Hại đời con trẻ vì tham bỉm giá rẻ

Nhiều loại bỉm giá rẻ không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan. Nhiều bà mẹ vô tư mua dùng cho trẻ mà không biết sức khỏe con mình đang bị đe dọa.

Người tiêu dùng vẫn tù mù về chất lượng bỉm giá rẻ

Hàng “lỗi” nên giá rẻ?

Ngoài những sản phẩm được giới thiệu là hàng ngoại nhập, hàng xách tay từ Nhật, Mỹ, Đức,… nhiều nơi còn chào hàng loại bỉm đủ các thương hiệu Bobby, Hugges, Pampy, MamyPoko, Merzy… nhưng là hàng không có một dòng thông tin về nhà sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, hạn dùng được đóng 10 – 100 miếng trong bịch nilon trong suốt với giá từ 25 – 50 ngàn đồng/ bịch. Loại bỉm “ba không” này được gọi với tên “bỉm trần” được rao bán tràn lan từ các trang mạng cho tới các cửa hàng kinh doanh đồ trẻ em hay các cửa hàng chuyên doanh bán sữa bỉm.

Khảo sát trên thị trường Hà Nội: “Bỉm trần” Bobby của Diana có giá 29 – 32 ngàn đồng/ bịch loại 10 miếng (tùy theo size M – L – XL), bỉm dán Sabol’s có giá 180 ngàn đồng/ bịch 50 miếng, bỉm Newborn cho trẻ sơ sinh từ 33 – 38 ngàn đồng/bịch còn “bỉm trần” già (bỉm dành cho người già) có giá 70 ngàn đồng/ bịch.

Chủ một cửa hàng trên đường Giải Phóng giải thích: “Bỉm đóng trong túi trắng, không in nhãn hiệu có một số lỗi về hình thức nhưng về chất lượng thì không vấn đề gì. Đặc biệt có mối từ nhà máy tuồn ra nên luôn có hàng”.

Tin là “hàng thứ cấp” có thương hiệu, bị lỗi về hình thức, chất lượng vẫn đảm bảo nên nhiều bà mẹ ham rẻ đã mua để tiết kiệm. Chị Lê Thị Vân Anh (Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội) có con nhỏ một tuổi, cho rằng: “Tã giấy có thương hiệu thì không lo chất lượng, có lỗi chút ít về hình thức cũng không sao. Mỗi lần tôi thường mua năm đến bảy bịch tiết kiệm được hơn 200 ngàn/ tháng so với mua loại có nhãn mác đàng hoàng”.

Tã giấy ( bỉm) được gắn hàng thứ cấp giá rẻ được bán tràn lan trên thị trường

Đánh cược với sức khỏe của con trẻ

Chị Lê Thị Loan (Nhân viên văn phòng, Trần Hưng Đạo, Hà Nội) chia sẻ: “Muốn tiết kiệm chi phí sinh hoạt trong gia đình, mình nghe lời chị hàng xóm mua bỉm trần cùng nhãn hiệu để dùng thử. Lúc mua về mình đã thấy chất lượng sản phẩm hơi kém. Cái thì thiếu miếng dán, cái thì hỏng chun bên hông mà kích thước cũng không giống hàng có bao bì cùng nhãn hiệu. Tuy nhiên, đã lỡ mua rồi, nên mình cũng cứ dùng thử”. Ngày hôm đó, mình thay cho con 4 lần bỉm theo “chế độ” bình thường, đến tối thấy con khóc ngằn ngặt, mình kiểm tra thì thấy mông của con bị hăm đỏ tấy và có dấu hiệu bắt đầu lở loét. Xót con quá, mình không nghĩ ngợi gì, vứt luôn túi bỉm còn gần trăm cái vào sọt rác. Sau đấy là hơn một tuần đưa con đi khám và điều trị. Đúng là tiền mất tật mang, chị Loan chia sẻ thêm.

Như vậy, có thể thấy rằng: mặc dù được quảng cáo là sản phẩm có cùng nhãn hiệu, xuất xứ từ cùng một công ty, chỉ khác nhau ở chỗ có bao bì và không có bao bì. Người bán thì khăng khăng đảm bảo chất lượng, nhưng thực tế sử dụng lại cho kết quả hoàn toàn khác biệt. Nếu như sản phẩm chỉ vì bị “xô lệch miếng dán” nên mới bị loại, sẽ không có chuyện khiến cho trẻ bỗng dưng dị ứng và bị hăm sau khi sử dụng theo cùng một một thời gian biểu giống như loại bỉm có bao bì mà gia đình vẫn thường dùng.

Nguy hại nhưng thiếu kiểm soát

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay trên thị trường có khoảng 50 nhãn hiệu bỉm trẻ em. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có quy định nào về tiêu chuẩn mặt hàng này. Trước mối nguy hại từ mặt hàng này PV đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Hải Vân, Bệnh viện Da liễu Trung ương.

“Bỉm chất lượng tốt thường có thêm những hạt siêu thấm, giúp thấm hút các chất thải và phân bố đều theo dọc tã, giúp bé cảm thấy dễ chịu. Còn các loại bỉm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc trên thị trường thường có độ thấm hút kém, không đạt tiêu chuẩn khử trùng. Hơn nữa, khi trẻ đi vệ sinh xong chưa kịp thay bỉm sẽ gây thấm ngược trở lại vùng da và hình thành vi khuẩn, mầm gây bệnh nguy hiểm”. TS Vân khuyến cáo.

Mặt khác, người dùng không thể kiểm định được chất lượng bỉm sẽ gây nguy hiểm tới sức khỏe của bé vì bỉm tiếp xúc trực tiếp với da trẻ, về lâu dài có thể gây ung thư da mà không biết trước được. Đã có nhiều trường hợp trẻ bị hăm đỏ, viêm da, nhiễm trùng da. Nguy hiểm hơn gây tổn thương vùng sinh dục, dẫn đến đái buốt, viêm hạch bẹn, các bé gái có nguy cơ cao bị nấm cửa mình, còn ở trẻ nam có thể gây viêm nhiễm hệ tiết niệu cấp tính, có tác hại cho tinh hoàn, vị TS này nhấn mạnh nguy cơ tiềm ẩn từ bỉm chất lượng kém được bày bán trên thị trường.

Trên thị trường có khoảng 50 nhãn hiệu bỉm trẻ em và hiện Việt Nam chưa có quy định về tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm này

Đồng quan điểm với TS Nguyễn Thị Hải Vân, PGS.TS Nguyễn Đình Thành, Khoa Hóa học, Đại học Quốc Gia Hà Nội cho biết: “Trong tã giấy (bỉm) có hóa hóa chất diệt khuẩn, diệt mốc, chất tạo hương thơm… Nếu chọn và sử dụng không đúng loại, liều lượng thì các chất này sẽ bị oxy hóa thành chất độc gây nguy cơ dị ứng viêm da. Đặc biệt, bên cạnh loại hóa chất ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, không ít nhà sản xuất còn đưa vào tã giấy loại hóa chất cực mạnh để giết chết vi khuẩn. Khi đó, vi khuẩn có lợi cũng bị tiêu diệt càng tạo thuận lợi cho nấm mốc phát triển”.

Ngay cả những sản phẩm có thương hiệu, nếu dùng thường xuyên cho trẻ nhiều lần trong ngày cũng không tốt, nhất là với trẻ có cơ địa dị ứng. Cách tốt nhất chỉ dùng cho trẻ khi cần thiết, PGS.TS Nguyễn Đình Thành đưa ra lời khuyên.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh mặt hàng bỉm kém chất lượng trước khi quy chuẩn và tiêu chuẩn chất lượng về tã giấy (bỉm) được ban hành. Bên cạnh đó, cũng khuyến cáo các bà mẹ không nên ham rẻ trước mắt rồi rước họa cho con em mình.

Tuấn Anh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/hai-doi-con-tre-vi-tham-bim-gia-re-d104588.html