Hai mặt của thế giới ảo

Trước hết, phải khẳng định tiện ích không thể thay thế của mạng xã hội và internet nói chung. Vì đó là kho kiến thức, kho thông tin rất tốt và bổ ích.

Ảnh mang tính minh họa

Không thể hình dung cuộc sống hiện nay lại không sử dụng đến các tiện ích của công nghệ thông tin. Tuy nhiên, phải nhìn thấy tính hai mặt của mạng xã hội. Một mặt rất thuận tiện, tốt cho việc phát triển giao tiếp, trao đổi tri thức, thông tin trong giới trẻ, nhưng mặt khác, đã và đang xuất hiện những hệ lụy, những tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với giới trẻ, nhất là trẻ em.

Thời gian qua, có nhiều vụ việc đau lòng xảy ra do tác hại của mạng xã hội. Điển hình như vụ học sinh sau khi đưa thông tin “đốt trường” lên Facebook cá nhân. Ngay lập tức, cộng đồng mạng vào “like”, dẫn đến hành vi học sinh đó mua xăng đốt trường thật. Hay vụ việc tung clip hạ nhục học sinh ở Yên Bái khiến học sinh đó bị trầm cảm, rối nhiễu tâm trí, tìm đến cái chết, rất thương tâm. Chưa bao giờ, tác hại của mạng xã hội lại đa chiều, tinh vi, phát sinh và biến tướng nguy hại như hiện nay.

Để đối phó, chúng ta cần phải huấn luyện, nâng cao nhận thức, kỹ năng để giới trẻ, nhất là trẻ vị thành niên biết tự bảo vệ mình trong môi trường mạng. Làm sao để người trẻ tham gia môi trường mạng an toàn, giúp giới trẻ có kỹ năng khai thác thông tin, kỹ năng chia sẻ thông tin trên mạng xã hội hướng đến những giá trị văn minh, tiến bộ, hạn chế tối đa những tác hại của môi trường mạng đến đời sống cá nhân. Thực tế đáng lo ngại là đa số trẻ em hiện chưa có kiến thức để bảo vệ mình an toàn trên môi trường mạng.

Thứ hai là trách nhiệm của các doanh nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng. Cần có chế tài, công cụ kiểm soát làm sao để các doanh nghiệp cung cấp những tiện ích, phần mềm trên môi trường mạng với tinh thần hướng thiện và đạo đức kinh doanh. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, nếu như các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên mạng mà không có trách nhiệm xã hội, không bị ràng buộc trách nhiệm với pháp luật thì rất khó để kiểm soát.

Vì doanh nghiệp lúc nào cũng nghĩ đến lợi nhuận. Cần khẩn trương nghiên cứu, đưa ra những quy định pháp luật chặt chẽ, cụ thể để vừa một mặt khuyến khích doanh nghiệp mở rộng cung cấp tiện ích, dịch vụ trên môi trường mạng theo hướng phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như phát triển con người nhưng ngược lại cũng kiểm soát chặt chẽ thị trường này để giới trẻ có một môi trường thực sự trong lành, an toàn phát triển tố chất cá nhân.

Hiện, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Công nghệ thông tin, Luật Trẻ em năm 2016 cũng đã có quy định và giao trách nhiệm cho các bộ, ngành về việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Về phía Bộ LĐ-TB&XH, hiện đang xây dựng Đề án bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng giai đoạn 2017-2020.

Dự kiến, sẽ trình Thủ tướng ban hành vào cuối năm 2016. Dù vậy, trước khi có đề án, rất cần tăng cường tuyên truyền giáo dục cho giới trẻ hướng đến những giá trị nhân văn cao đẹp. Ngoài đào tạo kỹ năng sống trong đời thực, đã đến lúc nếu không sẽ là muộn, chúng ta cần đào tạo kỹ năng sống cho giới trẻ trong thế giới ảo.

__________________

Đặng Hoa Nam

(Cục trưởng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH)

Phong Cầm (ghi)

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi-chuyen-hom-nay/hai-mat-cua-the-gioi-ao-1068406.tpo