Hai mặt của mạng xã hội

Cho dù chưa công bố chính thức, nhưng thông tin Chính phủ đầu tư 200 triệu USD để xây dựng dự án mạng xã hội cho thanh niên đã được đưa ra chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông trong kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII. Điều này chứng tỏ mạng xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến truyền thông chính thống và là một kênh thông tin quan trọng...

Điểm danh một loạt cơ quan truyền thông chính thống, hầu như các tờ báo in, báo hình, báo tiếng (có trang điện tử) và các báo mạng như Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng, Hà Nội Mới, Lao Động, VOV, VTV, Vietnamnet, VTCNews, VN Express, TTXVN..., ngay cả một số cổng thông tin điện tử của nhiều cơ quan nhà nước đều có liên kết với các trang mạng xã hội (MXH), như một kênh chính thức để tương tác với đông đảo bạn đọc. MXH ở một khía cạnh nào đó đã có ảnh hưởng không nhỏ đến truyền thông chính thống, và như một cây cầu nối để truyền thông chính thống tham khảo ý kiến, có thông tin nhiều chiều, để hướng dẫn dư luận xã hội theo chiều hướng thuận.

Năm 2012, thế giới có 28 loại hình MXH, thì VN đã có đến 22 loại hình. Facebook là MXH có tính năng ưu việt, có độ tương tác cao, phổ biến nhất - thâm nhập vào VN năm 2009, theo thống kê của We Are Social tháng 3.2013, ở VN đạt 12 triệu thành viên. Mạng ZingMe của VN cũng nắm trong tay khoảng 4 triệu tài khoản, gần như thống lĩnh những thông tin về giải trí, game, showbiz... dành cho giới trẻ.

Giới truyền thông VN, gần như các nhà báo, phóng viên đều có ít nhất một tài khoản MXH. MXH với tính năng kỹ thuật tích hợp nhiều công năng của các thể loại truyền thông khác, nên là một kênh truyền thông đưa thông tin xa nhất, rộng nhất trong thời gian ngắn nhất. Độ “phủ sóng” của nó gần như hoàn hảo, chỉ cần một thông tin được “post” (đưa) lên, nếu đó là thông tin mang tính “scandal”, hay “hotnews”, “headlines”... thì chỉ vài phút sau nó đã được “share” (chia sẻ) gần như toàn cầu. MXH còn một ưu việt nữa là đưa thông tin gần như cùng lúc với sự kiện, sự việc xảy ra. MXH gồm nhiều cá nhân “quần tụ”, nên nó cũng là một nơi tổng hợp thông tin toàn cầu một cách đầy đủ nhất, gần như chẳng “lọt” bất kể thông tin nào, vì thế mà không hiếm các nhà báo chẳng phải đi đâu, chỉ “lướt mạng” mà có nhiều thông tin để viết bài, có khi viết y như đang chứng kiến sự kiện thật sự.

Có được thì cũng có mất, MXH có hai mặt của nó. Nhất là khi MXH bị một vài cá nhân, hay tổ chức nào lợi dụng nhằm các mục đích vụ lợi, hay biến MXH thành công cụ tấn công đối phương thì tác hại không hề nhỏ. Thực tế đã chứng minh rất nhiều cái “họa” do MXH đưa lại, không chỉ giữa cá nhân với cá nhân, mà còn là các vấn đề nhạy cảm tầm quốc gia. Điển hình nhất cách đây 2 năm, người sáng lập trang web Wikileaks đã gây khó khăn cho nhiều quốc gia vì tiết lộ những tin tức ngoại giao nhạy cảm giữa Mỹ và các nước khác. Còn đang “nổi sóng” trên MXH là vụ một điệp viên cũ của CIA tên Edward Snowden, thông qua MXH để đưa bí mật cáo buộc Chính phủ Mỹ đã nghe lén điện thoại cũng như theo dõi dữ liệu mạng của hàng triệu công dân Mỹ... Khi thông tin được “post” lên MXH, thì nó như một mũi tên đã được bắn đi, đã thế sức lan tỏa của nó chẳng kém gì phản ứng nhiệt hạnh của bom nguyên tử, nên việc xóa một thông tin “đen” trên MXH là một công việc “bất khả thi”, như “đội đá vá trời”...

MXH là ảo, nhưng khả năng chi phối dư luận xã hội, tầm ảnh hưởng và vai trò của nó rất lớn. Nhiều thời điểm, nhiều thông tin trên MXH được công chúng đọc và bàn luận nhiều hơn những thông tin chính thống trên báo chí. MXH do vậy cũng là kênh truyền thông để các thế lực thù địch lợi dụng đưa những thông tin mang tính chất chống đối, sai lạc, bịa đặt, để nhằm mục đích công kích thể chế chính trị Nhà nước VN. Nên truyền thông chính thống mà không có kênh giao lưu kết nối với công chúng bạn đọc bằng MXH, thì rất khó nắm bắt kịp thời những thông tin xấu để kịp thời phản bác.

Một ví dụ điển hình nhất gần đây là vụ thông tin tù nhân Cù Huy Hà Vũ ở trại giam tuyệt thực đang ở giai đoạn gần chết được lan truyền trên MXH với tốc độ “khủng”. Để “trấn áp” thông tin bịa đặt này, truyền thông chính thống đã vào cuộc, một phóng sự ngắn về tình trạng thực tế của Cù Huy Hà Vũ được phát trên VTV1, một bài báo có nhân chứng - tù nhân Cù Huy Hà Vũ, vật chứng - ảnh chụp phòng giam trên Tuổi Trẻ, và sau đó là nhiều báo chính thống khác cũng đưa thông tin phản bác thông tin bịa đặt kia trên MXH...

Và không phải không có lý khi Chính phủ đã đề cập đến vấn đề đầu tư xây dựng dự án MXH cho thanh niên “thuần Việt”, để “người Việt dùng hàng Việt” với giá trị 200 triệu USD, cho dù vấn đề này chưa được thông tin chính thức, nhưng đã gây “xôn xao” cho truyền thông Việt và các đại biểu cử tri trong cả nước trong kỳ họp QH đang diễn ra. Điều này chứng minh MXH thực sự là một nhu cầu giao lưu tối ưu để truyền thông tin trong thời đại truyền thông toàn cầu.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/hai-mat-cua-mang-xa-hoi/122875.bld