Hà Tĩnh: 'Chuyện nhỏ mà không nhỏ' trên chuyến xe buýt

Sáng 20/2, nhân một chuyến đi vào thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) công tác, tôi mới chứng kiến được sự 'xuống cấp' đồng bộ của phương tiện giao thông cũng như 'cái tâm' của nhân viên thu phí.

Theo đó, xe buýt Hà Tĩnh - Kỳ Anh có 2 tuyến. Tuyến 1A đi Kỳ Phương và tuyến 1B đi Vũng Áng.

Cả hai tuyến này cùng chạy chung đường, chỉ tách ra tại ngã ba cảng Vũng Áng, thuộc địa bàn phường Kỳ Trinh, khi chỉ còn khoảng trên dưới 10km nữa là về đến điểm cuối.

Xe buýt 1B, BKS 38B-004.12, tuyến Hà Tĩnh - Vũng Áng.

Xe buýt 1B, BKS 38B-004.12, tuyến Hà Tĩnh - Vũng Áng.

Có mặt trên chiếc xe buýt 1B, BKS 38B-004.12, tuyến Hà Tĩnh - Vũng Áng, xuất phát vào lúc 8h25’ sáng ngày 20/2/2017, đến thị xã Kỳ Anh lúc 9h35’, trên xe có khoảng 20 người.

Xe chạy được một lúc thì nhân viên tiến hành thu phí.

Theo quy định của Sở GTVT Hà Tĩnh, để tiện lợi cho hành khách và tránh sự “gian lận” của nhân viên, bảng giá vé được dán ngay bên trong thành xe.

Theo đó, khoảng cách dưới 10km là 6.000đ; từ 10 - 25km là 15.000đ; từ 26 - 40km là 20.000đ; từ 41 - 55km là 25.000đ; trên 55km là 30.000đ.

Trên xe có một hành khách là ông Lê Xuân Nghĩa, 55 tuổi, quê Kỳ Phương, Kỳ Anh. Khi ông lớn lên, gia đình ông chuyển ra Nghi Lộc, Nghệ An sinh sống. Hiện ông trú tại huyện Chư Păh, Gia Lai. Vì đường sá xa xôi nên sau nhiều năm ông Nghĩa mới có dịp trở về quê hương.

Thay vì hướng dẫn hành khách đón xe đúng tuyến cho đỡ vất vả và tốn kém thì nhân viên bán vé lại bán "trái tuyến".

Vì nhiều năm không về thăm quê nên ông Nghĩa không rành việc đi xe buýt. Về Kỳ Phương, nhẽ ra đón xe 1A nhưng ông lại lên xe 1B đi cảng Vũng Áng.

Khi biết ông Nghĩa đi nhầm xe thì nhân viên bán vé nói: “Xe không này đi vào Kỳ Phương. Bác vào đến ngã ba cảng rồi bắt xe khác” và bán vé thu tiền với giá 30.000đồng (giá vé suốt tuyến - PV).

Thấy vậy, một hành khách lên tiếng: “Sao không cho bác xuống để đón xe đi Kỳ Phương mà lại bán vé cho bác đi đến ngã ba cảng”? Vị nhân viên này trả lời: “Đã thông báo rồi, khách không nghe thì phải chịu”.

Thế là ông Nghĩa vừa mất công lại mất thêm tiền, bởi từ ngã ba cảng vào đến Kỳ Phương, ông lại phải mất thêm 15.000 tiền vé xe buýt nữa.

Một hành khách dùng vé tháng cho biết: “Tôi đi lại trên tuyến đường này thường xuyên, có nhiều chuyện bức xúc lắm. Nhiều khi thấy học sinh đứng đợi bên đường nhưng họ không đón mà lại đón khách mang theo hàng hóa vì họ được hưởng phần trăm trong số tiền thu được đó. Có những người già, lên xuống xe chậm chạp, họ cũng cằn nhằn...”

Cùng với sự “xuống cấp” trong cái tâm của nhân viên bán vé là sự hư hỏng về phương tiện phục vụ.

Quan sát toàn xe, chúng tôi thấy nội thất đã hư hỏng rất nhiều. Vỏ ghế bị rách từng mảng lớn, vai ghế bị ngã ra, đè sát hàng ghế sau khiến hành khách không thể ngồi vào được. Một số chai lọ nhựa, bao bì được nhét sau ghế, tạo nên sự luộm thuộm, bẩn thỉu...

Vỏ ghế bị rách từng mảng lớn

Vai ghế bị ngã ra, đè sát hàng ghế sau, khiến hành khách không thể ngồi vào được.

Một số chai lọ nhựa, bao bì được nhét sau ghế, tạo nên sự luộm thuộm, bẩn thỉu...

Trong khi các cơ quan chức năng liên tục khuyến khích người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, tăng cường phương tiện công cộng nhằm giảm thiểu tối đa ách tắc giao thông thì dịch vụ xe buýt tuyến Hà Tĩnh - Kỳ Anh đang làm hình ảnh của mình “xấu” đi trong con mắt của “thượng đế”; làm hành khách ngại ngần hơn trong việc quyết định lựa chọn phương tiện công cộng cho các hoạt động đi lại của mình!

Thanh Tâm

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ha-tinh-chuyen-nho-ma-khong-nho-tren-chuyen-xe-buyt-post221471.info