Hà Tĩnh: Hàng ngàn hộ dân vẫn đang bị lũ cô lập

Mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương ở Hà Tĩnh, đảo lộn cuộc sống của bà con nhân dân các vùng bị ngập. Đến ngày 16/10, thời tiết bắt ngớt mưa nhưng do lũ trên thượng nguồn đổ về kết hợp nước các hồ đập chảy ra khiến nhiều hộ dân vẫn trong tình trạng ngập lụt nghiêm trọng, nhiều hộ còn bị cô lập.

Cảnh ngập lụt tại huyện Hương Khê

Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề, hàng ngàn hộ dân vẫn đang bị cô lập

Tại huyện Hương Sơn, nước rút chậm nên đến 10h30 trưa 16/10, toàn huyện có 101 nhà bị ngập; 33 thôn bị chia cắt; 2 trường mầm non tại xã Sơn Phúc, Sơn Mai, 1 trường tiểu học tại xã Sơn Phúc bị ngập. Có 20 ki-ốt, 1 chợ bị ngập; 13 hộ bị sạt lở đất; 95 ha ngô đông tại các xã Sơn Lễ, Sơn Tiến, Sơn Trung, Sơn Kim 1, Sơn Quang, Sơn Lĩnh, Sơn Hồng ngập hỏng; diện tích thủy sản bị thiệt hại 10 ha.

Đường biên giới Sơn Kim 2 bị sạt mái taluy với khối lượng 3000m 3 ; đường An – Lễ bị sạt lở với khối lượng 250 m 3 đất, đá; đường liên thôn Hà Trai – Vũng Tròn xã Sơn Kim 1 bị sạt lở khối lượng 85m 3 ; đường quản lý vận hành hồ chứa Khe Mơ, xã Sơn Hàm bị sạt mái taluy dương với khối lượng 100m 3 đất; bờ sông Ngàn Phố bị sạt lở 960 m 3 đất.

Tại huyện Vũ Quang, lũ dâng khiến 5.384 hộ dân ở 44 thôn thuộc 6 xã đang bị cô lập gồm: Ân Phú, Đức Giang, Đức Liên, Đức Hương, Đức Lĩnh, Đức Bồng. Nước lũ cũng làm ngập 609 hộ/1.200 ở 9 xã, thị trấn; 14 nhà văn hóa cộng đồng của các thôn, trong đó nhiều nhất là Đức Hương với 7 nhà, Đức Giang 5 nhà. Một số tuyến đường đang bị ngập như: Tỉnh lộ 5 qua xã Đức Bồng, Ân Phú - Cửa Rào; đường vượt lũ đoạn qua xã Đức Giang, Đức Lĩnh; đường vào trung tâm các xã Đức Lĩnh, Đức Hương, Đức Liên; đường liên thôn tại các xã Đức Giang, Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Hương...

Nước ngập, người dân huyện Vũ Quang phải đi lại bằng thuyền

Mưa lớn kéo dài ở Đức Thọ kết hợp với nước lũ thượng nguồn các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố và sông Cả (Nam Đàn) đổ về đang gây ngập lụt tại 4 xã vùng thượng, 7 xã ngoài đê và 5 xã ven đê có dân cư sinh sống ngoài đê. Mực nước sông La đang lên nhanh, lúc 10 giờ ngày 16/10 là 4,83m, trên báo động I là 0,33m.

Mưa lớn cũng gây ngập úng các xã vùng nội đồng trong đê do tiêu thoát không kịp làm một số xã vùng thấp trũng có hộ dân bị nước tràn vào nhà. Các xã vùng thượng Đức Thọ có lịch sản xuất vụ đông sớm cũng bị thiệt hại khá lớn.

Nước rút nhưng nhiều hô vẫn đang bị ngập

Thống kê của của UBND huyện Đức Thọ, toàn huyện đã có 660 hộ bị ngập từ 0,2 - 0,5m, bao gồm: xã Đức Thanh 400 hộ (ngập sâu 0,4-0,5m ), Thái Yên 120 hộ bị ngập, Đức Lạng 75 hộ, Đức Đồng 20 hộ, Bùi Xá 20 hộ, Trường Sơn 18 hộ và Đức Châu 7 hộ. Thiệt hại về hoa màu, đến thời điểm này, toàn huyện bị ngập úng và gãy đổ 140,9 ha ngô đông; 81 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập và mất trắng.

Tại huyện Can Lộc, tính đến 9h sáng 16/10, 23 xã/thị trong huyện bị ngập sâu trong nước, hàng nghìn hộ gia đình ngập từ 0,5 đến 1m; nhiều xóm bị cô lập; giao thông đi một số xã trong huyện bị tê liệt. Theo báo cáo sơ bộ, Can Lộc có trên 100 ha rau màu và hàng trăm mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, cây ăn quả của người dân bị ngập sâu trong nước, gây thiệt hại nặng nề.

Mực nước lũ trên sông Ngàn Sâu ở huyện Hương Khê nước bắt đầu rút dần nhưng chưa đáng kể. Các xã như: Phương Mỹ, Phương Điền, Hà Linh, Hòa Hải... vẫn còn hàng ngàn hộ dân ngập sâu trong nước.

Chủ động ứng phó với mưa lớn, sớm khắc phục hậu quả do lũ

Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ, sớm khắc phục hậu quả, các địa bị ảnh hưởng bởi mưa lũ đã tiếp tục tập trung chỉ đạo cơ sở, đơn vị vào cuộc với tinh thần khẩn trương và hiệu quả nhất.

Tại Can Lộc, UBND huyện đã phân công cán bộ về trực tiếp tại cơ sở chỉ đạo các lực lượng đoàn thể dân khơi thông các dòng chảy chủ yếu do bèo tây làm ách tắc; phối hợp với các cơ quan chức năng đặt biển cấm ở các tuyến đường nguy hiểm, giúp đỡ và hỗ trợ kịp thời các gia đình khó khăn, già cả neo đơn, đồng thời tiếp tục huy động lực lượng tìm kiếm nạn nhân bị nước lũ cuốn trôi tại xóm Chi Lệ, xã Sơn Lộc.

Cảnh gia cầm của người dân chết do nước lũ

Trước thực trạng mưa lũ vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, Ban phòng chống bão lũ huyện Đức Thọ yêu cầu các địa phương và người dân cần theo dõi sát tình hình, chuẩn bị tốt phương án "4 tại chỗ" nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại, đồng thời chuẩn bị tốt các phương án tái sản xuất sau khi lũ rút.

Sáng 16/10, huyện Vũ Quang đã tổ chức các đoàn đi tiếp tế mì tôm, nước khoáng, lương khô và thăm hỏi, động viên các hộ dân vùng ngập, bị cô lập..trong đó tập trung các vùng ngập và bị cô lập để tổ chức di dời nhân dân đến các địa điểm an toàn; tổ chức trực ban 24/24, bố trí đủ lực lượng tại chỗ để sẵn sàng ứng phó các sự cố và giúp đỡ nhân dân di dời, bảo vệ các công trình thủy lợi, giao thông, dọn dẹp các đoạn đường bị ảnh hưởng, phát quang các cây cối đổ ngã, điều tiết giao thông tại các cung đường bị ngập; đảm bảo điện và thông tin liên lạc thông suốt./

Phan Quyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/ha-tinh-hang-ngan-ho-dan-van-dang-bi-lu-co-lap-299929.html