Hai dự án bauxite lỗ, đội giá: Thử nghiệm là...làm thật?

Nếu các nhà kinh tế hạch toán đúng và hạch toán đủ và không có tư tưởng “nhiệm kỳ” thì số lỗ trên còn cao hơn nữa.

6 điểm mấu chốt

Ngày 13/3, báo Pháp Luật TPHCM đưa tin, cơ quan thanh tra vừa có kết luận thanh tra tại Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Trong đó, đáng chú ý là kết quả thanh tra tài chính hai dự án bauxite - nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông).

Với dự án Tân Rai, theo quyết định ban đầu tổng mức đầu tư cho dự án này là gần 7.800 tỷ đồng với công suất 600.000 tấn/năm, thời gian thực hiện 2006-2009. Qua bốn lần điều chỉnh, đến lần điều chỉnh cuối (tháng 10/2013), tổng mức đầu tư cho dự án này đã tăng lên gần 15.400 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án bị chậm 4 năm so với quyết định phê duyệt lần đầu.

Sau 3 năm đi vào hoạt động, từ tháng 10/2013 đến hết tháng 9/2016, dự án bauxite - nhôm Tân Rai thua lỗ gần 3.700 tỷ đồng.

Nguyên nhân làm tăng chi phí này được cơ quan thanh tra chỉ ra là do điều chỉnh tăng công suất từ 600.000 tấn alumin/năm lên 650.000 tấn/năm, thay đổi công nghệ sản xuất alumin, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tiền lương tăng và năng lực, kinh nghiệm quản lý điều hành của chủ đầu tư, năng lực thi công của nhà thầu còn hạn chế.

Đối với dự án alumin Nhân Cơ, theo quyết định đầu tư ban đầu (năm 2007), vốn đầu tư cho dự án này là gần 3.300 tỷ đồng. Qua hai lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư theo phê duyệt năm 2014, tăng gấp 5 lần với con số hơn 16.800 tỷ đồng.

Cơ quan thanh tra đã chỉ ra nguyên nhân đội vốn là do thay đổi công suất của nhà máy từ 300.000 tấn/năm lên đến 650.000 tấn alumin/năm.

Tổ hợp Bauxit Nhôm Lâm Đồng (Nhân Rai và Tân Cơ) lỗ gần 3.700

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 15/3, TS Nguyễn Thành Sơn - nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết: "Trước khi nói đến 2 dự án trên, thứ nhất, tôi xin nhắc lại nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị (Thông báo số 245- TB/TW ngày 24/4/2009) và Chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ (Công văn số 650/TTg-KTN ngày 29/4/2009) về các dự án bauxite Tây Nguyên này là mang tính chất thử nghiệm.

Thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, các đối tác Pháp cũng đã khuyên Việt Nam cần phải làm thử nghiệm từ A đến Z, và chỉ nên thử nghiệm với công suất alumina khoảng 200.000 tấn/năm và làm cả ra nhôm kim loại với công suất khoảng 100.000 tấn/năm vừa đủ đáp ứng nhu cầu trong nước.

Sau này, chúng ta đã thử nghiệm đến 2 dự án, công suất ban đầu là 300.000 tấn/năm mỗi dự án, rồi lại được nâng lên 650.000 tấn/năm mỗi dự án, tức là gấp hơn 6 lần so với tư vấn. Như vậy là đã vội vàng triển khai phát triển hàng loạt ngay, chứ không còn là thử nghiệm nữa.

Lý do nâng công suất mỗi dự án lên gấp hơn 2 lần theo TKV là để giảm suất đầu tư. Nhưng thực chất thì suất đầu tư không những không giảm mà còn tăng lên.

Lý do triển khai đồng loạt cả hai dự án và chỉ định cùng một nhà thầu Trung Quốc cho cả hai dự án cũng được TKV nêu ra là để giảm vốn đầu tư. Về lý thuyết, trong trường hợp này, thì vốn đầu tư của dự án Nhân Cơ phải thấp hơn vốn đầu tư của dự án Tân Rai 15-30%. Nhưng thực tế thì ngược lại.

Thứ hai, tổng mức đầu tư cả 2 dự án đều tăng lên và đạt tổng mức đầu tư là 650 triệu USD/dự án, một dự án chậm gần 4 năm, 1 dự án hơn 2 năm. Như vậy, việc chậm tiến độ gần 6 năm như vậy đã làm tăng khoản mục “lãi vay trong quá trình xây dựng” (IDC) trong tổng mức đầu tư. Kéo dài thời gian xây dựng là kéo dài thời gian trả lãi vay.

Chỉ riêng lãi suất trong quá trình xây dựng đã tăng lên hàng chục triệu USD. Trong khi doanh thu thì lại bị đẩy lùi.

Thứ ba, vấn đề trượt giá, trước đây khi giải trình, chủ đầu tư là TKV và cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công thương cũng đã tính đến trượt giá. Nhưng bây giờ, tổng vốn đầu tư đã tăng lên chỉ do trượt giá đã tới hơn 1500 tỷ đồng. Tức là những dự kiến của Chủ đầu tư và Bộ Công Thương là thiếu trách nhiệm.

Thứ tư, sang đến hiệu quả sản xuất, đó là chi phí sản xuất trừ đi giá bán nếu âm thì hiệu quả, còn dương thì không hiệu quả. Giá bán ngày xưa Bộ Công thương dự tính còn cao hơn giá bán hiện nay, cho nên, lỗ kế hoạch dự tính chỉ khoảng vài năm.

Tôi còn nhớ lúc đó còn có viễn cảnh dự kiến giá nhôm tăng 1,25%/năm, trong khi giá alumina phụ thuộc vào giá nhôm. Tuyệt nhiên đây chỉ là cách giải trình xin phê duyệt dự án, chứ kể cả có tăng như vậy cũng rủi ro và không có lãi.

Thực chất bây giờ giá không tăng được như vậy, là bởi vì, giá khoáng sản trên thế giới cũng phụ thuộc vào giá năng lượng, giá dầu, giá khí và phụ thuộc vào thị trường alumina đã được hình thành.

Nguồn cung trên thế giới về alumina khoảng 50-60 triệu tấn/năm đã được an bài. Các hộ tiêu thụ alumina cũng đã gắn với các nguồn cung đó, không có gì thay đổi. Nên khả năng chen chân vào thị trường alumina thế giới của TKV là không cao.

Đơn giản, nếu cả hai nhà máy chạy hết công suất là 1,3 triệu tấn, trong khi thị trường thế giới là 60 triệu tấn thì cũng không có cách nào điều chỉnh được, mà vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nó.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/hai-du-an-bauxite-lo-doi-gia-thu-nghiem-lalam-that-3331174/