Hà Tĩnh: Xét xử vụ ‘hô biến’ đất công thành đất tư

Sáng nay, ngày 29/11, vụ án nguyên Chủ tịch UBND huyện, kiêm chủ tịch Hội đồng bồi thường và giải phóng mặt bằng (HĐBT&GPMB) huyện Kỳ Anh, Nguyễn Văn Bổng cùng 7 đối tượng khác biến đất công thành đất tư để trục lợi bắt đầu được đưa ra xét xử.

8 bị cáo tại phiên tòa.

Sáng 29/11, TAND Hà Tĩnh mở phiên xét xử sơ thẩm đối 8 bị cáo gồm: Nguyễn Văn Bổng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, Chủ tịch HĐBT-GPMB; Phạm Huy Tường (nguyên Trưởng phòng TN&MT, Phó Chủ tịch HĐBT-GPMB huyện Kỳ Anh); Lê Anh Đức, Hồ Xuân Cường, nguyên là cán bộ HĐBT-GPMB huyện Kỳ Anh; Lê Xuân Nghinh (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Long); Lê Hữu Diện (nguyên Chủ tịch UBND xã Kỳ Long); Lê Quang Hà (nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Long); Lê Công Diếu (nguyên Chủ tịch UBND xã Kỳ Phương).

Các bị cáo: Nguyễn Văn Bổng, Phạm Huy Tường, Lê Hữu Diện, Lê Xuân Nghinh, Lê Quang Hà, Lê Anh Đức bị truy tố về tội “ Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 điều 165 Bộ luật hình sự.

Còn bị cáo Lê Công Diếu và Hồ Xuân Cường bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” theo điểm d, khoản 2 điều 165 Bộ luật hình sự.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh: Từ năm 2008 và 2009, trong quá trình lập hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng tại dự án xây dựng Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương thuộc KKT Vũng Áng, ông Nguyễn Văn Bổng cùng các đồng phạm đã cấu kết “cố ý làm trái các quy định kinh tế của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.”

Với hình thức chuyển đổi từ đất công sang đất có chủ, Nguyễn Văn Bổng và các đồng phạm đã chuyển 72,78 hecta đất tại 2 xã Kỳ Long và Kỳ Phương thành 546 hồ sơ đất của người dân để chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Văn Bổng yêu cầu HĐXX xem xét lại
số tiền các bị cáo đã làm thất thoát.

Tại phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Văn Bổng thừa nhận bản thân đã sai. Nhưng sai là do buông lỏng quản lý trong công tác, kiểm tra, thẩm định, đền bù đất tại các xã. Áp lực công việc quá lớn, trong một thời gian ngắn nhưng phải xử lý một khối lượng công việc khổng lồ nên đã tin tưởng giao cho cấp dưới. Ngoài ra, khi thực hiện chi trả đền bù bị cáo đã không thông qua Sở Tài chính thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt mà “cứ nghĩ tiền trong hồ sơ thì cứ theo hồ sơ mà chi trả”.

Khi được hỏi bị cáo căn cứ vào cơ sở pháp lý nào để chuyển đổi từ đất công thành đất tranh chấp, bị cáo Bổng biện minh rằng do bản thân tuy là Chủ tịch HĐBT&GPMB nhưng không rõ chuyên môn chỉ nắm sơ sơ.

Tại phiên sáng nay, cả 2 bị cáo Nguyễn Văn Bổng và Phạm Huy Tường đều đề nghị HĐXX xem xét lại số tiền mà các bị cáo làm thất thoát.

Cụ thể, số tiền được phép phê duyệt hạng mục đất tranh chấp tại Kỳ Long là 22,7 tỷ đồng trong khi con số thực tế là 22,4 tỷ đồng (thất thoát 347 triệu đồng); con số tương ứng tại Kỳ Phương là 4,2 tỷ đồng trong khi số tiền thực tế là 4,1 tỷ đồng (thất thoát 94,3 triệu đồng).

Bị cáo khẳng định, tổng số tiền bị thất thoát là hơn 441 triệu đồng chứ không phải hơn 10 tỷ như cáo trạng đã nêu. Liên quan vấn đề này, HĐXX đã yêu cầu UBND thị xã Kỳ Anh cần xem lại hồ sơ và trả lại trước tòa.

Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài đến ngày mai (30/11).

Hạnh Nguyên

Từ khóa

đất công đất tư hà tĩnh xét xử

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giam-sat-phap-luat/ha-tinh-xet-xu-vu-ho-bien-dat-cong-thanh-dat-tu/137732