Hai lúa chế máy xe chỉ tơ dừa

Từ người làm thuê kiếm sống, anh Nghiêm Đại Thuận (Trà Vinh) vươn lên làm giàu từ tơ xơ dừa, đồng thời chế máy giúp những người làm nghề xe chỉ tơ xơ dừa ở ĐBSCL tăng thu nhập.

Anh Thuận bên chiếc máy tự nghiên cứu chế tạo - Ảnh: Nguyên Đạt

Sau khi đoạt giải nhất trong lĩnh vực cơ khí tự động tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Trà Vinh năm 2013 với chiếc máy xe chỉ tơ xơ dừa 4 trục vận hành bằng điện, bây giờ anh Thuận (40 tuổi, ngụ ấp Thạnh Hiệp, xã Đức Mỹ, H.Càng Long) đã trở thành ông chủ của một xưởng cơ khí nằm bên bờ sông Ngã Bát - nơi có hàng chục hộ gia đình chuyên sống bằng nghề xe chỉ tơ xơ dừa nhiều năm qua. Nhìn quang cảnh đội ngũ gần 10 thợ cơ khí tất bật làm việc để kịp có sản phẩm giao cho khách, chẳng ai ngờ được chỉ cách đây hơn 5 năm, ông chủ xưởng vẫn là người nghèo, chuyên nghề xe chỉ tơ xơ dừa bằng tay kiếm sống.

Chế máy vì muốn người nghèo bớt khổ

Anh Thuận quê ở TX.Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Vì gia cảnh nghèo, đông anh em nên 15 tuổi anh phải nghỉ học để theo người chú tha phương kiếm sống. Cuộc mưu sinh kéo dài hơn 10 năm, khởi đầu từ Cà Mau rồi đến TP.HCM, từ những việc làm thuê lặt vặt đến in lụa, đi giao bánh ở các chợ, chạy xích lô… nghèo vẫn hoàn nghèo. Một lần theo bạn bè đến vùng quê xã Đức Mỹ, anh làm quen với cô gái Nguyễn Thị Thùy. Do cùng cảnh nghèo nên cả hai dễ đồng cảm, đem lòng yêu thương rồi nên nghĩa vợ chồng.

Hàng chục năm qua, hầu hết hộ dân nghèo ở Đức Mỹ đều làm nghề xe chỉ tơ xơ dừa để kiếm sống. Không đất sản xuất, tiền vốn cũng không bao nhiêu nên anh Thuận bám vào cái nghề vốn có, dễ làm ở quê vợ để sinh nhai. Tuy nhiên, sau bao năm nhọc nhằn mưu sinh, ngày ngày bên chiếc máy xe chỉ tơ xơ dừa bằng tay chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng, anh luôn trăn trở: “Nếu như có một chiếc máy hiện đại xe được chỉ nhiều hơn thì thu nhập tăng lên. Không chỉ ở Đức Mỹ mà còn nhiều nơi khác người dân đều có nhu cầu có được một chiếc máy xe chỉ tơ xơ dừa hiện đại như vậy”.

Là người thông minh và khéo tay, luôn khát vọng đổi đời, anh Thuận không ngại bỏ công sức để bắt tay vào chế tạo máy. Hơn một năm trời ròng rã vừa nghiên cứu, thiết kế, hàn, tiện... khiến trong nhà toàn sắt vụn vì hơn chục lần thất bại, cuối cùng đầu năm 2013 anh cũng đạt điều mình mong muốn. Chiếc máy xe chỉ tơ xơ dừa 4 trục vận hành bằng điện mang thương hiệu Nghiêm Đại Thuận đã đạt hiệu quả ngoài mong đợi. Máy có thể cho ra trên 30 kg loại chỉ nhỏ sau 8 giờ vận hành, trong khi năng suất máy quay tay thủ công chỉ đạt 2 - 3 kg cùng thời gian nhưng cần đến 2 lao động. Máy hoạt động gần như tự động, chỉ cần có người giũ xơ dừa là sẽ cho ra sản phẩm đồng nhất. Ngoài ra, chiếc máy này còn tích hợp bộ chỉ nồi vào bộ xe, giải quyết được tình trạng bị đứt chỉ khi xe, tiết kiệm nguồn nguyên liệu.

Anh Thuận hướng dẫn công nhân đan lưới bằng chỉ tơ xơ dừa để xuất khẩu

Tạo việc làm cho lao động địa phương

Được chứng kiến tận mắt năng suất của máy, người dân ở Đức Mỹ bắt đầu tìm đến anh để đặt hàng. Tiếng lành đồn xa, những người xe chỉ tơ xơ dừa thủ công ở Bến Tre, Vĩnh Long... cũng lần lượt tìm đến mua máy. Để việc làm ăn thêm phần ổn định, năm 2014, anh thành lập HTX xe chỉ tơ xơ dừa Đức Mỹ với 11 xã viên và tạo việc làm cho khoảng 50 lao động tại địa phương. Nhờ có máy móc hiện đại, mỗi tháng HTX của anh xuất bán khoảng 30 tấn chỉ tơ sơ dừa, trong đó phần nhiều đã được anh cho dệt thành lưới để xuất khẩu.

Từ khi chế tạo máy thành công đến nay, anh Thuận đã bán được gần 200 cái tại ĐBSCL với giá từ 60 - 80 triệu đồng/cái. Anh cho biết thêm do máy hiện vẫn cần có người giũ tơ xơ dừa để máy cuốn vào xe nên anh đã tiếp tục nghiên cứu, đến nay gần hoàn tất một thế hệ máy hoàn toàn tự động. “Tôi cũng dự định sẽ nghiên cứu chế tạo chiếc máy lột dừa. Đây là công việc mà người lao động phải dùng sức, sử dụng mũi dao nhọn để lột dừa nên hay xảy ra tai nạn lao động. Nếu thành công, người lao động nghèo chuyên làm nghề lột dừa, xe chỉ tơ xơ dừa sẽ bớt đi phần vất vả và tăng thêm thu nhập cho gia đình”, anh Thuận nói.

Nguyên Đạt

Nguyên Đạt

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/hai-lua-che-may-xe-chi-to-dua-742771.html