Hải "đồ cổ" giờ sống ra sao?

- Từng là người giàu có, nhưng với 9 lần đứng trước vành móng ngựa, khi bước ra khỏi trại giam, Bùi Xuân Hải (Hải “đồ cổ”) trắng tay. Ông lại gây dựng cơ nghiệp từ đầu...

Từ cái “lọ khạc nhổ” Bùi Xuân Hải vốn sinh ra và lớn lên ở huyện Ân Thi, Hưng Yên. Thuở nhỏ, Hải là học sinh giỏi từ cấp trường đến cấp quốc gia, được tuyển cử vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội, học tại khoa Địa lý kinh tế. Ra trường Hải được nhận ngay vào giảng dạy tại trường THPT Phù Cừ, Hưng Yên... Từ năm 1965 - 1978, suốt 13 năm công tác trong ngành giáo dục, ông liên tục là giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia. Nhưng rồi một cơ duyên đã biến ông đi sang một con đường hoàn toàn mới, cho đến tận bây giờ ông vẫn còn nhớ như in: Trong một lần đến nhà thăm một em học sinh, bố của em bị bệnh lao phổi. Cứ mỗi lần khạc nhổ ông ta lại cầm một chiếc bình bằng sứ cũ bẩn để khạc đờm vào, vừa bất tiện vừa bẩn thỉu. Tôi về mua tặng cho bố em học sinh đó một cái bô bằng sứ, khảm trai rất đẹp và tiện lợi. Người học trò không biết lấy gì cảm ơn, đem cái lọ cũ lau rửa thật kỹ thấy trên lọ có hình các thiếu nữ xung quanh trông rất đẹp, nên mang đến tặng ông Hải... Một thời gian sau có người bạn trên Hà Nội về chơi, dẫn thêm một người bạn về thấy đẹp nên gạ mua cái lọ sứ đó với giá hai cây vàng. Theo họ chiếc lọ sứ này có niên đại từ thời vua Hùng nên rất quý. “Tôi ngỏ ý không bán, họ tiếp tục ra giá 5 cây, rồi 7 cây vàng... Cuối cùng tôi cũng đồng ý nhận lời bán. Có tiền tôi đầu tư vào việc buôn bán đồ cổ từ khắp trong Nam ngoài Bắc”, ông Hải nhớ lại. Gia sản còn lại Đã có lúc, Hải “đồ cổ” có hàng tạ vàng. Thế mà giờ đây gia sản của ông chỉ còn là một khu đất hoang 1 hecta mà ông đấu tranh mãi mới giữ lại được, một xưởng sản xuất gốm sứ còm cõi, sản xuất chỉ cầm chừng vì không có vốn. Vừa qua, Bộ Khoa học Công nghệ đưa chương trình “tiết kiệm năng lượng” cho các đơn vị sản xuất gốm sứ. Thế nhưng, “đến một đồng chúng tôi cũng không nhận được vì thủ tục ngân hàng đòi hỏi những giấy tờ hết sức “phi lý” như phải thông qua vốn điều lệ, thế chấp tài sản, sổ đỏ đất đai đang làm việc... muốn đầu tư phát triển xưởng gốm đành chịu”, ông Hải tâm sự. Ông Hải nhớ lại: “Chẳng ai dạy tôi làm nghề sứ, tôi tự mua sách vở về nghiên cứu, tìm ra các nét riêng trong chế tác đồ sành sứ của các nước trên thế giới. Chính tay tôi tự đập nhiều loại đồ cổ đắt tiền cũng chỉ vì được nhìn thấy cái cốt của vật bên trong và lớp tráng bên ngoài của nó. Để rồi giờ đây tôi đã có thể chế tác ra trên 400 mẫu mã các loại đồ. Xưởng gốm sứ của ông chủ yếu làm sứ cao cấp được vẽ hoa văn bằng vàng ròng 9999. “Đồ gốm tôi sản xuất ăn đứt đồ của Trung Quốc, bởi được làm 100% là vẽ bằng thủ công của người thợ, nên những bộ ấm chén mạ bằng vàng, dùng đến gần chục năm mà vẫn sáng loáng như mới...”, ông Hải quả quyết. Dạy nghề và… Hàng năm ông đào tạo hàng trăm người học nghề miễn phí, vừa học vừa làm hằng tháng cũng nhận được 1,5 triệu đồng. Tiêu chí tiếp nhận những người đến xưởng học nghề của ông cũng rất đặc biệt, theo tiêu chuẩn “6 không”: không phân biệt dân tộc, tuổi tác, ngôn ngữ, quốc gia, trình độ văn hóa, nhận cả người tàn tật để dạy (kể cả câm điếc). Sau những tháng ngày bươn trải, đối mặt với vòng lao lý, song Bùi Văn Hải vẫn không chùn bước. “Năm nay mới là năm tôi trở lại cuộc sống thực của mình, đi lên với sức mạnh của con hổ non dũng mãnh”, ông Hải khẳng định. Đức Lợi

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1983/201004/Hai-do-co-gio-song-ra-sao-1751729/