Haenyo - những nàng tiên cá cuối cùng của xứ sở Kim Chi

Truyền thống lặn xuống biển sâu để bắt hàu, hải sâm, bào ngư, cầu gai và mực có từ thế kỷ thứ 5. Ban đầu, chủ yếu chỉ có nam giới làm việc này nhưng đến thế kỷ thứ 18, những thợ lặn nữ hay còn được biết đến với tên gọi “Haenyo” hoặc “người đàn bà biển” đã vượt xa những người đàn ông.

Tính đến năm 2010, hầu hết các Haenyo đều đã bước qua tuổi 70

Lặn biển không phải là một công việc dễ dàng. Các Haenyo phải lặn sâu xuống 20m trong điều kiện nước biển lạnh băng mà không có bất kỳ thiết bị nào và mỗi lần lặn họ phải nhịn thở khoảng hơn 2 phút. Nhiều phụ nữ thạo nghề thậm chí còn thay thế chồng mình để trở thành người kiếm tiền chính trong gia đình.

Sau nhiều thế kỷ, đến nay các Haenyo vẫn còn tồn tại mặc dù có lẽ sẽ không kéo dài được lâu nữa. Nhiếp ảnh gia Mijoo Kim đã thực hiện bộ ảnh khắc họa chân dung những người phụ nữ kiên cường đã cống hiến cuộc đời mình cho nghề lặn. “Những thợ lặn nữ này đang nắm giữ một di sản của Hàn Quốc và sẽ trở thành những người cuối cùng trong nghề này. Họ là thế hệ Haenyo cuối cùng”, Kim viết trong thư gửi tờ Huffington Post.

Thế hệ những phụ nữ Hàn Quốc trẻ hơn được sinh ra và lớn lên trên các hòn đảo từng là quê hương của các Haenyo hiện đã đổ xô vào đất liền để theo đuổi việc học hay một nghề khác. Tính đến năm 2010, hầu hết các Haenyo ít ỏi còn lại đều đã bước qua tuổi 70 và không có lớp phụ nữ kế cận học hỏi để tiếp tục theo đuổi nghề này.

Bản thân Kim cũng là một phụ nữ Hàn Quốc và từ lâu cô đã xem nhiếp ảnh như một phương tiện để thông qua đó truyền tải những câu chuyện về di sản văn hóa của mình. Cô đặc biệt bị thu hút bởi các Haenyo, những người hầu như không hề được thế giới biết đến mặc dù công việc này của họ đã có từ cách đây rất lâu.

Quá trình chụp hình cũng không hề dễ dàng. Kim phải dậy từ khoảng 4 giờ sáng để đi cùng các Haenyo trong những chuyến lặn xuống biển sâu của họ. Cô mất 2 giờ lái xe tới quận Gijang ở phía Nam Hàn Quốc trong thời tiết mùa đông khắc nghiệt – nhiệt độ trung bình năm 2013, năm Kim thực hiện chuỗi hình là khoảng 30độ F (dưới -1độ C). Nhưng mùa đông lại là mùa của cầu gai – hay nhím biển, vì vậy mùa đông là mùa làm việc của các Haenyo.

“Ngày đầu tiên chụp hình dưới nước cũng là ngày chụp khó nhất. Tôi đã nghĩ rằng mình là một người bơi khá giỏi. Vì vậy tôi rất tự tin và cảm thấy vô cùng hào hứng khi có thể chụp hình dưới nước. Nhưng tình huống dưới nước hoàn toàn không đơn giản. Tôi thậm chí không thể theo sát họ. Đối với tôi họ giống như những nàng tiên cá – rất nhanh nhẹn và linh hoạt. Tôi thậm chí không nhìn thấy bất kỳ con nhím biển nào vì chúng giống như những hòn đá trong nước”.

Loạt hình của Kim đã ghi lại hình ảnh của các Haenyo cả lúc làm việc lẫn khi nghỉ ngơi, cho thấy cường độ lao động hàng ngày của họ cũng như những biểu cảm trên gương mặt họ. Những hình ảnh “nặng ký” nhất là các bức chụp cận cảnh gương mặt những người phụ nữ trong bộ đồ lặn bao kín từ đầu tới chân. Khuôn mặt họ hằn lên vẻ kiệt sức và nước mắt đang dâng đầy trong đôi mắt họ.

Thông qua loạt hình này, Kim hy vọng có thể khiến một truyền thống do phụ nữ dẫn đầu nhưng có lẽ sẽ không còn tồn tại lâu nữa trở thành bất tử. “Tôi hy vọng được chia sẻ không chỉ vẻ đẹp của họ - những người phụ nữ, mà còn cả sự can đảm của họ khi đối mặt với những khó khăn đó trong suốt cuộc đời mình”, Kim chia sẻ.

Kim Chi (theo Huffington Post)

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/the-gioi/haenyo---nhung-nang-tien-ca-cuoi-cung-cua-xu-so-kim-chi-128904