Hà Tĩnh mình ơi!

Hà Tĩnh mình ơi… Nếu đủ đầy cái thời chưa chia tách, tỉnh ca thương mến của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý phải là Nghệ Tĩnh mình ơi, Sông Lam gọi núi Hồng. Trong số bạn bè tếu táo có lắm đứa bạo mồm đặt lời nhép trêu nhau Nghệ Tĩnh mình ơi, ai xui dại cũng mần.

Một góc nhà máy Formosa. Ảnh: Hồng Lộc

Một góc nhà máy Formosa. Ảnh: Hồng Lộc

Tôi dân Khu Tư nhưng không phải người Hà Tĩnh. Nhưng thuở hoa niên có lắm duyên gần Hà Tĩnh. Có mấy năm nằm giường sắt ở ký túc xã Mễ Trì cùng học chữ Hán với anh Ngô Đức Nguyên người Đức Thọ (nay đã mất). Bập vô nghề báo lại có 5 năm độc thân nằm bàn cùng phòng cơ quan báo với Dương Xuân Nam quê ở Kỳ Anh sau là nhà thơ Dương Kỳ Anh nổi danh. Rồi suýt nên cơm thành cháo với một O người Cẩm Xuyên nhưng đùng cái chả vô mô với mô. Về già lại là hàng xóm cùng dưỡng sinh chữa to bụng với nhà thơ cao niên người Đức Thọ Phan Cung Việt. Nói chi thì nói, Hà Tĩnh vẫn là nơi chốn đi về của đám dân viết chúng tôi một thuở một thời.

Đùng cái, thời Formosa

Giờ giải lao, đứng chứng kiến cảnh báo chí dáo dác hỏi nhau bữa khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV và liền ba, bốn hôm như thế rằng có thấy ông Cự đâu không? Họ đang đi tìm, đi lùng bằng được cái ông Võ Kim Cự bị coi là tác giả thảm họa Formosa. Nhưng không hiểu ông Cự biến đâu mất? Đứng ở cửa phòng Diên Hồng ngó vào khu vực Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh gồm 7 vị chỉ thấp thoáng ông Vương Đình Huệ đang trao đổi chi đó với ông Sơn đại biểu (ĐB) hai khóa liền Giám đốc Sở TBXH. Bên cạnh là hai gương mặt ĐB sinh cùng sinh năm 1976, Tiến sĩ Kinh tế Quỳnh Thơ, Tiến sĩ Luật Lê Anh Tuấn. Còn một vị ĐB, một nhân vật quan trọng nữa, cũng tuổi Thìn 76, không thấy có mặt, sẽ nói đến sau…

Ông Cự đi đâu? Trốn báo chí? Chả biết nữa. Tâm trí tôi đang ngược về cái năm xa, Bí thư Trung ương Đoàn Hà Quang Dự dẫn sang báo Tiền Phong một người thấp đậm, mắt một mí, lanh lợi gặp Tổng biên tập (TBT) báo khi ấy là ông Dương Xuân Nam. Không biết cuộc gặp như thế nào nhưng tan cuộc, TBT hé cái tin là huyện đoàn Cẩm Xuyên của quê nhà Hà Tĩnh đương tính chuyện thành lập Xí nghiệp Thanh niên. Nhưng đang kẹt vốn muốn nhờ báo giúp cho vay ít tiền. Chuyện vay mượn thế nào chả rõ. Nhưng cũng thoáng nhớ cái người thấp đậm ấy là Bí thư huyện Đoàn Cẩm Xuyên Võ Kim Cự.

Năm tháng cứ như mây bay nước chảy. Anh cán bộ Đoàn Võ Kim Cự Trung đoàn phó rồi Chính ủy Trung đoàn TNXP xây dựng quê hương Phan Đình Giót ngày ấy dần dà chững chạc ở các chức danh vị trí những là TGĐ Công ty Liên doanh Austin Hà Tĩnh, phụ trách mỏ titan, Trưởng Ban quản lý khu Công nghiệp Vũng Áng rồi Phó, rồi Chủ tịch, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh ra sao tôi không rõ và cũng chả quan tâm. Và số tiền mấy chục triệu vay để khởi nghiệp ngày ấy với cơ ngơi tư gia hoành tráng của ông không biết thật hư mà nhiều báo mạng đang đăng tải cùng tai tiếng thiệt hại nghiều ngàn tỷ vì Formosa!

Rồi bây giờ cánh báo chí đang lùng ông Cự để phỏng vấn để hỏi cho ra ngọn ngành, cơn cớ ra làm sao mà từ năm 2008 với cương vị kép vừa là Trưởng Ban quản lý Vũng Áng vừa là Phó chủ tịch tay trái trình, tay phải duyệt, ông đã nhanh chóng rước gọn, rước mau thảm họa Formosa và cấp phép cho thảm họa đó đứng chân những 70 năm tại một vị trí đắc địa yết hầu chiến lược của quốc gia vừa qua đã nhả độc tàn phá tan hoang hơn 200 km biển miền Trung đẩy hơn 300 ngàn hộ ngư dân điêu đứng?

Vẫn không gặp được ông Cự.

Ngày thứ ba vẫn giờ giải lao. Vẫn diễn lại cảnh tìm lùng ông Cự. A đây rồi. Một anh báo tuổi sồn sồn vốn thạo tin phẩy phẩy ra tờ giấy.

Không hiểu bằng cách nào mà ông bạn đồng nghiệp già lại có trong tay cái tờ trình mới toe số 07, ngày 23/7/2016 của UB Thường vụ Quốc hội khóa XIII về kết quả phê chuẩn số lượng và danh sách thành viên của UB Kinh tế QH. Tôi vội ngó ké. Không tin vào mắt mình, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch LMHTX Việt Nam Ủy viên Đoàn chủ tịch UBTWMTTQVN đứng thứ 6 trong số 33 ủy viên khác.

Sản phẩm thu được sau một đêm vất vả dong thuyền ra khơi của hai ngư dân phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ảnh: Sỹ Lợi

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội na ná như một thứ hội đồng cơ mật quốc gia? Bởi đó là cơ quan giám sát kinh tế của Quốc hội, đồng thời có quyền căn chỉnh sửa đổi về các bộ Luật, Nghị quyết liên quan đến kinh tế trước khi dự thảo trình Quốc hội. Lại nữa, Ủy ban này thường công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô hằng năm với nhiệm vụ và định hướng phát triển kinh tế đất nước với định chế của Đảng và Nhà nước. Bây giờ, ông Cự được coi là người có nhiều “dấu ấn” liên quan đến dự án Formosa, công ty đã xả thải gây sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử Việt Nam lại có mặt Hội đồng cơ mật này?...

Không rõ bà Chủ tịch Quốc hội có động viên ông Cự can đảm gặp báo chí như hôm họp báo bà nói không? Nhưng sau đó ông Cự đã gặp…

Hóa ra mọi việc đều đơn giản như chất giọng bình thản của ông Cự, rằng, ông làm đúng quy trình. Rằng, có Formosa không phải một mình Hà Tĩnh quyết được! Rằng, Thủ tướng đã đồng ý cấp phép 70 năm!

Ý ông Cự muốn đẩy quả bóng sang… Thủ tướng thời điểm ấy?

Thấy kẹt, báo chí đành tìm đến Thanh tra Chính phủ. Ông Khánh Phó Tổng thanh tra đã rành rẽ rằng. Phải sòng phẳng việc này. Thủ tướng đồng ý cho 70 năm là xử lý sau thanh tra tức là sai luật rồi nhưng để hoạt động của dự án bình ổn thì cho tiếp tục 70 năm chứ không phải Thủ tướng đồng ý từ trước.

Lại nữa, ông Cự trả lời báo chí rằng, 12 Bộ ngành đã từng thẩm định và cấp phép 70 năm là không đúng là lấp liếm.

Sảnh chính phòng Diên Hồng giờ giải lao, để ý đám ký giả đang bộc bạch với ĐB Trương Trọng Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh) rằng âm hưởng chủ đạo của ông Cự khi trả lời báo chí là đúng quy trình. Khá ấn tượng khi ĐB này thong thả như một hiền triết đại ý, quy trình là do con người đặt ra do con người xây dựng nên và do con người thông qua. Nếu là người tốt, có trách nhiệm cao thì dù quy trình chưa chặt chẽ thì người ta cũng sẽ bổ túc bổ sung, đề nghị hoàn thiện. Còn ngược lại, quy trình dù chặt chẽ người ta vẫn tìm cách để lách, bỏ qua…

Nhớ đến nhận xét của học giả Đặng Thai Mai về người xứ Nghệ Tĩnh Can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến “cá gỗ” Nhưng chưa khi nào dối trá, quanh co? Đất ấy đã bầu nên những La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp mà Quang Trung mới đến 3 lần mới ra tay giúp nước. Đã nẩy nòi ra tài năng, tiết tháo Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Khắc Viện vv… Thời mới, hàm thượng thư, năm chưa xa riêng huyện Hương Sơn có đến 4 cụ ủy viên Bộ chính trị. Đất Hà Tĩnh luôn liền mạch với niềm tự hào chính đáng. Người Hà Tĩnh được Quốc hội khóa XIV này bầu, phê chuẩn cho bộ máy Nhà nước có đến 5 thành viên chính phủ.

…Có người cho số điện thoại, tôi bấm cho ông tân Chủ tịch nhiều lần nhưng chắc thấy máy lạ, không bắt máy? Cũng phải thôi, tôi biết khó, nói chính xác hơn là không có được thông tin gì ở vị tân chủ tịch này về việc biết hay không biết hành xử cũng như quy trình mời Formosa về đất Kỳ Anh Hà Tĩnh của người tiền nhiệm Võ Kim Cự? Nhưng gì thì gì, cái bước đầu tiên mà Hà Tĩnh gánh hậu quả của Formosa trong đó việc Sở Tài nguyên Môi trường, cơ quan thuế, Ban quản lý khu kinh tế... có tên trong kế hoạch đang làm việc với cơ quan điều tra để làm rõ trách nhiệm khi cấp phép, giám sát xả thải tại Formosa phải có sự điều hành can dự của vị tân Chủ tịch này?

Cũng chưa hẳn đã cũ đã xưa câu một người làm quan cả họ được nhờ. Huống hồ Hà Tĩnh đang có nhiều chục yếu nhân cũ, mới đang trăn trở với thảm họa Formosa, đang sốt dẻo với một Hà Tĩnh thương khó gian nan thời Formosa. Rồi lâu mau, kiểu gì cũng phải lành lại, liền lại những lở loét 250 cột số biển miền Trung với sự chung lo chăm bẵm xúm tay của cả nước.

Xuân Ba

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/ha-tinh-minh-oi-1032347.tpo