ngày 6/12/2007 về việc thanh toán cá nhân qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước và (iii) Công văn số 13446/BTC-KBNN ngày 22/9/2009 về việc mở rộng thanh toán cá nhân qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước. Việc chỉ đạo quyết liệt của Kho bạc Nhà nước đã tác động thiết thực tạo thuận lợi cho quá trình triển khai Chỉ thị 20 suôn sẻ theo đúng lộ trình đã quy định. Bên cạnh những mặt thuận lợi nêu trên, thì sự phối kết hợp vẫn chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ và linh hoạt giữa các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, chính quyền từ trung ương đến các địa phương. Một số cơ quan ban ngành chưa thật sự quan tâm phối hợp với ngành Ngân hàng để thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ về trả lương qua tài khoản cho các đơn vị hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước. - Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 20, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 05/2007/TT-NHNN ngày 11/10/2007 về việc triển khai Chỉ thị 20 (Chỉ thị 05) để chỉ đạo toàn ngành ngân hàng triển khai thực hiện. Trong quá trình làm đầu mối bám sát chỉ đạo và phối hợp tổ chức triển khai, ngay từ cuối năm 2007 Ngân hàng Nhà nước đã chủ động có các văn bản phối hợp và trực tiếp đến làm việc với một số Bộ, ngành cũng như tiến hành khảo sát nhanh một số địa phương trọng điểm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để nắm bắt thực tế và phối hợp đồng bộ trong việc triển khai Chỉ thị 20. Trong cả 2 giai đoạn Ngân hàng Nhà nước đều tiến hành khảo sát rút kinh nghiệm thực tiễn triển khai và phục vụ cho việc định hướng thực hiện trong thời gian kế tiếp. - Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo thực hiện kết nối thành công 2 liên minh thẻ lớn nhất trên thị trường là Banknetvn và Smartlink; triển khai thành công giai đoạn II hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng. Đồng thời, hệ thống corebanking của các ngân hàng thương mại đã được thiết lập. - Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu tất cả các TCCƯDVTT rà soát và báo cáo năng lực cung ứng dịch vụ trả lương qua tài khoản cũng như có công văn chỉ đạo gửi chi nhánh NHNN các tỉnh, các TCCƯDVTT, các đơn vị liên quan v.v…triển khai thực hiện Chỉ thị 20 theo tinh thần thận trọng, chặt chẽ và đúng đối tượng ở những nơi có đủ điều kiện; đồng thời thường xuyên đôn đốc nhắc nhở các TCCCDVTT chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ như nhanh chóng khắc phục các sự cố cơ sở hạ tầng ATM, phấn đấu giảm dần thời gian tra cứu, xử lý khiếu kiện của khách hàng, phục vụ các thông tin cần thiết đầy đủ và nhanh chóng... - Ngay trong giai đoạn 1, toàn ngành ngân hàng dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Trung ương đã bám sát chủ trương chú trọng chất lượng triển khai tiếp tục chú trọng chỉ đạo triển khai tại các địa bàn trọng tâm là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và những nơi có khả năng đáp ứng thuận lợi nhất, bảo đảm tính vững chắc của việc thực hiện chủ trương của Chính phủ. Trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm mở rộng dần ra các địa bàn khác khi các điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật được tạo dựng phù hợp. - Sang giai đoạn 2 (từ 1/1/2009) phát huy những mặt được, khắc phục những mặt chưa được của giai đoạn 1, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo trong ngành ngân hàng (Công văn số 2345/NHNN-TT) quán triệt định hướng đặt trọng tâm vào nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước và gia tăng các tiện ích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt không chạy theo thành tích và số lượng. - Trong quá trình triển khai Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành; đồng thời Ngân hàng Nhà nước đã kiểm tra, theo dõi tình hình thực tế triển khai của các TCCƯDVTT trên địa bàn cũng như giám sát việc lắp đặt ATM của các ngân hàng theo Quyết định 13/2008/QĐ-NHNN; yêu cầu các TCCƯDVTT báo cáo kết quả triển khai, phân tích đánh giá những mặt được, những vướng mắc khó khăn, qua đó có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời. Trong 2 năm qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trở ngại trong bối cảnh khủng hoảng suy giảm kinh tế nhưng với định hướng mở rộng đầu tư đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ trả lương qua tài khoản, các ngân hàng đã cố gắng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khá mạnh mẽ, cụ thể: tính đến tháng 12/2009 so với tháng 12/2007, các ngân hàng đã đầu tư lắp đặt 9.731 máy ATM tăng 4.876 máy (tăng gần 100%) so với tháng 12/2007, số máy POS (kể cả EDC) đã đầu tư 34.173 máy tăng 15.702 máy (tăng 85%) . Số lượng thẻ được phát hành trên thị trường cũng gia tăng từ hơn 9,1 triệu thẻ cuối năm 2007 lên đến hơn 21 triệu thẻ vào cuối năm 2009 (tăng gấp hơn 2,3 lần), bao gồm 180 thương hiệu thẻ của 44 tổ chức đăng ký phát hành thẻ. Bên cạnh việc mở rộng mạng lưới cơ sở hạ tầng, trong 2 năm qua đặc biệt trong năm 2009, các ngân hàng đã đẩy mạnh việc phát triển thêm các sản phẩm tiện ích trên cơ sở tài khoản trả lương, điển hình như triển khai dịch vụ thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, điện thoại tại một số địa bàn, ví dụ như: Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng, Hải Dương, Bình Định, Bến Tre, Cần Thơ, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Tây Ninh,…thông qua các hình thức thanh toán hiện đại và tiện lợi: thanh toán tự động, thanh toán qua Internet/SMS/Mobile banking, thanh toán tại quầy với phương thức kết nối online dữ liệu. Đây là một điển hình phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt rất tốt và hiệu quả cần được triển khai nhân rộng ra toàn quốc. Ngoài ra, công tác chăm sóc khách hàng cũng đã được chú trọng: toàn bộ những thắc mắc, phản ánh của khách hàng được truyền đạt trực tiếp đến bộ phận chăm sóc khách hàng 24/7 thông qua đường dây nóng – hotline. So với năm 2008 thì năm 2009 việc triển khai tiếp quỹ đã được cải thiện rất nhiều, tình trạng máy hết tiền luôn được xử lý kịp thời nhờ sử dụng phần mềm quản lý từ xa. Các ngân hàng luôn phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ bảo trì để xử lý những sự cố đột xuất đồng thời giải quyết các thắc mắc, khiếu nại một cách sớm nhất. Sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị 20 đã đạt được nhiều kết quả khả quan, công tác chỉ đạo từ Chính phủ cho đến các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đã đi đúng hướng và tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt đã nâng cao một bước chất lượng cung ứng dịch vụ trả lương qua tài khoản. Để chuẩn bị cho công tác tổng kết Chỉ thị 20 vào cuối năm 2010, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục quán triệt các TCCƯDVTT triển khai tập trung nâng cao chất lượng cở sở hạ tầng và phát triển mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên cơ sở gia tăng các tiện ích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể như thanh toán hóa đơn sinh hoạt thường kỳ như thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, internet…thông qua tài khoản trả lương, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng máy POS tại các đơn vị chấp nhận thẻ vì đây là một trong những giải pháp chiến lược mang tính đột phá trong quá trình mở rộng, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm thực hiện thành công Chỉ thị 20. Trên cơ sở thực hiện thành công Chỉ thị 20 hướng tới nhân rộng mô hình trả lương qua tài khoản tới tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế phù hợp với năng lực cung ứng thực tế của các TCCƯDVTT. Về phía Ngân hàng Nhà nước: - Ngân hàng Nhà nước Trung ương tiếp tục hoàn thiện và trình ban hành một số văn bản liên quan đến hoạt động thanh toán như: phí, cấp phép hoạt động thanh toán, ví điện tử, mở và sử dụng tài khoản, xử phạt hành chính; - Tăng cường và chủ động hơn trong công tác tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt việc trả lương qua tài khoản theo Chỉ thị 20. - Đẩy nhanh kết nối liên thông máy ATM, POS của các ngân hàng. - Yêu cầu các TCCƯDVTT rà soát và báo cáo thực trạng tình hình hoạt động của máy POS của ngân hàng mình, từ đó đưa ra định hướng và các giải pháp để phát triển dịch vụ POS cũng như kết nối các máy POS. Đồng thời, kiểm tra các cơ sở chấp nhận thẻ phát hiện những đơn vị vi phạm sẽ có thông báo trên trang Web của Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (CIC) và những hình thức xử lý khác. - Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố cần tiếp tục tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt chỉ đạo quyết liệt các đơn vị cung ứng dịch vụ điện, nước, điện thoại…, đồng thời định hướng cho các TCCƯDVTT chủ động phối hợp với các đơn vị dịch vụ này để phát triển, mở rộng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt các hóa đơn điện, nước, điện thoại…hàng tháng của cán bộ công chức. Về phía các TCCƯDVTT: - Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ ATM, POS và dịch vụ thẻ hiện có đặc biệt nâng cao hiệu quả sử dụng POS. Các TCCƯDVTT tiến hành rà soát, đánh giá, kiểm tra các cơ sở chấp nhận thẻ, phát hiện những đơn vị vi phạm và có biện pháp xử lý (đưa lên trang Web của CIC). - Đẩy mạnh hoạt động liên minh liên kết để thống nhất hệ thống ATM, POS; ứng dụng hình thức thanh toán qua thiết bị off-line; cần phối hợp chặt chẽ giữa các ngân hàng trong liên minh tiến hành cải tiến quy trình tra soát, xử lý lỗi liên ngân hàng tiến tới giảm thiểu thời gian tra soát, khiếu nại cho khách hàng. - Định hướng và khuyến khích khách hàng sử dụng các tiện ích đi kèm thẻ thanh toán sẵn có, đẩy mạnh ký kết hợp đồng hợp tác với nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ trong nhiều lĩnh vực khác nhau phục vụ tiện ích khách hàng, đặc biệt trong năm 2010 đẩy mạnh việc thanh toán tiền điện, nước, điện thoại…trên cơ sở tài khoản trả lương cho cán bộ công chức. - Tăng cường hướng dẫn khách hàng sử dụng các tiện ích thanh toán mà ngân hàng đã cung ứng.

Nguồn VietStock: http://www.vietstock.vn/tabid/57/channelid/757/newsid/152863/default.aspx