Hài hước chuyện tài xế lùng tìm tiền lẻ để đối phó trạm BOT ở khắp nơi

Thời gian vừa qua, hàng loạt các trạm BOT "thất thủ" vì tài xế trả tiền lẻ qua các trạm thu phí khiến giao thông bị ách tắc. Nhưng ít ai biết được rằng tài xế cũng khốn khổ lùng tìm nguồn tiền lẻ để có thể thực hiện được việc phản đối ấy.

Đổi cả tiền của các nhà chùa ở BOT quốc lộ 5

Chủ đề BOT đang là sự kiện rất được nhiều người quan tâm hiện nay, khi các lái xe sử dụng tiền lẻ để mua vé qua trạm. Thế nhưng, để có được lượng tiền lẻ lớn như vậy thì cần phải có sự chuẩn bị và huy động từ khá nhiều chỗ như chợ, cửa hàng tạp hóa, chùa chiền, hoặc đi “lối tắt” qua các ngân hàng.

Dạo quanh khu vực trạm thu phí BOT trên quốc lộ 5 tìm hiểu thì được một số chủ hàng nước cho biết, thời điểm nóng nhất, có người mang cả bao tải tiền lẻ loại 200 đồng đến, phải đến 100 triệu đồng để đổi hoặc chia cho ai cần. Có người thì đi xe máy SH đến cũng chứa nguyên một cốp xe toàn tiền lẻ loại 200, 500 đồng.

Nên ngay tại gần trạm thu phí, để gom được đủ 40.000 đồng cho 1 vé bằng loại tiền 1.000 – 2.000 đồng cũng khá mệt vì quanh đó chỉ có các hàng nước ven đường, họ cũng phải giữ tiền lẻ để buôn bán. Một số người nghĩ đến việc ra các đình, chùa quanh đó để đổi nên đã chỉ dẫn tới chùa Nôm (một ngôi chùa cổ lớn hàng trăm năm tuổi nằm trên đất Kinh Bắc xưa kia) cách đó gần 10 km.

Phía ngân hàng không cho lưu thông mênh giá tiền đó từ lâu rồi. Loại 1.000 – 2.000 đồng thì có đổi, chứ loại 200 – 500 đồng thì không. Ngoài chùa chiền, ngân hàng ra, còn một đầu mối nữa đó là những người sưu tập tiền,

Tiền mệnh giá 200 còn mới đổi làm kỉ niệm

Anh L.T.K. là một thành viên tham gia tích cực trong cuộc đấu tranh trên diễn đàn cho biết: “Các chùa đều có rất nhiều tiền lẻ do người đi lễ đặt tiền giọt dầu và cầu may. Ai đổi cũng được, không mất phí nhưng người đến đổi cũng lễ tạ nhà chùa chút ít. Đền Bia Bà ở dưới Hà Đông là nơi có thể đổi được rất nhiều bởi đây là đền lớn. Ngoài ra, còn có một chợ đổi tiền lẻ khá nổi tiếng, đó là một chợ vô danh ở Quan Trung, Hà Đông, đoạn qua cầu Trắng khoảng 300m. Đây cũng là nơi có thể đổi được tiền lẻ với tỉ lệ 10 ăn 8 hoặc 9 khá linh hoạt, cho ai có nhu cầu đi lễ chùa hoặc mục đích cá nhân”, anh K. cho biết thêm.

Tiền lẻ loại 500 đồng (Ảnh mạng)

Anh Kiên là một tài xế chuyên chạy xe gia đình tuyến Hải Dương – Hà Nội cho biết: “Mấy ngày nay QL5 nóng hổi thế chủ yếu là các DN vận tải ở Hải Dương và Hải Phòng bức xúc, nên nhiều DN có mười mấy đầu xe container đã có sự chuẩn bị từ trước đó. Việc đổi tiền được các DN đó tiết lộ là không hề khó, vì với tầm quan hệ của DN thì việc đổi ở ngân hàng rất đơn giản. Không những thế, đổi tiền cũng không mất chi phí gì, 1 đổi 1 luôn”, anh Kiên cho biết thêm.

Ở ngân hàng anh N.K.T. cũng không khác, anh T. cho biết: “Dân vào bình thường thì không ai cho đổi tiền mệnh giá 200, 500 đồng. Nhưng nếu có quan hệ thì có thể đổi được không giới hạn số lượng. Trong kho có bao nhiêu có thể đổi được bấy nhiêu”.

Cân tiền

“Tiền lẻ trong kho ở ngân hàng được cất vào trong bao mỗi bao nặng 5 -7 hoặc có thể là 10 kg. Tiền được bó thành cọc, mỗi 1 cọc tiền 200 đồng có trị giá 200.000 đồng, 1 cọc tiền 500 đồng có trị giá 500.000 đồng, vì mội cọc có 1000 tờ tiền. Khách có quan hệ có thể đổi mà không mất chi phí”, anh T. cho biết thêm.

Cân hàng bao tải tiền lẻ ở trạm BOT Cai Lậy

2 ngày trước vụ xả trạm thu phí Cai Lậy, anh Hữu Danh - chủ quán cà phê Gốm và Lá ở phường 6, TP.Tân An (Long An) đã lái ôtô đến các quán ăn ở Tiền Giang để đổi được 22 triệu đồng tiền lẻ, mệnh giá 200 và 500 đồng này.

Anh Danh và số tiền lẻ trữ trên xe

Anh Danh phản ứng bằng cách này, vì cho rằng trạm BOT Cai Lậy đặt sai vị trí và thu tiền với giá cao. Anh đã đổi được trên 22 triệu đồng tiền lẻ có mệnh giá 200-500 đồng để cho chính mình sử dụng và "phục vụ" tài xế có nhu cầu đổi.

"Họ đặt trạm BOT sai vị trí vì làm mới có 12km đường tránh Cai Lậy mà thu tiền luôn tuyến quốc lộ 1. Tôi đổi tiền lẻ qua trạm nhằm phản ứng việc đặt trạm không đúng chỗ", chủ quán cà phê nói.

Số tiền này khoảng 22 triệu đồng

Sau khi mang tiền lẻ về Long An và đổi lại cho một số tài xế, anh Hữu Danh còn 13kg tiền lẻ. Anh Danh cho người canh giữ trên chục kg tiền lẻ này và phía trước có đặt lư hương để tài xế ghé uống nước thắp nhang.

Trưa 16.8, trạm thu phí Cai Lậy vẫn xả cửa

Chiều 14.8, trước khi trạm thu phí cai Lậy xả trạm, anh Danh dùng 1 "bó" tiền lẻ để mua vé qua trạm BOT Cai Lậy. Nữ nhân viên BOT Cai Lậy tỏ ra lúng túng trước cục tiền lẻ nặng gần 1kg…

Do tài xế liên tục dùng tiền lẻ mua vé qua trạm đã khiến cho BOT Cai Lậy bị ùn tắc xe kéo dài. Nhà đầu tư sau đó xả trạm xuyên đêm, đến sáng 15.8, trạm tiếp tục "thả cửa" và chưa biết bao giờ mới bán vé trở lại.

Số tiền còn lại nặng 13kg

Và không riêng anh Danh ủng hộ các tài xế! Theo hướng dẫn của các tài xế, tại các quán ăn lớn là điểm dừng của xe khách tại xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè (Tiền Giang) để mục sở thị nơi chứa tiền lẻ.

Các quán ăn cũng sẵn tiền lẻ đổi cho tài xế

"Trạm dừng chân nào của khách đi xe đường xa là có thùng tiền lẻ đặt cạnh nhà vệ sinh. Khi nào thùng tiền đầy thì chủ quán cho nhân viên đếm rồi cột lại thành từng 'bó' 1.000 tờ, ai muốn đổi thì đổi", 1 tài xế nói.

Hoàng Anh (tổng hợp)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/hai-huoc-chuyen-tai-xe-lung-tim-tien-le-de-doi-pho-tram-bot-o-khap-noi-226049/