Hai chuyện lạ về tiền ngân sách mà lại không lạ

Dù đã mấy hôm, nhưng dư luận cả nước vẫn chưa hết xôn xao vì hai chuyện, xảy ra ở hai địa phương.

Chuyện thứ nhất xảy ra ở Hà Tĩnh: Do những tháng trước vẫn đóng thuế 1 triệu đồng/tháng. Nhưng rồi đột ngột, mức thuế vọt lên đến 4 triệu đồng/tháng, trong khi quy mô của cửa hàng vẫn như cũ, nên chị Phan Thị Thúy, chủ quán bò né (số 145 đường Nguyễn Huy Tự, phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) có đơn khiếu nại. Vì đơn chưa được hồi âm, nên chị tạm ngừng đóng thuế. Thế là đội thuế phường Bắc Hà cử người xuống đứng trước cửa hàng của chị, đuổi khách không cho vào.

Chị hỏi, thì được trả lời: “Chị có đủ 12 triệu đồng đóng thuế của 3 tháng (7, 8, 9) thì bán hàng. Không thì chúng tôi mời khách về. Cấp trên chỉ đạo thế”.

Chuyện thứ hai xảy ra ở trường tiểu học Giai Xuân 3, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Đây là một trường nhỏ, cả giáo viên và học sinh chỉ có 200 người.

Trước đây, trường có một nhà vệ sinh, nhưng không đạt chuẩn. Để phấn đấu trở thành trường chuẩn quốc gia, trường được đầu tư xây dựng một nhà vệ sinh mới. Công trình do Phòng GD-ĐT huyện làm chủ đầu tư, nhà trường không liên quan, cũng không giám sát. Kinh phí do UBND huyện rót cho phòng, phòng chuyển về trường, trường chỉ việc trả cho nhà thầu thi công. Công trình có diện tích đất 30m2, diện tích xây dựng 24m2. Thiết bị vệ sinh chỉ là loại bình thường, nhưng trị giá công trình lên đến... 700 triệu đồng. Con số này khiến không biết bao nhiêu người ngỡ ngàng, đến mức “không tin nổi, dù đó là sự thật”.

Hai câu chuyện trên, tưởng lạ, nhưng hóa ra không lạ. Bởi ép, và dùng những “đòn bẩn” để ép dân, đã là “chuyện thường ngày” trên khắp đất nước này: Ép nộp các loại “quỹ”, ép nhận tiền đền bù đất...

Ngoài cách ép bằng việc đuổi khách như trên, người dân còn bị ép bằng rất nhiều cách khác như không chứng nhận cho con cái đi học, đi làm, không đăng ký kết hôn, không xác nhận khi muốn vay vốn ngân hàng, thậm chí cắt điện, cắt nước...

Và kê khống các công trình xây dựng, các gói thầu mua sắm... cũng đã từng xảy ra ở rất nhiều nơi, nhiều cơ quan, mà chuyện cái tàu lặn có giá 100 triệu, được Vũ Quốc Hảo, Giám đốc Công ty cho thuê tài chính II kê khống lên 1.000 lần, thành 130 tỷ, hay cái ụ nổi đồng nát BM83 có giá 2 triệu USD đã được Dương Chí Dũng kê khống lên thành 9 triệu USD, là những ví dụ điển hình nhất.

Vì sao chỉ một cái nhà vệ sinh con con, lại không giao cho trường, mà Phòng GD-ĐT huyện phải đứng ra làm chủ đầu tư? Một cái nhà vệ sinh có 24m2, được lắp đặt những thiết bị hết sức bình thường, tại sao lại có giá trị tới 700 triệu đồng? Trong khi một chủ thầu xây dựng ở địa phương cho biết, nếu công trình đó vào tay ông ta, thì chỉ 50 triệu đồng đã là... lãng phí rồi. Phải chăng từ trên những chỗ “cao chót vót”, số tiền đó rót xuống, cứ qua mỗi cấp lại “đọng” lại một ít, nên cái nhà vệ sinh mới có giá “trên cả trên trời” như thế?

Hai câu chuyện trên nói lên điều gì? Xin thưa, đó là thực trạng ngân sách quốc gia của ta hiện nay: Dùng mọi biện pháp để thu, thu được rồi thì lại tiêu vô tội vạ!

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/hai-chuyen-la-ve-tien-ngan-sach-ma-lai-khong-la-post176526.html