Hà Tĩnh, Quảng Bình khẩn trương ứng phó mưa lũ lớn

Lãnh đạo các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình chỉ đạo các cơ quan liên quan đặc biệt lưu ý trong vận hành xả lũ hồ chứa phải bảo đảm an toàn cho hồ đập và vùng hạ du.

Mưa lớn gây ngập úng tại xã Hương Trà (huyện Hương Khê).

Chiều tối 31/10, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì cuộc họp khẩn cấp để triển khai phương án ứng phó với mưa lũ.

Tại Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của không khí lạnh, 3 ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã có ra mưa to đến rất to và dông. Mực nước lũ trên các triển sông tiếp tục lên nhanh; đặc biệt các khu vực phía nam và các địa phương vùng hạ du các hồ chứa lớn, nhà máy thủy điện.

Một số hồ chứa nước trên địa bàn và nhà máy thủy điện đã phải xả lũ điều tiết nước. Từ lúc 15h ngày 31/10, mực nước thủy điện Hố Hô ở cao trình +64,30 m, hồ xả lưu lượng 208 m3/s; hồ Kẻ Gỗ xả lưu lượng 250 m3/s; hồ Sông Rác xả 200 m3/s; hồ sông Trí đang xả với lưu lượng 100 m3/s và một số hồ chứa Bộc Nguyên, Kim Sơn, Tàu Voi xả lũ từ 10-50 m3/s.

Theo báo cáo của các địa phương, hiện các xã Phương Điền, Phương Mỹ, Hương Thủy, Hương Giang và phần diện tích của xã Hương Trạch, Lộc Yên (Hương Khê) đã có đường liên thôn, liên xã bị ngập từ 0,5 đến 1,0 m; 248 hộ thị xã Kỳ Anh và 182 nhà dân ở huyện Kỳ Anh bị ngập dưới 1 m; cầu tràn, cầu Bòng xã Kỳ Sơn bị trôi mố; tuyến QL 1A qua thị xã Kỳ Anh tại ngã ba đường tránh thị xã bị ngập 0,3-0,5 m.

Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh, trước tình hình diễn biết phức tạp của thời tiết, yêu cầu các cấp sau cuộc họp này phải triển khai ngay các phương án ứng phó với mưa, lũ, trong đó chú trọng đến an toàn các hồ đập và vùng hạ du.

Cụ thể, một số hồ chứa lớn phải bám sát theo dõi chặt chẽ mực nước để chủ động vận hành điều tiết xả lũ theo đúng quy trình, hồ nào đặc biệt cần xả đêm với lưu lượng lớn thì phải báo cáo.

Riêng Thủy điện Hố Hô, nếu mưa nhỏ thì phải kìm chế việc xả lũ nhưng lượng mưa đạt từ 100-200 mm phải báo cáo huyện, tỉnh để triển khai phương án sơ tán dân.

Đối với vùng hạ du phải được thông báo, cảnh báo thường xuyên về tình hình mưa, lũ để người dân chủ động ứng phó; các địa phương Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn cần chủ động phương án sơ tán dân để đề phòng lũ quét.

Diến biến mưa lũ ở Hà Tĩnh hiện rất phức tap.

Tại huyện Hương Khê, mưa lớn từ đêm 31/10 đã làm các xã Phương Mỹ, Phương Điền, Hòa Hải, Hà Linh, Phúc Đồng, Hương Thủy, Hương Giang, Gia Phố, Lộc Yên, Hương Đô, Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Xuân, Phú Phong bị ngập lũ với khoảng trên 1.200 hộ bị ngập; trong đó, hàng trăm hộ bị ngập từ 1-1,5 m.

Nếu tiếp tục mưa lớn, tình hình ngập lụt sẽ bằng hoặc có thể vượt qua đỉnh lũ đợt 14-15/10. Huyện Hương Khê đã chỉ đạo các xã thông báo lũ khẩn cấp và tổ chức sơ tán lũ bởi thủy điện Hố Hô vẫn đang xả tràn với lưu lượng 1.064 m3/s (lúc 8h sáng 1/11).

Chiều 31/10, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ. Ảnh: Báo Quảng Bình

Tại Quảng Bình, cũng trong chiều 31/10, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp khẩn đôn đốc thực hiện phương án phòng, chống và ứng phó với tình hình lũ lụt.

Ở Quảng Bình, từ 1h ngày 30/10 đến 13h ngày 31/10 đã có mưa vừa đến mưa to, đặc biệt ở phía bắc tỉnh mưa rất to, có nơi mưa lớn hơn như: Tân Mỹ 335 mm, Ba Đồn 299 mm. Chiều 31/10, nước ở sông Kiến Giang tiếp tục lên, nước sông Gianh đang xuống chậm...

Nhận định đây là đợt mưa khá lớn, trong khi tỉnh vừa bị ảnh hưởng nặng nề do đợt lũ, lụt giữa tháng 10 vừa qua, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương cần nghiêm túc rút kinh nghiệm đợt lũ vừa rồi để chỉ đạo ứng phó, không để xảy ra thiệt hại về người.

Các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ để cảnh báo cho dân cư sống ở vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét biết thông tin để chủ động các biện pháp ứng phó. Chủ động tổ chức, thực hiện các phương án bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng người dân. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kêu gọi tàu thuyền vào trú ẩn, neo đậu an toàn, chắc chắn, không để tàu thuyền bị trôi, bị chìm.

Ngành thủy lợi kiểm tra rà soát phương án phòng chống lũ, lụt, phương án điều tiết nước hợp lý, bảo đảm an toàn hồ đập cũng như an toàn vùng hạ du. Các địa phương, đơn vị cử cán bộ trực 24/24h để xử lý tình hình và có biện pháp ứng phó kịp thời, đặc biệt tập trung ở các vùng xung yếu, các hồ có nguy cơ cao.

Các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, quán triệt cho nhân dân không vớt củi, đánh bắt hải sản trên các khu vực ngập nước, khu vực nguy hiểm, không được để xảy ra thiệt hại về người...

Thanh Xuân

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/ha-tinh-quang-binh-khan-truong-ung-pho-mua-lu-lon/290422.vgp