Hai lần được cá Ông cứu mạng

TP - Suốt mấy chục năm đi biển đầy dông bão, lão ngư Đặng Châu hai lần được cá Ông (cá voi) cứu mạng. Tỏ lòng thành kính ông thờ những mẩu cốt cá Ông trong nhà từ mấy chục năm nay…

Đang mùa biển động nên hầu hết người dân thôn Long Thạch (Tam Tiến, Núi Thành, Quảng Nam) tập trung chuẩn bị chài lưới cho những chuyến ra khơi khi trời yên biển lặng. Chúng tôi tìm đến nhà già Châu, theo cách gọi của dân trong thôn. Gọi là già bởi ông là ngư dân lớn tuổi nhất thôn, người chứng kiến nhiều thăng trầm, biến đổi và những đau thương của xóm chài nhỏ này. Già Châu nổi tiếng nhất vùng bởi đã được cá Ông hai lần cứu sống. Mang ơn cá Ông, già lưu giữ những mẩu cốt cá Ông xấu số, lập bàn thờ tại gia để nhắc nhở con cháu và dân làng không quên ân nghĩa. Ngôi nhà già Châu nằm khuất sau rặng phi lao già cỗi che chắn cho dân làng qua biết bao mùa dông bão. Cứ nghĩ ở cái tuổi 80 già Châu sẽ không còn minh mẫn, tỉnh táo nên chúng tôi cố cất giọng chào thật to. Đáp lại chúng tôi là giọng nói hào sảng và tiếng cười vang: “Tôi có điếc đâu mà anh hét thế !”. Căn nhà ba gian, đúng kiểu của người dân miền Trung vững chãi. Gian giữa của ngôi nhà, già Châu bố trí làm nơi thờ tự. Bên cạnh bàn thờ tổ tiên, ông bà và người vợ quá cố là một bàn thờ được bài trí không kém phần trang nghiêm. Đó là bàn thờ cá Ông. Thoăn thoắt lau bàn, kéo ghế, rót nước mời khách, già Châu khiến chúng tôi phải ngạc nhiên về sự nhanh nhẹn, tinh anh. “Nghề biển đã luyện tôi thành sắt rồi. Chú giờ thi kéo lưới, thi bơi thua tôi xa là cái chắc”, già lại cười vui vẻ. Mới lớn đã lăn lộn với biển khơi, tới năm 30 tuổi, già Châu tự sắm riêng con thuyền công suất 11 sức ngựa để cùng năm thanh niên khác ra khơi đánh bắt. “Nghề biển đầy bất trắc rủi ro. Có khi biển cả mang đến nhưng cũng có khi do chính con người gây nên. Cầu mong trời yên biển lặng, nhân hòa là điều mỗi ngư dân luôn tâm niệm trong mỗi chuyến ra khơi”, già tâm sự. Câu chuyện về hai lần già và đội thuyền của mình được cá Ông cứu thoát chết trong gang tấc khá ly kỳ. Già Châu nhớ lại lần thứ nhất, cách đây đã hơn 30 năm. Lúc đó thuyền gồm chín ngư dân ra khơi đánh bắt tại vùng biển Chu Lai. Thả neo ở độ sâu gần 30 sải nước, đêm khuya khi cá đã đầy khoang, bỗng nhiên trời nổi gió, con thuyền tròng trành nghiêng ngả. Ông cùng 8 ngư dân thay nhau chèo lái vượt sóng gió tìm cư trú. Trong cơn tuyệt vọng, đội thuyền gần như bất lực trước sóng gió. Giữa cơn cuồng phong của biển cả, bỗng nhiên xuất hiện hai con cá lớn lặng lẽ tựa mình vào hai bên hông thuyền làm điểm tựa đẩy thuyền tiến thẳng vào bờ. Biết được cứu sống nhờ cá Ông, khi cập bến an toàn ông và dân làng làm lễ khấn vái tạ ơn. Đội thuyền ông năm đó giờ chỉ còn mỗi ông Huỳnh Ngọc Mai (75 tuổi). Lần thứ hai vào năm 1985, già và đội thuyền đánh lưới đến nửa đêm thì đầy khoang, nên quyết định quay vào bờ sớm hơn thường lệ để tranh thủ nghỉ ngơi, chiều hôm sau ra khơi tiếp. Thuyền nhằm hướng đất liền thẳng tiến, bất ngờ gió tây bắc thổi mạnh theo hướng ngược lại. Hôm nay biển động. Bật radio nghe tin 9 ngư dân Lý Sơn chưa về tới đất liền, già Châu ngậm ngùi: “Cái họa của sóng gió, biển cả cá Ông có thể giúp được. Cái họa nhân tai, cá Ông cũng đành chịu thôi. Mong cho anh em ngư dân mình sẽ được cá Ông giúp đỡ về quê an toàn, đoàn tụ với người thân”. Thuyền có nguy cơ bị lật úp vì chở đầy cá và bị sóng đánh bật ra xa. Trong cơn nguy kịch, bỗng phía đầu thuyền xuất hiện một con cá Ông lớn, bơi phía trước thuyền khoảng 20m rẽ sóng, cản gió cho thuyền vào bờ. Khi thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm, cá Ông mới quay đầu bơi ra khơi. Cả đội thuyền không ai bảo ai chắp tay bái lạy cá Ông. “Không chỉ tôi mà đã nhiều lần cá Ông còn cứu sống ông cha tôi nữa” vừa nói già vừa chỉ tay về phía bàn thờ cá Ông của gia đình mình. Những lần có cá Ông bị lụy (chết) dạt vào bờ, dân làng tổ chức cúng tế, rồi an táng, già xin ít mẩu xương cốt mang về nhà thờ tự. Chúng tôi ngỏ ý muốn xem cốt, già dè dặt: “Tâm linh trong nghề đi biển là thế. Để tôi khấn xin Ông đã. Ông đồng ý mới được xem. Tôi giữ là giữ cho dân làng, con cháu để có những chuyến ra khơi an toàn”. Thắp hương, khấn vái, già từ từ mang những mẩu xương cốt cá Ông cho chúng tôi đứng xa chụp ảnh. Những phần xương được già Châu gói bọc trong những hộp nhỏ hết sức cẩn thận. Nhiều ngư dân trong thôn khẳng định đó là xương cốt cá Ông mà già Châu và gia đình đã lưu giữ, thờ phụng từ 50 năm nay. Hằng năm, sau lễ cúng cá Ông chung của làng vào ngày 10-9 âm lịch, ngày hôm sau, gia đình già Châu làm lễ cúng lại tại nhà theo đúng nghi lễ truyền thống.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/phong-su/515600/hai-lan-duoc-ca-ong-cuu-mang.html