Hà Tĩnh lại chịu đợt lũ mới

Vùng đất khó Hà Tĩnh chỉ trong vòng có nửa tháng đã liên tiếp “oằn” mình chống chọi với các trận mưa lũ lớn kéo dài khiến hàng nghìn nhà dân cùng ruộng vườn, tài sản bị nhấn chìm trong lũ kép.

Từ ngày 29-10 đến 1-11, trên địa bàn Hà Tĩnh có mưa to đến rất to với tổng lượng lượng mưa ở nhiều địa phương đo được từ 500 - 600 mm. Mưa lớn trên diện rộng kéo dài đã làm cho gần 4.000 hộ ở 29 xã, phường bị ngập sâu. Trong đó, Hương Khê 15 xã với hơn 2.600 hộ bị ngập sâu từ 1 – 2 m cùng 14 xã phường với gần 1.400 hộ của thị xã Kỳ Anh và huyện Cẩm Xuyên...

Theo Chủ tịch UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) Lê Ngọc Huấn, do nước thượng nguồn đang đổ về mạnh nên sáng 1-11, nhiều xã vùng thượng như Hương Đô, Lộc Yên, Gia Phố… đã bị biển nước nhấn chìm từ 1 - 2 m. Một số xã nằm ven sông Ngàn Sâu, vùng thấp trũng có khoảng 500 - 600 hộ bị ngập, trong đó có nhiều nhà bị ngập sâu đến hai mét.

Chủ tịch UBND xã Hương Đô Đinh Văn Lâm cho biết: Từ chiều tối 31-10 đến sáng 1-11, nước dâng nhanh đã nhấn chìm tất cả các xóm cùng các tuyến đường giao thông liên xã, khiến xã bị cô lập hoàn toàn. Hiện cả xã có hơn 600 hộ bị ngập, trong đó nhiều nhà dân cùng hội quán, trụ sở làm việc UBND xã đã bị ngập khá sâu. Địa phương đã chỉ đạo các lực lượng đoàn viên xung kích hỗ trợ người dân sơ tán đồ đạc, gia súc lên cao và có phương án sơ tán người nếu lũ tiếp tục dâng cao.

Mưa lũ đã bắt đầu cô lập hoàn toàn xã Lộc Yên. Lúc này thuyền, bè là phương tiện duy nhất để giúp người dân đi lại và sơ tán người, tài sản lên cao. Muốn đến các xóm, chỉ duy nhất là đi thuyền. Hiện toàn xã có hơn 500 hộ bị ngập nước, trong đó hai xóm Bình Phúc, Hương Yên bị ngập sâu nhất với trên 100 hộ. Các hộ này cũng đã được sơ tán lên cao an toàn từ rạng sáng ngày 1-11.

Cầu Treo Phương Mỹ bị lũ cắt đứt.

Phương Mỹ chìm trong lũ.

Nguy cơ đuối nước với trẻ em.

Chiều 1-11, vùng “rốn” lũ như: Phương Mỹ, Hà Linh, Phương Điền… lũ mới hoành hoành lên cao… Qua điện thoại, Bí thư Đảng ủy xã Phương Mỹ Nguyễn Hồng Quân cho biết: Từ ngày hôm qua, nước lũ đã làm ngập hoàn toàn tuyến đường độc đạo vào xã. Đến sáng nay, nước lũ đã thực sự đổ về và dâng lên khá nhanh làm ngập 160 hộ gia đình cùng UBND xã, trường học, trạm xá, trong đó có gần 40 hộ ngập sâu cả mét nước. Trước tình hình đó, ngay chiều tối qua, địa phương đã chỉ đạo cho hơn 260 hộ ở các xóm Trung Thượng, Thượng Sơn… khẩn trương di dời tài sản và gia súc lên vùng cao. Toàn bộ chính quyền và người dân đang tập trung đối phó với lũ. Dự kiến nước lũ tiếp tục dâng cao và có thể bằng trận lũ vừa mới xảy ra. Lúc đó, khoảng hai phần ba số hộ trong xã bị ngập sâu và sẽ phải di dời người lên cao để bảo đảm an toàn.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê Trần Đình Hùng cho biết: Sáng 1-11), toàn huyện có 64/64 trường học của bốn cấp học với 25 nghìn học sinh đã buộc phải nghỉ học do mưa lũ.

Do mưa lớn kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ nên ngày 31-10, nhiều tuyến đường, nhà dân trên địa bàn Kỳ Anh ở các xã vùng sâu trũng: Kỳ Văn, Kỳ Tân, Kỳ Thư, Kỳ Châu, Kỳ Lạc… đã bị ngập lụt nghiêm trọng và bị chia cắt. Quốc lộ 1A đi qua các xã Kỳ Thư, Kỳ Văn cùng một số tuyến đường giao thông khác có nhiều đoạn ngập sâu, gây khó khăn cho người dân và phương tiện tham gia giao thông. Đã có hơn 20.999 em học sinh các cấp học ở huyện Kỳ Anh đã phải nghỉ học do mưa lũ.

Các huyện dọc sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố như Vũ Quang, Hương Sơn đều chủ động ứng phó với mưa lũ, tổ chức sơ tán người và tài sản lên cao, cho học sinh nghỉ học ở vùng ngập trũng…

Do mưa lớn kéo dài trong nhiều này nên các hồ chứa lớn và hồ thủy điện đã “no” nước, buộc phải xả lũ từ ngày 28-10 đến nay. Trong đó, phải nói đến việc xả lũ của hồ Sông Rác với lưu lượng từ 60 m3/s đến 250 m3/s; Hồ Kẻ Gỗ từ 45 m3/s lên 500 m3/s cùng một số hồ nhỏ khác.

Đặc biệt là thủy điện Hố Hô ngày 28-10 xả lũ với lưu lượng 88 m3/s. Đến chiều 31-1 buộc phải xả với lưu lượng lên đến hơn 1.000 m3/s do nước đổ về lớn. Nhà máy thủy điện Hố Hô đã phối hợp chặt chẽ với huyện Hương Khê và các địa phương vùng hạ lưu sớm thông báo tình hình xả lũ một cách cụ thể và kịp thời. Người dân đã chủ động sơ tán tài sản lên cao, giảm thiệu thiệt hại...

Ông Trần Đình Hóa cùng người dân ở xã Lộc Yên (Hương Khê) cho biết, khác với trận mưa lụt giữa tháng 10, trong trận mưa lũ đợt này, người dân Hương Khê đã có sự chủ động hơn trong công tác đối phó với mưa lũ. Ngay trong đêm 31-10, khi được thông báo thủy điện Hố Hô xã lũ, chính quyền và người dân địa phương đã sẵn sàng các phương án sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn, đồng thời thành lập tổ công tác giám sát việc xả lũ thủy điện. Huyện Hương Khê cũng chỉ đạo người dân sẵn sàng các phương tiện để ứng cứu khi cần thiết

Trước tình hình mưa lũ kép như vậy, tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời triển khai công tác ứng phó; đặc biệt là phát huy kinh nghiệm ứng cứu và công tác bốn tại chỗ. Ngay trong tối 31-10 và sáng 1-11, tỉnh Hà Tĩnh đã triệt tập cuộc họp đột xuất và tổ chức các đoàn công tác đã trực tiếp xuống các địa phương để chỉ đạo công tác ứng phó, điều tiết xả lũ để đảm bảo an toàn cho các hồ chứa lớn và ngập úng hạ du. Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cũng huy động phương tiện cùng 100 cán bộ, chiến sỹ để tham ứng cứu, khắc phục hậu quả mưa lũ ở rốn lũ Hương Khê…

Hơn bao giờ hết, người dân Hà Tĩnh rất cần chung tay, tiếp sức của cả cộng đồng để họ sớm vượt qua những khó khăn vất vả do lũ kép gây ra…

Thăm hỏi tình hình ngập lũ tại gia đình ông Trần Đình Hóa xóm Hương Đồng, Xã Lộc Yên, Hương Khê .

Thiếu tướng Trần Tiến Dũng Phó Chính ủy Quân khu 4 trao mì tôm và lương khô cho UBND xã Phương Mỹ.

Trường Tiểu học Phương Mỹ bị ngập.

Trận mưa lũ kéo dài từ ngày 12 đến ngày 16-10 trên địa bàn Hà Tĩnh đã làm 108 xã phường thị trấn với hơn 32 nghìn ngôi nhà bị ngập lụt, có nhiều nơi bị ngập sâu trên 3 mét, bị cô lập. Mưa lũ đã làm 9 người chết, 36 người bị thương; hàng nghìn hecta lúa, cây ăn quả, hoa màu bị hư lại; hàng vạn con gia súc gia cầm bị chết; nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông thủy lợi,… bị hư hỏng. Tổng thiệt hại ước hơn 1.000 tỷ đồng.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/31146002-ha-tinh-lai-chiu-dot-lu-moi.html