Hà Tĩnh mất mùa lịch sử: Tại người hay tại trời?

Theo báo cáo của Sở NNPTNT Hà Tĩnh, vụ xuân năm 2017 toàn tỉnh gieo hơn 58.000ha lúa gồm các giống lúa chủ lực Thiên Ưu 8; Bắc Thơm 7; P6; Nhị Ưu… Từ tháng 2.2017, tại một số địa phương xuất hiện bệnh đạo ôn gây hại lúa với diện tích lúa bị nhiễm bệnh lên tới gần 20.000ha, trong đó có 12.000ha lúa Thiên Ưu 8 bị mất trắng hoàn toàn.

Lúa mất mùa. Ảnh: Trần Tuấn

Thế nhưng, ngành nông nghiệp địa phương vẫn một hai khẳng định: Công tác báo cáo tình hình, tổ chức dập dịch bệnh được thực hiện “đúng quy định”. Vậy, tại sao nông dân vẫn ngậm quả đắng: Mất mùa?

Mất trắng mùa vì bệnh đạo ôn cổ bông

Đợt dịch bệnh này đã khiến người nông dân mất trắng hơn 100.000 tấn lúa, trị giá khoảng 600 tỉ đồng. Với mức thiệt hại này, đây được coi là vụ mất mùa chưa từng xảy ra tại địa phương. Các địa phương chịu thiệt hại lớn nhất trong đợt dịch bệnh vừa qua phải kể đến các huyện Thạch Hà: 3.382ha; Cẩm Xuyên:3.679ha; Hương Sơn: 2.256,8ha; Can Lộc: 2.672,8ha; Đức Thọ: Trên 2.018ha; Nghi Xuân: Trên 1.973ha… Sản lượng lương thực bị tụt so với cùng kỳ năm 2016 đến trên 12 vạn tấn/tổng sản lượng lương thực vụ xuân là 335 vạn tấn. “Đây là con số sụt giảm khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử ngành nông nghiệp Hà Tĩnh” - một cán bộ ngành nông nghiệp chua chát nhận định.

Điều đáng nói là, trong số diện tích bị đạo ôn “xóa” hết sản lượng, thì giống lúa Thiên Ưu 8 này bị nặng nhất, gần như mất trắng. Trong khi đó, trong tổng số trên 58.000ha diện tích gieo cấy thì Thiên Ưu 8 chiếm hơn 18.000ha (31,2% diện tích). Thiên Ưu là giống lúa được Chi cục Trồng trọt Hà Tĩnh công nhận là giống cây trồng nông nghiệp mới từ năm 2015, và được coi là giống lúa chủ lực trong vụ xuân 2017 ở địa phương.

Giữa tháng 5, khi dịch đạo ôn cổ bông bùng phát, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh kiểm tra thực tế đồng ruộng đã đặt ra vấn đề chất lượng giống Thiên Ưu 8 không đảm bảo. Bởi cùng một cánh đồng mà các giống khác bông trĩu hạt, chỉ Thiên ưu 8 mất mùa.

Cùng thời điểm, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn chủ trì cuộc họp khẩn truy nguyên nhân dịch bệnh đạo ôn trên lúa cũng đã bức xúc cho rằng, thời tiết năm nào cũng na ná nhau nên cán bộ ngành nông nghiệp của tỉnh đừng đổ do thời tiết cả. Bí thư cũng yêu cầu thống kê thiệt hại nghiêm túc và làm rõ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch.

Thế nhưng, đến nay, trả lời PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Việt - GĐ Sở NNPTNT Hà Tĩnh - cho biết: “Lúc này, chúng tôi cũng chưa ngồi kiểm điểm trách nhiệm được vì cũng đang lo xác định nguyên nhân. Mọi cái đang làm việc với Cục Trồng trọt và Bộ NNPTNT. Giờ đang tập trung các giải pháp khôi phục sản xuất, tập trung cho kịp vụ hè thu đã. Sau đó lấy ý kiến bộ, ngành đã, chứ bây giờ kiểm điểm anh nào thì chưa. Vì cái này phải cả quá trình”. Ông Việt cũng khẳng định, tất nhiên phải họp kiểm điểm. Nhưng muốn kiểm điểm thì phải thu thập đầy đủ các chứng lý, và sau đó còn phải có ý kiến của các ngành.

Ngày 14.6, ông Nguyễn Tuấn Thanh - PGĐ Sở NNPTNT Hà Tĩnh - khẳng định “bệnh đạo ôn không phải do giống gây ra. Mà bệnh đạo ôn do nấm gây ra”. Giải thích rõ hơn, không phải do chất lượng giống, ông Thanh cho biết, chất lượng giống liên quan đến các chỉ tiêu gồm tỉ lệ nảy mầm, độ sạch của giống, độ ẩm của giống... mà các tiêu chí đó đối với Thiên Ưu 8 đều đạt yêu cầu. Các cơ sở kiểm định mẫu được chỉ định của bộ khẳng định giống đạt
tiêu chuẩn.

Liên quan đến vấn đề kiểm điểm trách nhiệm, ông Thanh cũng khẳng định, thời điểm này, Sở NNPTNT Hà Tĩnh chưa tổ chức kiểm điểm vì còn tập trung chỉ đạo sản xuất vụ hè thu.

Lúa Thiên Ưu liệu có đúng như quảng cáo?. ảnh: P.V

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi với PV Báo Lao Động sáng 14.6, chuyên gia nông nghiệp - PGS-TS Vũ Văn Liết - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) - cho biết: Hai loại giống Thiên Ưu và Nhị Ưu là giống lúa lai nhập từ Trung Quốc về và chuyển cho dân trồng. Khi một giống cây nhập và phổ biến trồng trên diện rộng như vậy phải có nghị quyết và quyết định về cơ cấu giống của Sở NNPTNT Hà Tĩnh. Nếu Sở NNPTNT ra văn bản phổ biến trồng diện rộng giống lúa này, thì trách nhiệm thuộc Sở NNPTNT. Trách nhiệm phải tính ở 2 điểm: Thứ nhất, cho giống lúa này vào cơ cấu, trong khi đây là giống lúa nhiễm đạo ôn. Thứ hai, là cán bộ chuyên môn không kịp thời phát hiện bệnh để giúp dân phòng trừ, để bệnh lên đến cổ bông rồi thì chỉ có “bó tay”. Dân không thể biết được giống có nhiễm bệnh. Gặp môi trường thuận lợi, nóng, ẩm, nấm phát triển mạnh thì bệnh đạo ôn có điều kiện hoành hành.

Trả lời câu hỏi của PV Báo Lao Động trước thông tin cho rằng nguyên nhân bệnh đạo ôn do giống, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hà Tĩnh - lại lập luận: Nấm đạo ôn có thể lây nhiễm từ nhiều nguồn: Môi trường, cỏ dại, nước tưới… chứ không đơn thuần từ nguồn giống. Năm 2017 quá thuận lợi cho bệnh đạo ôn. Do tháng 4 có 2 đợt gió mùa đông bắc đã phát tán nấm ra môi trường trên diện rộng. Việc cảnh báo vẫn được lực lượng chuyên trách thực hiện đúng quy định: Báo cáo tuần, báo cáo tháng, thậm chí hồi tháng 3 đã tổ chức họp toàn bộ cán bộ bảo vệ thực vật (BVTV) của tỉnh để cảnh báo, nhưng bệnh đạo ôn cổ bông giai đoạn xâm nhập vào cổ bông là không thể phát hiện được, chỉ có thể soi kính hiển vi mới phát hiện chứ không thể nhìn được bằng mắt thường, thậm chí kính lúp cũng không thể thấy được, khi bệnh lên đến cổ bông, thì đồng nghĩa với đã chịu tác hại.

“Giống lúa Thiên Ưu đưa vào Hà Tĩnh cách đây 3 năm, từ năm 2014 đã làm mô hình, năm 2015-2016 thắng lợi lớn. Giống lúa ở Hà Tĩnh có nhiều nguồn: Dân trữ giống từ vụ trước, mua từ các đại lý, giống từ nguồn quỹ hỗ trợ quốc gia vì bão lụt. Năm nay, tất cả lúa được gieo từ các nguồn giống nói trên đều bị nhiễm bệnh, kể cả giống lúa được viện trợ. Vì vậy, thông tin cho rằng giống lúa Thiên Ưu nhập từ Trung Quốc bị nhiễm nấm là chưa chính xác”. Ông Nguyễn Tuấn Thanh khẳng định.

Nói về trách nhiệm của các cán bộ chuyên trách về BVTV, ông Thanh cho rằng, công tác dự báo theo tuần, theo tháng được triển khai theo quy định. Tỉnh sẽ tập trung tìm ra nguyên nhân gây bệnh, ngoài việc kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm cán bộ liên quan, còn việc quan trọng hơn là khoanh vùng, dập bệnh, không mầm bệnh lưu lại, phát tán ảnh hưởng đến vụ sau.

PGS-TS Vũ Văn Liết cho rằng, bệnh đạo ôn là 1 trong 2 bệnh dạng nấm cực kỳ nguy hiểm đối với cây lúa, nhưng vẫn có thể phòng ngừa. Thế nhưng, để diện tích lúa bị nhiễm bệnh và mất trắng trên diện rộng như vậy, trách nhiệm thuộc về cán bộ kỹ thuật.

“Đạo ôn được coi là bệnh quá “nan y” đối với cây lúa, nhưng có thể phòng trừ được. Khi phát hiện ra phải khoanh vùng dập dịch, nếu để bệnh lan đến cổ bông thì coi như mất trắng. Bệnh có thể nhìn được bằng mắt thường, nhưng khi thấy thân lúa trăng trắng như vậy, người dân dễ nhầm với bệnh sâu đục thân. Nếu phun thuốc sâu đục thân nấm không thể chết. Cán bộ khuyến nông và BVTV phải kiểm tra, phát hiện và ra thông báo khuyến cáo bà con nông dân, giúp dân dập dịch. Dân không biết mới cần đến cán bộ khuyến nông, cán bộ BVTV, chứ nếu “bắt” dân phải chịu trách nhiệm trong việc không phát hiện được bệnh trên cây lúa do mình trồng, thì cần gì đến các cán bộ BVTV?”

“Hai giống lúa trồng ở Hà Tĩnh là 2 giống nhiễm bệnh và không kháng bệnh, nhưng lại được địa phương đưa vào cơ cấu, thì trách nhiệm này thuộc về cán bộ quản lý”

Báo cáo mới nhất của Sở NNPTNT Hà Tĩnh: Diện tích lúa xuân năm 2017 này, toàn tỉnh có hơn 20.782ha lúa trong tổng toàn bộ diện tích sản xuất là 58.785ha bị thiệt hại do bệnh đạo ôn cổ bông. Trong đó, riêng giống lúa Thiên Ưu 8 thiệt hại hơn 17.856ha. Ở giống Thiên Ưu 8 này, diện tích thiệt hại trên 70% đã hơn 12.136ha.

Khánh Vũ - Trần Tuấn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/ha-tinh-mat-mua-lich-su-tai-nguoi-hay-tai-troi-673907.bld